Vinh danh chữ Quốc ngữ, bảo tồn tiếng Việt

Thảo Nguyên 24/04/2019 08:11

Ra đời hơn 300 năm và được sử dụng trong đời sống hơn một thế kỷ, chữ Quốc ngữ đã thấm vào hồn người Việt. Vinh danh chữ Quốc ngữ cũng chính là bảo tồn tiếng Việt, là bảo vệ đất nước Việt Nam. Chính vì thế, mới đây, GS. Nguyễn Đăng Hưng - Viện trưởng Viện Vinh danh chữ Quốc ngữ, bảo vệ và phát triển tiếng Việt, Trường Đại học Duy Tân và các trí thức Việt Nam đã đề xuất ngày vinh danh chữ Quốc ngữ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Tri ân tác giả chữ Quốc ngữ

“Năm 2017, khi có nhiều ý kiến về việc cải tiến chữ viết, tôi đã rất sốc. Nhưng thay vì tranh cãi, tôi thấy cần vinh danh chữ Quốc ngữ và chuyện đầu tiên nên làm là tri ân những người sáng tạo ra nó, không chỉ Alexandre de Rhodes mà cả các giáo sĩ Bồ Đào Nha và người Việt...” - GS. Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ.

Dựng bia tri ân Alexandre de Rhodes tại Isfahan, Iran Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Dựng bia tri ân Alexandre de Rhodes tại Isfahan, Iran  Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Đề xuất của ông ngay lập tức nhận được sự khích lệ từ các trí thức trong nước. Bằng tình yêu với tiếng Việt, dù là người ngoại đạo và ở nước ngoài (giáo sư ngành hàng không không gian của Đại học Standard, Bỉ), GS. Nguyễn Đăng Hưng đã về Quảng Nam - nơi các giáo sĩ Bồ Đào Nha đặt chân đến Việt Nam, học tiếng nói và giảng đạo bằng tiếng Việt để tìm lại các câu chuyện xưa. Hơn thế, vượt qua hơn 6.000km, ông và một số học giả Việt Nam đã đến dựng bia tri ân Alexandre de Rhodes tại nghĩa trang Armenia, thành phố Isfahan, Iran, nhân ngày giỗ 358 năm của nhà truyền giáo vào tháng 11.2018. Hai tấm bia được đặt bên cạnh ngôi mộ, một tấm lấy từ Quảng Nam, khắc tại Đà Nẵng được đoàn mang theo, tấm bia thứ 2 có kích thước lớn đặt khắc tại Iran, với dòng chữ “Tri ân cha Alexandre de Rhodes có đóng góp to lớn trong việc tạo tác chữ Quốc ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latin” được ghi bằng 4 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, Iran.

“Sự ra đời và phổ biến chữ Quốc ngữ có công của rất nhiều người, từ các giáo sĩ phương Tây, cộng tác viên, học giả người Việt. Nhưng công đầu thuộc về cha Alexandre de Rhodes. Năm 1651, dựa theo công trình của các giáo sĩ Bồ Đào Nha trước đó, ngài bổ sung và hoàn thiện, cho ra đời cuốn Từ điển Việt Nam - Bồ Đào Nha - Latin. Đây là công bố khoa học đầu tiên của tiếng Việt bằng cách dùng ký tự Latin ghi âm tiếng Việt, là nỗ lực khổ luyện cá nhân hiếm có” - GS. Nguyễn Đăng Hưng xúc động nói.

Dự kiến một hội thảo quốc tế sẽ được tổ chức vào ngày 28.12 tới (kỷ niệm ngày Vua Khải Định ra chiếu bỏ việc dùng chữ Hán, dùng chữ Quốc ngữ trong các văn bản tại Việt Nam), tại Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, quy tụ các nhà khoa học để cùng thảo luận, đưa ra những khám phá mới về chữ Quốc ngữ và lịch sử của chữ viết này...

