Không nên bố trí 2 Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II

BÌNH NGUYÊN 03/06/2019 07:27

Thực tế, nên xem xét chỉ bố trí Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch UBND ở cấp xã loại II để bố trí thêm công chức chuyên môn bảo đảm hoạt động của bộ máy chính quyền. Vì nếu bố trí thêm lãnh đạo thì phải bớt công chức chuyên môn do tổng biên chế không thay đổi. Đồng thời, trong thực hiện tinh giản biên chế nên giảm đồng đều ở các cấp, nhất là cấp Trung ương, cấp tỉnh.

Chủ tịch gần dân, sâu sát các nhiệm vụ hơn

Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định cơ cấu tổ chức của UBND xã, phường, thị trấn gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. UBND xã loại I có không quá 2 Phó Chủ tịch; xã loại II và loại III có một Phó Chủ tịch. Hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện cho thấy, quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn, vừa tinh gọn bộ máy chính quyền cấp xã, phù hợp với bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế.

Thực tiễn cho thấy đối với quy mô của xã, phường, thị trấn loại II, III nhỏ, thuận lợi hơn rất nhiều so với loại I nên khi thực hiện quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cơ cấu tổ chức UBND ở những địa phương này bố trí 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND phụ trách công an, quân sự. Giúp việc cho UBND là công chức phụ trách các lĩnh vực văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn), hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội.

Cán bộ, công chức UBND phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân
Cán bộ, công chức UBND phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân

Thực tế, một số xã, phường, thị trấn loại II bố trí 10 công chức chuyên môn, mỗi vị trí 2 công chức. Có nơi theo tính chất công việc bố trí 2 công chức văn phòng - thống kê; 2 công chức địa chính - xây dựng; 2 công chức phụ trách văn hóa - xã hội, tư pháp và tài chính, mỗi chức danh 1 công chức tùy theo định biên tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và chỉ tiêu biên chế hàng năm của UBND tỉnh giao cho.

Theo Nghị định số 92, đối với cấp xã loại II bố trí không quá 23 người, theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24.4.2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (có hiệu lực thi hành từ 25.6.2019) thì công chức cấp xã loại II bố trí tối đa 21 người. Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức được các địa phương bố trí cơ bản phù hợp quy định, nhiều đơn vị bố trí ít hơn so với định biên.

Đơn cử như tại thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, số lượng cán bộ, công chức 6 phường, xã là 116 người, trong đó cán bộ 59 người, công chức 57 người. Là đơn vị hành chính loại II, lại là phường trung tâm nhưng tổng số cán bộ công chức của phường Bắc Hồng bố trí 18 người với 10 cán bộ và 8 công chức; phường Nam Hồng bố trí 10 cán bộ và 9 công chức, so với chỉ tiêu cho phép vẫn thiếu so với quy định của Nghị định 34 từ 2 - 3 người. Mặc dù vậy nhưng bộ máy hoạt động của hệ thống chính trị 2 phường vẫn bảo đảm theo quy định.

Trước đây, bố trí 2 Phó Chủ tịch UBND, 1 phụ trách kinh tế và 1 phụ trách văn hóa - xã hội thì nhiệm vụ của Chủ tịch UBND nhẹ nhàng hơn bởi mọi việc đã có công chức chuyên môn và 2 Phó phụ trách 2 mảng thực hiện. Tuy nhiên, do 2 mảng có Phó phụ trách nên độ cọ xát của người đứng đầu UBND với thực tiễn ít hơn, tính chuyên nghiệp của công chức chuyên môn cũng giảm xuống vì ỷ lại Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, thậm chí một số nơi do số lượng công chức chuyên môn thiếu, lại yếu nên Phó Chủ tịch kiêm luôn nhiệm vụ chuyên môn, như mảng văn hóa - xã hội, vì khối lượng công việc phụ trách mảng này khá nhẹ nhàng, chủ yếu chuyên môn tham mưu là chính.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Hồng, ông Phan Đình Thắng cho biết: Theo quy chế phân công nhiệm vụ trước khi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND phường chỉ thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành chung hoạt động của UBND, làm chủ tài khoản phường, tiếp công dân và giải quyết đơn thư (thực tế một số nơi ủy quyền cho Phó Chủ tịch và công chức phụ trách mảng giải quyết rồi báo cáo cụ thể) và thực hiện một số nhiệm vụ Luật định giao cho Chủ tịch UBND phải làm. Các nhiệm vụ còn lại trên 2 mảng kinh tế và văn hóa - xã hội thì khoán hẳn cho các Phó Chủ tịch UBND làm. Điều này dễ dẫn đến tình trạng một số vụ việc người dân muốn gặp người đứng đầu thì có biểu hiện né, ngại do Chủ tịch nắm không rõ bản chất vì giao cho Phó Chủ tịch phụ trách, nhất là đối với lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản và chính sách xã hội.

