Cân nhắc tỷ lệ dự phòng dự bị động viên

Tin: Phương Thủy
Ảnh: Quang Khánh
11/06/2019 13:27

Sáng 11.6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Bảy, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, QH đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Cơ bản tán thành quy định về tỷ lệ dự phòng dự bị động viên nhằm bảo đảm tính chủ động, kịp thời, gắn với nhiệm vụ khi có tình huống, song các ĐBQH cũng cho rằng, việc quy định tỷ lệ cụ thể trong dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện giảm biên chế, không tăng ngân sách, gắn với yêu cầu xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh hiện nay.

Kế thừa quy định hiện hành

Các ĐBQH tán thành xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; đồng thời, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên; khắc phục những vướng mắc, bất cập và hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật điều chỉnh quan hệ xã hội trong trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả, hiệu lực.

ĐBQH Dương Đình Thông (Bắc Giang) phát biểu tại hội trường
ĐBQH Dương Đình Thông (Bắc Giang) phát biểu tại hội trường

ĐBQH Dương Đình Thông (Bắc Giang), ĐBQH Bùi Quốc Phòng (Thái Bình), ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đồng tình với quy định tại khoản 2, Điều 14 “Đơn vị dự bị động viên phải được duy trì đủ quân số, có số lượng dự phòng 10% đến 15%; dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp quy định này là phù hợp, cần thiết”.

Lý giải về sự đồng tình này, ĐB Dương Đình Thông cho biết, quy định tại khoản 2, Điều 14, dự thảo Luật trên thực tế đã kế thừa quy định tại Điều 11, Pháp lệnh hiện hành. Thực tế thực hiện Pháp lệnh cho thấy, quân nhân dự bị thường là lực lượng lao động chính trong các gia đình, có thể làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế khác, không thể lúc nào cũng có thể tham gia khi được huy động. Ngay cả với lực lượng quân nhân dự bị động viên đã xây dựng cũng có nhiều trường hợp bị ốm đau, gia cảnh khó khăn, hoặc rơi vào hoàn cảnh bất khả kháng nên không dễ huy động được trong trường hợp cần thiết. Do vậy, việc quy định tỷ lệ dự phòng với đơn vị quân nhân dự bị trong dự thảo Luật sẽ giúp bảo đảm tính chủ động, kịp thời, gắn với nhiệm vụ khi có tình huống.

ĐBQH Phạm Thành Tâm (Hậu Giang) cho rằng, quy định tỷ lệ dự phòng dự vị động viên là 10 - 15% tại Điều 14, dự thảo Luật đã bảo đảm tính khả thi, thể hiện tính thống nhất, cơ động, phù hợp với từng vùng miền, qua đó kịp thời bổ sung số còn thiếu khi huy động vào các đơn vị quân nhân dự bị. Tuy nhiên, theo ĐB Phạm Thành Tâm, để bảo đảm tốt tỷ lệ dự phòng trong quá trình thực hiện thì cần chú ý thực hiện tốt công tác quản lý đăng ký tham gia quân nhân dự bị, nhất là quy định rõ hơn trác nhiệm, chỉ đạo hướng dẫn, triển khai thực hiện của UBND các cấp trong việc xây dựng, huy động lực lượng quân nhân dự bị động viên.   

Phải có tỷ lệ dự phòng thích hợp

Về tỷ lệ dự phòng lực lượng dự bị động viên, Báo cáo thẩm tra Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tỷ lệ dự phòng từ 10 - 15% tại khoản 2 Điều 14 để bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến khác đề nghị chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc trong luật, còn tỷ lệ dự phòng cụ thể quy định tại văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, chủ động.

Cho rằng việc quy định tỷ lệ lực lượng dự bị động viên là cần thiết, ĐBQH Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho biết, Báo cáo số 5017/2019 của Bộ Quốc phòng đã khẳng định, số lượng dự phòng thực hiện theo Pháp lệnh Dự bị động viên nhiều năm qua và bảo đảm không làm tăng ngân sách. Tuy nhiên, Điều 11 của Pháp lệnh chỉ quy định “Đơn vị dự bị động viên phải được duy trì đủ quân số, trang bị phương tiện kỹ thuật. Việc sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật vào đơn vị dự bị động viên do Chính phủ quy định”. Nghị định 39 của Chính phủ cũng chỉ quy định quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên phải có tỷ lệ dự phòng thích hợp theo quy định của Bộ Quốc phòng. Từ thực tế này, ĐB Bùi Quốc Phòng cho rằng, nên căn cứ vào điều kiện thực tế để cân nhắc quy định tỷ lệ dự phòng cho phù hợp, nhất là trong điều kiện giảm biên chế, không tăng ngân sách, gắn với xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh hiện nay.

ĐBQH Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) phát biểu tại hội trường
ĐBQH Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) phát biểu tại hội trường

Bên cạnh quy định tỷ lệ dự phòng lực lượng dự bị động viên, một số ý kiến cho rằng, cần chỉnh sửa Điều 34 quy định về chế độ trợ cấp gia đình quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu. Bởi dự thảo Luật quy định huy động quân nhân dự bị tham gia phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Thực tế cũng cho thấy, khi một địa phương phải yêu cầu lực lượng quân đội, trong đó có lực lượng quân nhân dự bị tham gia các công tác này, thì trong nhiều trường hợp không chỉ thực hiện trong một vài ngày, một tuần mà còn trong thời gian dài hơn, cần tiến hành trợ cấp cho gia đình của quân nhân dự bị.

+ Trong phiên làm việc sáng nay, QH cũng đã nghe Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Sau đó, QH thảo luận tại Tổ về đề nghị này.

Tin: Phương Thủy<br/> Ảnh: Quang Khánh