Sẽ sớm ngã ngũ

Trang Linh 01/06/2019 08:26

Sau khá nhiều “thăng trầm”, vụ việc gian lận, tiêu cực trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đang có nhiều “tín hiệu tích cực” để đi đến hồi kết.

Tích cực là bởi sau những im lặng, nhiều khi là khó hiểu của các cơ quan chức năng, các cá nhân có liên quan đến vụ việc cuối cùng cũng phải lên tiếng, hoặc nhận trách nhiệm, hoặc có những giải pháp khắc phục hậu quả, biện pháp xử lý. Như ngày hôm qua, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nói: Bộ và cá nhân tôi là Bộ trưởng, phụ trách ngành, xin nhận trách nhiệm và thiếu sót ở một số việc. Cụ thể, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về các vấn đề: Phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn lỗ hổng để đối tượng xấu lợi dụng, làm sai lệch kết quả thi; phổ biến quy chế và tập huấn nghiệp vụ một số khâu, nhất là chấm thi ở một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả và cuối cùng là công tác thanh tra, giám sát của Bộ ở một số địa phương chưa sâu sát.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh ở một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ vai trò tổ chức thi theo phân cấp; việc lựa chọn cán bộ tổ chức thi chưa chặt chẽ, cán bộ thậm chí biến chất, cấu kết, cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình thi nhằm nâng điểm cho thí sinh. Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm minh. Bộ đã đề nghị các địa phương xem xét, xử lý cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi, cương quyết đưa ra khỏi ngành các cán bộ, giáo viên có sai phạm.

Như vậy đây là lần thứ hai, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm về sai phạm trong Kỳ thi THPT Quốc gia. Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ tháng 7.2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói: Trước các sai phạm tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm.

Dưới góc độ quản lý nhà nước trong vụ việc này, đương nhiên hướng xử lý phải là như thế, thậm chí lẽ ra phải được xử lý sớm hơn, triệt để hơn, chứ không phải đợi đến bây giờ, khi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cận kề. Điều mà dư luận cần là phải làm rõ ngọn nguồn sự việc, từ đó có hình thức xử lý thích đáng, và quan trọng hơn là có giải pháp khắc phục triệt để, chứ không đơn thuần vài giải pháp như tăng cường phổ biến quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ coi thi, chấm thi; thanh tra thi kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận…

Và điều quan trọng nữa là Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đã loại thí sinh gian lận phải có giải pháp để gọi và công nhận bù lại số thí sinh đã bị mất cơ hội. Phải có giải pháp để bảo đảm sự công bằng cho các cháu học thật nhưng đã bị mất cơ hội do sự gian lận vừa rồi - một ĐBQH nêu ý kiến, chứ không thể nói sẽ giải quyết vụ việc hoặc nhận trách nhiệm là xong.

Trước mắt, việc gian lận, tiêu cực tại kỳ thi năm 2018 phải sớm “ngã ngũ”. Sau đó, niềm tin với ngành giáo dục cần sớm được khôi phục. Những bất cập dẫn đến sai phạm, tiêu cực phải ngăn chặn triệt để. Đó là những việc cần phải làm.

Trang Linh