Kỷ lục chính trường

Ngọc Minh 28/04/2019 11:35

Chính trường tưởng chừng khô khan, buồn chán, nhưng nếu tổ chức các cuộc thi, rất nhiều chính khách có thể giành những kỷ lục có thể khiến người khác phải ngạc nhiên.

“Người khác phải ngước nhìn”

Tất nhiên, đây được hiểu theo nghĩa đen. Mới đây, Ủy viên Hội đồng thành phố New York Robert Cornegy Jr. đã được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận là chính trị gia cao nhất thế giới, với chiều cao lên tới 2m08. Ông đã soán ngôi của một thành viên Nghị viện Anh là Louis Gluckstein, với chiều cao 2m02. Ông Gluckstein qua đời năm 1979 và sau đó, danh hiệu được “tiếp quản” bởi một chính trị gia, cũng là người Anh, cao 1m98.

Ông Cornegy hy vọng, kỷ lục thế giới mà mình vừa thiết lập sẽ tạo cảm hứng cho giới trẻ. Ông phát biểu: “Là chính trị gia cao nhất thế giới có nghĩa bạn có thể đóng góp cực lớn cho xã hội, bất kể bề ngoài của bạn trông như thế nào”.

Ai phát biểu dài nhất?

Trước đây, người ta hay nói đến những phát biểu dài kỷ lục của cố Chủ tịch Cuba Fidel. Ông từng có bài diễn thuyết dài nhất trước Liên Hợp Quốc, vào ngày 26.9.1960, với 4 tiếng 29 phút. Một trong những bài phát biểu dài khác có thời lượng lên tới 7 tiếng 30 phút, được ông thực hiện ngày 24.12.1998, sau khi Quốc hội tái bầu ông làm Chủ tịch Cuba.

Tuy nhiên, nữ nghị sĩ Mỹ Nancy Pelosi, 77 tuổi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, đã thiết lập kỷ lục mới hồi tháng 2 năm ngoái khi phát biểu liên tục trong 8 giờ 7 phút về chủ đề người nhập cư bất hợp pháp. Có thể nói, trong lịch sử kể từ năm 1909 đến nay, cơ quan lập pháp Mỹ chưa bao giờ được chứng kiến màn độc thoại dài bất thường đến vậy. Trong quá trình say sưa nói, bà Pelosi thậm chí còn viện đến cả Kinh thánh khi cảm thấy đề tài sắp cạn. Bài phát biểu được coi là thông điệp bảo vệ của phe Dân chủ trong vấn đề người nhập cư.

Ai được theo dõi nhiều nhất trên mạng xã hội?

Theo số liệu của công ty Cuponation đầu năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là nhà lãnh đạo được theo dõi nhiều nhất thế giới trên các nền tảng mạng xã hội. Công ty trên đã làm một cuộc khảo sát các tài khoản truyền thông xã hội của 353 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm 144 nguyên thủ quốc gia, 142 người đứng đầu Chính phủ và 5 người vừa là nguyên thủ, vừa là người đứng đầu Nội các. Sau khi phân tích, nghiên cứu dữ liệu tài khoản Facebook, Twitter, Instagram, YouTube, LinkedIn, và VKontakte (Nga), Cuponation đã công bố: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có hơn 97 triệu người theo dõi trên tất cả các tài khoản, biến ông trở thành chính trị gia nổi tiếng nhất thế giới. Cụ thể, nhà lãnh đạo này đứng đầu Facebook với hơn 43 triệu lượt thích, đứng thứ ba trên Twitter với hơn 39 triệu người theo dõi, dẫn đầu trên Instagram với hơn 11 triệu người quan tâm, chiếm vị trí hàng đầu trên YouTube với hơn 770 nghìn người đăng ký và đứng đầu bảng xếp hạng trên LinkedIn với hơn 2,4 triệu người dõi theo.

Theo sau là Tổng thống Mỹ Donald Trump với hơn 78 triệu người theo dõi và Giáo hoàng Francis với hơn 50 triệu người theo dõi.  

Nguyên thủ được hưởng lương cao nhất

Theo số liệu năm ngoái của Bright Side, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là người được nhận lương cao nhất trong các nhà lãnh đạo thế giới với mức 2,2 triệu USD/năm (147.000 USD/tháng, 7.350 USD/ngày). Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ được nhận… 1 USD. Điều đó không có nghĩa là Mỹ là quốc gia trả lương quá hẻo cho các lãnh đạo của mình. Thực tế, do là tỷ phú với khối tài sản hơn 3 tỷ USD, ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm đã từ chối nhận mức lương 400.000 USD/năm (33.000 USD/tháng, 1.095 USD/ngày) và chỉ nhận mức lương siêu nhỏ tượng trưng nói trên.