Thực hiện quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, chính quyền phường, xã loại II chỉ còn 1 Phó Chủ tịch UBND, do đó có sự phân công nhiệm vụ lại. Theo đó, một số nhiệm vụ quản lý nhà nước  thuộc lĩnh vực kinh tế, như: Xây dựng cơ bản, quản lý đô thị, tài nguyên - môi trường, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ một số nơi do Chủ tịch trực tiếp phụ trách và Chủ tịch cũng đích thân thực hiện nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết đơn thư cũng như cải cách hành chính, còn lại do Phó Chủ tịch phụ trách. Gần 3 năm thực thi Luật cho thấy, hoạt động của UBND xã, phường loại II bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, điều quan trọng là có sự thống nhất trong chỉ đạo, phát huy được năng lực của công chức chuyên môn trên các mảng. Quan trọng nhất là Chủ tịch UBND gần dân hơn và sâu sát các nhiệm vụ hơn so với trước đây.

Tăng số lượng công chức chuyên môn phường, xã

So với định biên cho phép thì hiện nay nhiều phường, xã ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh có số biên chế hiện ít hơn số biên chế được giao. Trong khi đó, khối lượng việc phải làm khá lớn, dẫn tới tình trạng quá tải đối với công chức cấp xã và ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công việc. Đơn cử như ở phường Bắc Hồng thiếu 1 biên chế công chức văn hóa và 1 biên chế địa chính - xây dựng. Để lấp đầy khoảng trống và bảo đảm sự điều hành trôi chảy, Phó Chủ tịch UBND phải kiêm luôn trách nhiệm địa chính - xây dựng, đồng thời hợp đồng thêm 2 nhân viên.

Theo quy chế phân công nhiệm vụ cho thấy riêng mảng văn hóa - xã hội hiện các phường, xã bố trí 2 công chức, một người chuyên phụ trách văn hóa với 10 đầu việc chính. Ngoài ra, còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND giao. Đó là chưa kể tham mưu các báo cáo, văn bản đột xuất trên lĩnh vực văn hóa khi có các đoàn thanh, kiểm tra, giám sát, yêu cầu của cấp trên và mỗi khi có dịp lễ, Tết công chức này còn thêm nhiệm vụ đi treo băng, cờ, khẩu hiệu. Còn 1 công chức phụ trách xã hội thì phụ trách rất nhiều đầu việc. Ngoài các nhiệm vụ cụ thể nêu trên còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND giao. Việc nhiều là vậy nhưng nhiều địa phương các công chức này là thành phần chủ chốt trực tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Do đó, nhiều người bị stress do quá tải, áp lực.

Đó cũng là thực trạng chung của các xã, phường, thị trấn ở nhiều địa phương hiện nay. Trước yêu cầu thực tiễn, thiết nghĩ trong dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như Nghị định về cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức xã phường, thị trấn, Quốc hội, Chính phủ nên xem xét chỉ bố trí Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch UBND ở cấp xã loại II, để bố trí thêm công chức chuyên môn bảo đảm hoạt động của bộ máy chính quyền, vì nếu bố trí thêm lãnh đạo thì phải bớt công chức chuyên môn do tổng biên chế không thay đổi. Đồng thời, trong thực hiện tinh giản biên chế nên giản đồng đều ở các cấp, nhất là cấp Trung ương, cấp tỉnh.

BÌNH NGUYÊN