Không nên khiên cưỡng
Hội đồng Dân tộc vừa gửi Báo cáo đánh giá việc thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến phân luồng sau giáo dục trung học cơ sở (THCS) tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ có liên quan. Trên cơ sở phân tích, nhìn nhận kết quả thực thi các chính sách, Báo cáo đã đề xuất, khuyến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách trong bối cảnh mới, trong đó, một quan điểm được Báo cáo nhấn mạnh là không nên khiên cưỡng khi thực hiện phân luồng THCS mà cần chú trọng đào tạo nghề cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phân luồng còn hình thức
Theo Báo cáo đánh giá việc thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến phân luồng sau giáo dục THCS tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục hướng nghiệp - phân luồng - giáo dục nghề nghiệp là 3 thành tố để phát triển nguồn nhân lực, đồng thời cũng là nội dung quan trọng của đổi mới giáo dục. Điều này được cụ thể hóa trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và những quy định cụ thể của Chính phủ. Tuy nhiên, mới chỉ có chính sách phân luồng chung cho giáo dục THCS, chưa có chính sách phân luồng riêng cho giáo dục THCS vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
![]() |
Cũng theo Báo cáo, hiện nay, nhiều trường THCS đã xây dựng được chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tế địa phương và có giáo viên kiêm nhiệm được bồi dưỡng về giáo dục hướng nghiệp. Cơ chế phối hợp trường THCS - Cơ sở giáo dục nghề nghiệp - Doanh nghiệp (trong và ngoài tỉnh) được hình thành ở một số địa phương, tạo cơ hội cho học sinh THCS được học nghề và tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, việc phân luồng sau THCS được Báo cáo chỉ rõ là vẫn còn hình thức.
Khảo sát tại 4 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Yên Bái cho thấy, với thời lượng giáo dục hướng nghiệp mỗi tháng 1 tiết, tổng cộng 9 tiết/năm và chỉ thực hiện đối với học sinh lớp 9 thì mục đích giúp học sinh sau THCS có kiến thức về nghề nghiệp và có khả năng lựa chọn nghề nghiệp khó có thể thực hiện được.
Cùng với đó là sự bất cập về điều kiện bảo đảm thực hiện giáo dục hướng nghiệp như đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm thiếu và chưa được đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục hướng nghiệp; cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu của giáo dục hướng nghiệp, chế chộ chính sách hỗ trợ chưa phù hợp… Đây đều là những rào cản đối với giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng ở trường THCS, như nhận định của UBND huyện Mai Sơn, Sơn La là “chất lượng hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt mục tiêu đề ra”.
Hướng tới hiệu quả
Tham gia Đoàn khảo sát, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan cho biết, chúng ta chưa nhận thức đúng đắn về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Tư tưởng chung là vào đại học mới là mục đích cần đạt tới của con em mình. Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp cũng là hướng đi tốt, phân luồng sau THCS không có nghĩa là đóng cửa cơ hội học tiếp lên đại học của học sinh, cơ hội học tiếp đã được chỉ rõ trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc thực hiện chính sách phân luồng càng không nên khiên cưỡng. Chúng ta nên chuẩn bị mọi mặt để các em tự lựa chọn hướng đi (luồng) phù hợp với năng lực, năng khiếu, sở thích của bản thân hiện tại và tương lai; điều kiện nhân lực và kinh tế của gia đình, cũng như nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề theo ngành nghề ở địa phương, của đất nước và quốc tế. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu dẫn chứng, chúng ta dạy nghề mây tre đan thì học sinh vùng dân tộc miền núi rất dễ hiểu vì nó gần gũi với cuộc sống các em hàng ngày. Hay có một số mô hình về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ khi trồng trọt, chăn nuôi… cũng rất thiết thực. Tiếc rằng, giáo dục thường xuyên cấp THPT, giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được phát triển đúng tầm. Nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên không đủ giáo viên để dạy các môn học, chất lượng đào tạo chưa tốt, ngành nghề đào tạo khó tìm được việc làm, nên chưa tạo được sức hút đối với học sinh tốt nghiệp THCS, dẫn đến trường hợp nhiều em học sinh chọn phương án về địa phương tham gia thị trường lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu trước mắt, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu nói.
Phân luồng sau giáo dục THCS là bước đi để thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng khác. Tới đây, để phân luồng sau THCS tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả hơn, Báo cáo khuyến nghị, ngành giáo dục cần ban hành văn bản hướng dẫn, quy định tiêu chí đánh giá việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong trường THCS; tiêu chuẩn lựa chọn người làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp trong trường THCS; tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp trong trường THCS; cơ chế phối hợp giữa các trường THCS và cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác giáo dục hướng nghiệp. Đối với ngành lao động, thương binh và xã hội, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định về việc cung cấp thông tin về năng lực đào tạo, thông tin tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm; thông tin về nhu cầu việc làm, thị trường lao động theo định kỳ; chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương phối hợp với ngành giáo dục triển khai các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh THCS.
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương vùng dân tộc thiểu số, Báo cáo của Hội đồng Dân tộc khuyến nghị, cần chỉ đạo, xây dựng chính sách huy động nguồn lực địa phương thực hiện giáo dục hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh THCS trên địa bàn; xây dựng cơ chế phối hợp giữa trường THCS - Cơ sở giáo dục nghề nghiệp - Cơ sở sử dụng lao động.