Nếu chỉ tính riêng về nữ lãnh đạo, dựa vào số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cũng như hai tập đoàn IG và Google, hãng thông tấn CNBC của Mỹ tháng 8 năm ngoái đã lập danh sách 5 lãnh đạo nữ của Chính phủ các nước được trả lương cao nhất thế giới. Theo đó, với mức lương 369.727 USD/năm, Thủ tướng Đức Merkel đứng ở vị trí quán quân. Điều này cũng dễ hiểu bởi bà là người điều hành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, với GDP hàng năm đạt khoảng 3.470 tỷ USD.

Tài không đợi tuổi

Thủ tướng đương nhiệm của New Zealand Jacinda Ardern năm 2017 đã xuất sắc giành kỷ lục nữ Thủ tướng trẻ nhất toàn cầu. Chỉ mới 37 tuổi khi nhậm chức, nữ lãnh đạo này đã gia nhập thế hệ những nhà lãnh đạo trẻ tuổi, giúp thổi luồng gió mới vào nền chính trị của một loạt quốc gia phát triển. Sự lên ngôi của bà được so sánh với các cuộc thay đổi thế hệ lãnh đạo ngoạn mục diễn ra thời gian đó ở Áo, Ireland, Canada và Pháp. Bà được bầu vào Quốc hội New Zealand năm 2008 khi mới 28 tuổi. Kể từ khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, Ardern được xem là một trong những chính trị gia được lòng dân và giới truyền thông nhất thế giới.

Mới đây nhất, sự quyết liệt của bà trong xử lý vụ xả súng ở hai nhà thờ Hồi giáo tại Christchurch, thành phố biển miền Đông New Zealand, đã nhận được cơn mưa lời khen. Người ta đánh giá cao chỉ đạo của bà về việc điều tra khẩn trương đến kêu gọi thông qua luật kiểm soát súng đạn tại quốc gia vốn yên bình này. Bà đội khăn trùm của người Hồi giáo đến chia buồn với các gia đình nạn nhân, thể hiện sự cảm thông chân thành và chia sẻ với mất mát của họ. Những hành động đó đã khiến thế giới cảm động, nhất là cộng đồng người Hồi giáo. Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ Oprah Winfrey thậm chí thốt lên: “Thủ tướng New Zealand là một người phụ nữ can đảm trong niềm tin của bản thân và bà đã đặt ra một tiêu chuẩn lãnh đạo toàn cầu nhờ phản ứng của mình”.

Đối với đại diện nam giới, lãnh đạo quốc gia trẻ nhất thế giới không ai khác chính là Thủ tướng đương nhiệm Áo Sebastian Kurz, người chỉ 31 tuổi khi trúng cử. Sự trẻ trung, năng động của nhà lãnh đạo này đã mang đến luồng gió tươi mới cho chính trường Áo. Thăng tiến nhanh chóng trên con đường chính trị nhưng Kurz không phải con nhà nòi. Ông tốt nghiệp trung học năm 2004, hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2005. Năm 2011, Kurz quyết định thôi học để tập trung cho sự nghiệp chính trị và sau đó trở thành Ngoại trưởng khi mới 27 tuổi. Từng được công chúng đặt biệt danh “Thần đồng”, ông được lòng người dân nhờ sự thẳng thắn, bạo dạn. “Tôi nói điều tôi nghĩ”, Kurz từng phát biểu như vậy.

Gừng càng già, càng cay

Tháng 5 năm ngoái, ông Mahathir Mohamad đã trở thành Thủ tướng cao tuổi nhất thế giới khi thắng cử ở tuổi 92. Chính trị gia gạo cội này đã lãnh đạo Malaysia trong 22 năm và đảm đương cương vị người đứng đầu Chính phủ lâu nhất quốc gia này.

Sinh năm 1925 tại Alor Setar, thủ phủ bang Kedah ở miền Bắc Malaysia, ông Mahathir bin Mohamad tốt nghiệp Đại học Y khoa King Edward VII ở Singapore năm 1953, từng là bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật và nội khoa. Ông chính thức gia nhập chính trường năm 1964, khi giành chiến thắng trong cuộc tranh cử Hạ viện. Khi ở cương vị Thủ tướng, ông đã phát động nhiều dự án quốc gia có quy mô lớn, đậm dấu ấn như đường siêu tốc Bắc - Nam, siêu hành lang truyền thông đa phương tiện, thành phố thông minh Putrajaya, sân bay quốc tế Kuala Lumpur, đập thủy điện Bakun ở Sarawak, thành phố cảng Tanjung Pelepas ở Johor, tòa tháp đôi Petronas…

Trong khi đó, nữ nguyên thủ quốc gia tại vị lâu nhất từ trước tới nay là bà Vigdís Finnbogadóttir, được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Ireland năm 1980. Bà đã cầm quyền tới 16 năm. 

Ngọc Minh