Nguy cơ xung đột toàn diện

Ngọc Khánh 15/05/2019 07:52

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua không ngừng tăng sức ép về ngoại giao, tài chính và quân sự lên Iran làm dấy lên quan ngại nguy cơ xung đột toàn diện giữa Mỹ - Iran có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Nguy cơ hiện hữu

Kể từ khi đơn phương rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) cách đây một năm, Mỹ đã có nhiều động thái nhằm tăng cường sức ép lên Iran liên quan đến vấn đề hạt nhân như: Áp lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn Iran xuất khẩu dầu mỏ ra thế giới; đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố hay triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, phi đội oanh tạc cơ B-52, tàu vận tải đổ bộ USS Arlington và tổ hợp phòng không Patriot đến Trung Đông nhằm răn đe Iran. Ngày 8.5, Mỹ còn áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào các ngành nhôm, đồng, sắt và thép của Iran, nhằm siết chặt bao vây cấm vận nước này.

Giới quan sát nhận định, việc Mỹ không ngừng gây sức ép trên mọi mặt trận lên Iran làm tăng nguy cơ Tehran có thể đáp trả. Vụ 4 tàu chở hàng của Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Ảrập Xêút và Na Uy bị tấn công ở gần eo biển Hormuz, giữa UAE và Iran ngày 12.5 vừa qua, nhiều khả năng là một ví dụ. Giới chức quân sự Mỹ cho hay, các điều tra viên của quân đội Mỹ tin rằng đây vụ tấn công bằng thuốc nổ do Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm của nước này tiến hành, trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng. Trước đó, vào tháng 4, Iran từng tuyên bố sẽ chặn eo biển Hormuz sau khi Mỹ cảnh báo áp lệnh trừng phạt lên những nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran.

Theo một số cựu quan chức tình báo Mỹ, Iran có thể trả đũa bằng cách sử dụng lực lượng ủy nhiệm của nước này nhằm tấn công các mục tiêu của Mỹ ở nước ngoài. Trong 15 năm qua, các lực lượng vũ trang Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn đã trở thành “lực lượng viễn chinh” trên khắp Trung Đông để Tehran thúc đẩy chính sách đối ngoại tại Lebanon, Iraq, Syria và Yemen. Trong chiến tranh Iraq, Iran đã sử dụng các nhóm vũ trang như Kata’ib Hezbollah và Asa’ib Ahl al-Haq nhằm tấn công các lực lượng Mỹ. Norman Roule, cựu quan chức Cục Tình báo Mỹ (CIA) phụ trách thông tin tình báo về Iran từ năm 2008 - 2017 cảnh báo, kịch bản nguy hiểm là Iran có thể huy động lực lượng ủy nhiệm trên khắp Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới nhằm tấn công đồng thời các mục tiêu của Mỹ .

Trên thực tế, Mỹ đã sẵn sáng kế hoạch đối phó, nếu Iran tấn công các mục tiêu của nước này. Tại cuộc họp giữa các trợ lý cao cấp về an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump cuối tuần trước, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đã trình kế hoạch quân sự mới cập nhật, trong đó có khả năng điều 120.000 binh sĩ tới Trung Đông nhằm đối phó với Iran. Theo các quan chức Mỹ, kế hoạch này được chuẩn bị dưới sự chỉ đạo của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John R. Bolton.

Sự hiện diện “không báo trước” của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, ngày 13.5 vừa qua, cũng nhằm thúc đẩy mặt trận thống nhất giữa các đồng minh ở hai bờ Đại Tây Dương trong vấn đề Iran. Tuy nhiên, nhiều quan chức châu Âu bày tỏ quan ngại, căng thẳng Mỹ - Iran có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cảnh báo, sự leo thang căng thẳng “không cố ý” giữa Mỹ và Iran có thể làm nổ ra xung đột. Trong khi đó, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho rằng, thái độ trách nhiệm mà các bên cần thể hiện là kiềm chế tối đa và tránh leo thang quân sự.

Liệu có tính toán sai lầm?

Mặc dù Mỹ và Iran thời gian qua không ngừng đưa ra lời lẽ cứng rắn nhằm vào nhau, song giới quan sát cho rằng, cả Washington và Tehran đều không mong muốn đẩy căng thẳng thành xung đột vũ trang, bởi điều này không mang lại lợi ích gì cho cả hai bên.

Giáo sư Mohammad Marandi, Đại học Tehran, cựu thành viên đội ngũ đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran cho rằng, Mỹ đang chơi trò nguy hiểm; đồng thời cảnh báo, một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran sẽ đẩy thị trường dầu thô thế giới vào hỗn loạn, gây nên khủng hoảng kinh tế trầm trọng chưa từng thấy. Cuộc chiến có thể kéo theo sự bùng nổ của một loạt điểm nóng xung đột khác khắp Trung Đông.

Ilan Goldenberg, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ lo ngại, trong bầu không khí căng thẳng hiện nay, tính toán sai lầm của một trong hai bên có thể châm ngòi cho cuộc chiến mới ở Trung Đông.

Irina Fedorova, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Cận Đông và Trung Đông của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, căng thẳng không được hạ nhiệt bởi không bên nào muốn tỏ ra lép về. Tuy nhiên, hiện vẫn còn cơ hội tránh một kịch bản vũ lực nếu hai bên ngừng leo thang quân sự, tránh sự cố bất ngờ. Theo bà Irina Fedorova, sẽ không có xung đột quân sự nếu Tehran không đáp trả hành động khiêu khích của Washington. Chuyên gia này cũng cho biết, trong khi gia tăng gây áp lực quân sự, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang đề nghị Iran đàm phán lại về vấn đề hạt nhân... Đây là “quân bài” thường thấy của nhà lãnh đạo này trong chính sách đối ngoại thời gian qua, nhằm buộc đối thủ khiếp sợ, xuống thang và chấp thuận điều kiện của Mỹ.

Việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực cũng được nhìn nhận như một “thông điệp” hơn là hành động răn đe. Tuy nhiên, ông Trump có thành công với chiến lược này hay không còn phụ thuộc vào độ nhẫn nhịn của Iran, cũng như việc Washington đưa ra điều kiện như thế nào, có “quá sức chịu đựng” của Tehran hay không.

Ngọc Khánh