Xác định ngành, nghề đặc thù

Đỗ Quyên 25/05/2019 08:18

Trước những băn khoăn về việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khó phù hợp với một số ngành nghề đặc thù, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, điều kiện để nâng tuổi nghỉ hưu như dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là dành riêng cho những lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Những đối tượng suy giảm sức khỏe, suy giảm lao động, lao động trong điều kiện nặng nhọc... sẽ có chính sách khác.

Doanh nghiệp băn khoăn

Trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, không ít ý kiến cho rằng, ban soạn thảo cần phải tính đến những tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động, bởi có một thực tế không thể phủ nhận là trong thị trường lao động, rất nhiều người lao động, nhất là công nhân làm việc trong trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại như dệt may, giày da, rất khó có thể làm việc đến khi nghỉ hưu. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải được thực hiện một cách sòng phẳng với người lao động, phải tính nhóm đối tượng nào tăng trước, nhóm đối tượng nào tăng sau.

Cần làm rõ danh mục ngành nghề, lĩnh vực được tăng hoặc giảm tuổi nghỉ hưu Nguồn: ITN
Cần làm rõ danh mục ngành nghề, lĩnh vực được tăng hoặc giảm tuổi nghỉ hưu
Nguồn: ITN

Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng thế giới, tuy nhiên còn phụ thuộc trình độ, kinh tế xã hội hay bảo hiểm xã hội của đất nước. Theo đó, khu vực hành chính nên tăng tuổi nghỉ hưu trước, khu vực sản xuất trễ hơn 5 - 10 năm.

Còn Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng Bùi Đức Thịnh đề nghị nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam. Bởi các nữ công nhân ngành may hàng ngày có 8 - 10 giờ đồng hồ chỉ tập trung vào cái trụ kim nhỏ bằng đầu ngón tay, công việc của họ rất mệt mỏi, áp lực. Do đó, cần có quy định linh hoạt cho lao động nghỉ hưu sớm bên cạnh quy định chung tăng tuổi hưu.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ, khi đi thực tế ở một số tỉnh mới thấy, người lao động ở khu vực hầm lò độc hại, lao động một số ngành nghệ thuật, cô giáo mầm non,… hầu hết muốn được nghỉ hưu sớm. Do đó, chính sách cần phải tạo cơ hội cho nhóm cao tiếp tục làm việc, còn nhóm thấp hơn nên cho họ quyền ưu tiên là được phép nghỉ hưu sớm hơn.

Dự thảo thiết kế mục riêng

 Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Trước những băn khoăn đó, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phản hồi rằng, cần phân biệt rõ giữa tuổi nghề và tuổi làm việc. Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định mốc tuổi, đó là điều kiện để hưởng lương hưu. Thực tế cho thấy, có những người đã nghỉ hưu đang hưởng lương hưu nhưng vẫn tham gia vào thị trường lao động. Thống kê, có 42% người lao động đang hưởng hưu trí hàng tháng vẫn làm việc. Như vậy, thị trường có rất nhiều dạng công việc mà những người này có thể làm được. Nếu như những người ở trong lĩnh vực chế biến, đánh bắt thủy hải sản hay dệt may, da giày đã hết tuổi nghề, họ có thể hoàn toàn tham gia vào công việc khác trên thị trường để tiếp nối thời gian đóng bảo hiểm và đủ tuổi quy định để nghỉ hưu.

Mặt khác, nâng tuổi nghỉ hưu tới 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam là trong điều kiện làm việc bình thường, còn đối tượng suy giảm sức khỏe hay làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại... có quyền nghỉ sớm hơn. Theo đó, những trường hợp đặc biệt, suy giảm sức khỏe trên 61% thì được quyền lựa chọn có thể nghỉ sớm hơn nữa, thậm chí có thể trước 10 năm, suy giảm 81% thì bất cứ lúc nào cũng được nghỉ hưu ngay.

Về cơ bản, tuổi nghỉ hưu vẫn như gốc của điều 187 Bộ luật Lao động hiện hành, tức là có 3 nhóm nghỉ hưu. Theo đó, nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi nhưng đó chỉ là người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, tức điều kiện tốt, không nặng nhọc, độc hại hay suy giảm khả năng lao động. Đối tượng này chiếm tỷ lệ ít, chủ yếu rơi vào công chức, viên chức và ngành nghề lao động sản xuất kinh doanh nhưng chủ yếu quản lý, hành chính, làm công việc bình thường.

Nhóm 2, người lao động làm việc trong điều kiện bị tác động của quá trình lao động nên suy giảm khả năng lao động đến 61% thì vẫn được nghỉ hưu sớm. Người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay lao động đặc biệt khác cũng là đối tượng được nghỉ hưu sớm trước 5 tuổi. Nếu lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kết hợp cùng suy giảm khả năng lao động thì vẫn có thể về hưu sớm đến 10 năm, tức nam ở tuổi 50 và nữ dưới 50.

Nhóm thứ 3, những người làm công việc quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao và trường hợp đặc biệt thì Chính phủ quy định kéo dài thời gian nhưng không quá 5 tuổi, tức nam không quá 67, nữ không quá 65.

Làm rõ đối tượng đặc thù

“Không phải cứ nói nâng tuổi nghỉ hưu là ai cũng phải tăng thời gian làm việc. Điều quan trọng là phải phân theo nhóm, làm rõ danh mục ngành nghề, lĩnh vực nào được giảm tuổi nghỉ hưu, để người lao động nhìn vào thấy được mình có thuộc diện đó hay không” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Về nội dung này, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Anh Thơ cho biết, hiện đã có danh mục ngành nghề đặc thù, nguy hiểm. Tuy nhiên, qua thời gian danh mục nghề này không còn phù hợp, có nghề đã thoát khỏi danh mục, có nghề mới xuất hiện lại độc hại, nguy hiểm hơn. Chính vì vậy, Cục An toàn lao động đang soạn thảo văn bản đề xuất bổ sung và sửa đổi danh mục nghề đặc thù, công việc nguy hiểm mới.

Theo các chuyên gia, Chính phủ phải giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế xác định đâu là ngành nghề bị suy giảm khả năng lao động, đâu là ngành nghề bị tác động bởi yếu tố điều kiện lao động, ảnh hưởng sức khỏe mà không thể kéo dài thêm thời gian lao động. Danh mục này phải được rà soát, cập nhật thường xuyên và sau một thời gian, nếu ngành nào được cải thiện điều kiện lao động, không còn độc hại nguy hiểm thì có thể cho ra khỏi danh sách, đưa vào nhóm lao động bình thường và ngược lại.

Đỗ Quyên