Gia Định báo làm cho chữ Quốc ngữ có cơ hội phổ biến trong dân chúng Ảnh: ITN
Gia Định báo làm cho chữ Quốc ngữ có cơ hội phổ biến trong dân chúng  Ảnh: ITN

Đòi hỏi khoa học, thận trọng

 “Chúng tôi muốn xây dựng một không gian vinh danh chữ Quốc ngữ tại Quảng Nam. Sẽ có một thư viện lưu giữ sách vở, tài liệu cổ, các tờ báo cũ như Gia Định báo, Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí... để các nhà nghiên cứu tiếp cận. Ngoài ra, không gian ấy còn tôn vinh các nhà thơ, nhà văn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến... những người đã làm cho tiếng Việt tinh túy, cao sang và thâm thúy như ngày nay”.

GS. Nguyễn Đăng Hưng

Ở Việt Nam có đường phố mang tên Alexandre de Rhodes ở TP Hồ Chí Minh. Trước đó 1 thế kỷ, có tấm bia vinh danh ngài bên hồ Gươm, Hà Nội, nhưng do giặc giã, đã bị thất lạc. Điều đó cho thấy hơn 300 năm qua, người Việt không quên ngài... Nhà văn Hoàng Minh Tường đề nghị chọn ngày 5.11 hàng năm (ngày mất của Alexandre de Rhodes) là ngày vinh danh chữ Quốc ngữ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cũng từng đau đáu với bộ phim về đề tài này, đạo diễn Trần Văn Thủy mong muốn có có một công trình hay bộ phim nói đầy đủ, khách quan về cha Alexandre de Rhodes. “Tôi cho đây là việc thiêng liêng. Học chữ Nôm, chữ Hán 10 năm cũng không đọc thông viết thạo, trong khi với chữ Quốc ngữ chỉ cần 3 tháng”.

Từ thế kỷ XIII, từ chữ Hán, người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm, nhưng muốn học chữ Nôm lại phải biết chữ Hán, do đó chữ Nôm và chữ Hán đều không phổ biến trong dân chúng. Từ thế kỷ XVII, các giáo sĩ phương Tây do nhu cầu truyền giáo, nên ngoài việc học tiếng Việt, còn cần có tài liệu, kinh sách bằng tiếng Việt, họ đã bắt đầu ký âm tiếng Việt bằng ký tự Latin. Tuy nhiên, những công bố ấy nằm im 2 thế kỷ, đến cuối thế kỷ XIX, chữ Quốc ngữ bắt đầu được “vực dậy” bởi các nhà trí thức Việt Nam như Trương Vĩnh Ký - người ra “Gia Định báo” - tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên, rồi các học giả Phạm Quỳnh, Phạm Văn Vĩnh...

Theo nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, từ góc độ lịch sử, văn hóa, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là công trình của các giáo sĩ, đặc biệt là công lao của ngài Alexandre de Rhodes. Bên cạnh đó còn có nhiều đóng góp của nhiều thế hệ học giả Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sau năm 1945, bằng phong trào Bình dân học vụ, phần lớn dân chúng đã biết đọc biết viết, ngôn ngữ, văn hóa nhiều vùng miền đã đi vào chữ Quốc ngữ, làm cho nó ngày càng giàu đẹp.

Đến nửa sau thế kỷ XIX, ở Việt Nam mới có nhà văn viết bằng chữ Quốc ngữ và phải có 4 - 5 thế hệ “tiếp sức”, chữ viết này mới được thừa nhận và đông đảo nhân dân sử dụng. Dù trân trọng việc vinh danh, tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, lựa chọn mốc thời gian chữ Quốc ngữ được coi là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam đòi hỏi nghiên cứu khoa học, thận trọng, có thể gắn với các mốc như sự ra đời của Gia Định báo năm 1865; hay Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), trường đầu tiên dạy chữ Quốc ngữ...

Thảo Nguyên