Quy định “cứng” hay linh hoạt số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện?

Hà An 10/06/2019 15:06

Sáng 10.6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (dự thảo Luật).

Cơ bản tán thành với những quy định của dự thảo Luật, các ĐBQH cũng đã tập trung thảo luận về các quy định liên quan đến: phân cấp, phân quyền; giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điểu khiển phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điểu khiển phiên họp

Đa số ý kiến các ĐBQH đều cho rằng, để bảo đảm hoạt động của HĐND không nên giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Nhấn mạnh sự cần thiết phải có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) phân tích, theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Thường trực HĐND tỉnh gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực HĐND; còn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Thường trực HĐND tỉnh gồm: Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, các Ủy viên là các Trưởng ban HĐND và Chánh Văn phòng HĐND. Như vậy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã nâng chức danh Ủy viên Thường trực HĐND lên Phó Chủ tịch HĐND để thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ của Thường trực HĐND chứ không làm tăng biên chế. Qua quá trình thực hiện, HĐND đã phát huy tốt nhiệm vụ, góp phần phát huy hiệu quả của HĐND. Do đó, việc giảm một Phó Chủ tịch HĐND cần phải được cân nhắc thận trọng.

Cũng theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, theo phương án của Chính phủ thì giảm Phó Chủ tịch HĐND cào bằng ở tất cả các địa phương gồm cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là không hợp lý, không có tính thuyết phục. Chính phủ cho rằng, việc giảm Phó Chủ tịch HĐND nhằm bảo đảm đúng Nghị quyết 18 của Trung ương, việc giảm đồng bộ như vậy để bảo đảm đồng bộ về tổ chức bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh chỉ rõ, cách lý giải này là chưa thực sự hợp lý vì việc thực hiện tinh gọn bộ máy phải bảo đảm được 2 mục tiêu song song là bộ máy tinh gọn, không tăng biên chế nhưng phải bảo đảm hiệu quả hoạt động, nếu không xét điều kiện cụ thể của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả và dẫn đến việc phải sửa luật thường xuyên.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) phát biểu tại hội trường
ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) phát biểu tại hội trường

Bên cạnh đó, chức danh Chủ tịch HĐND quy định “mở” là có thể chuyên trách hoặc không chuyên trách. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu địa phương theo nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII, có thể nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch HĐND. Với những địa phương nhất thể hóa hai chức danh này thì Chủ tịch HĐND không chuyên trách, nếu áp dụng phương án 1 như dự thảo Luật (giảm còn 1 Phó Chủ tịch HĐND) thì việc điều hành công việc sẽ rất khó khăn, không thể đảm đương các công việc do luật định.

Các đại biểu cũng chỉ rõ, theo quy định tại Điều 82 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch HĐND giúp việc cho Chủ tịch HĐND trong điều hành phiên họp. Nếu chỉ có một Phó Chủ tịch HĐND trong trường hợp đột xuất, bất khả kháng xảy ra không thể tham gia phiên họp của HĐND thì không có nhân sự thay thế để thực hiện các công việc. Trong thực tiễn, các cơ quan dân cử cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời yêu cầu của cử tri và nhân dân đối với cơ quan dân cử ngày càng cao, do đó, cần giữ số lượng đại biểu chuyên trách như hiện hành là 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh để thực hiện tốt công tác giám sát, chuẩn bị tốt các nội dung cho kỳ họp.

Theo ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), hiện nay, HĐND được giao rất nhiều nhiệm vụ, thực tiễn cũng đòi hỏi ngày càng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND. Việc giảm một Phó Chủ tịch HĐND như đề xuất của Chính phủ sẽ không bảo đảm đáp ứng yêu cầu công việc của HĐND. Do đó, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị, cần giữ nguyên như quy định hiện hành, duy trì 2 Phó Chủ tịch HĐND.

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu tại hội trường
ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu tại hội trường

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị: Cần xem xét số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện trong tổng thể các chức danh và tổ chức bộ máy HĐND cùng cấp và trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương thời gian qua. Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ về tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách trong tổng số đại biểu, đây chỉ là tỷ lệ để bảo đảm tổ chức bộ máy của HĐND hoạt động mang tính chuyên nghiệp. Tại sao QH yêu cầu tới đây phải nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách còn địa phương lại đặt nặng vấn đề giảm biên chế để quy định theo chiều hướng giảm đại biểu HĐND chuyên trách đi? Nhiệm kỳ này, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh đã nâng lên rõ rệt. Một trong những nguyên nhân tạo nên tiến bộ đó chính là tăng số lượng đại biểu chuyên trách làm việc ở các ban. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, khi xác định rõ số đại biểu HĐND chuyên trách thì mới có căn cứ xác định số lượng Phó Chủ tịch, Phó Trưởng ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

Cũng theo đại biểu Trần Văn Lâm, nếu bộ máy bố trí cấp trưởng là chuyên trách thì cũng chỉ nên bố trí một cấp phó chuyên trách để hỗ trợ. Việc giảm một Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện không nên cứng nhắc, tùy điều kiện tình hình, quy mô, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn mà bố trí từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch cho phù hợp. Số lượng cấp phó ở đây sẽ nằm trong tổng khung số lượng cấp phó đã quy định ở từng cấp, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Hà An