Triệt tiêu gian lận thi cử

Chi An 24/04/2019 08:01

Các thí sinh nằm trong diện được nâng điểm trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đang dần bị các trường buộc thôi học, trả về địa phương; danh tính phụ huynh có con em được nâng điểm đã được báo chí “điểm danh”, trong đó hầu hết là cán bộ, đảng viên, giữ vị trí lãnh đạo ở địa phương.

Có thể nói, việc phanh phui và xử lý gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La thời gian qua đã thể hiện cố gắng của những cơ quan có trách nhiệm trong việc đưa các mảng tối trong giáo dục ra ánh sáng. Đây chính là một cơ hội để tất cả chúng ta nhìn thẳng vào thực trạng giáo dục hiện nay, để ngành giáo dục sửa sai và cải tiến thi cử đúng hướng.

Thực tế, tiêu cực, gian lận trong giáo dục không phải đến bây giờ mới bộc lộ. Nổi cộm lên nhiều năm qua là bệnh thành tích, vấn nạn nhờ vả, gửi gắm, chạy chọt của một bộ phận phụ huynh, sự xuống cấp, tha hóa về trách nhiệm, đạo đức công vụ của một số cán bộ quản lý và thầy cô giáo. Bắt đầu từ việc nâng điểm, sửa điểm, cho điểm học sinh ở trên lớp được xem là chuyện bình thường, là “thương” các em. Với nhiều giáo viên, điểm đã trở thành “tài sản” riêng để dựa vào đó tư lợi chứ không phụ thuộc vào nỗ lực, cố gắng của học sinh. Cái nhỏ lúc mới nảy sinh không bị lên án, không chấn chỉnh kịp thời ắt sẽ phát triển thành cái lớn và phức tạp hơn. Điển hình như việc mua bán điểm trong Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua.

Từ những năm 1999 - 2000, Bộ GD - ĐT từng có quyết định tuyển thẳng vào Đại học cho học sinh có kết quả học lực, thi tốt nghiệp THPT loại giỏi nhằm khuyến khích thành tích học tập tiêu biểu, xuất sắc của các em. Tuy nhiên, chủ trương này chỉ tồn tại được 3 năm thì chết yểu. Lý do là số lượng học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi tăng đột biến. Nhiều phụ huynh đã thi nhau nhờ cậy, chạy chọt để con em mình được điểm cao, xếp loại tốt, thi tốt nghiệp thật dễ. Những dấu hiệu tiêu cực là rõ ràng, nhưng thay vì siết lại kỷ cương thi cử và phát hiện đầu mối tiêu cực, Bộ GD - ĐT chấp nhận “thua”, bởi không dễ gì đánh vào quyền lợi của những lãnh địa “cát cứ”.

Hay hơn 10 năm trước, năm học 2006 - 2007, phong trào “hai không” (nói không với tiêu cực, nói không với bệnh thành tích) của Bộ GD - ĐT được dư luận rất ủng hộ, coi như một giải pháp đột phá nhằm chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương trong ngành giáo dục. Nhưng sau vài năm, phong trào này cũng rơi vào tình trạng hình thức. Nguyên nhân là bởi lãnh đạo các địa phương không thể chấp nhận tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT bị rớt thảm hại. Một vài địa phương năm trước thực hiện phong trào “hai không” vẫn ở top cuối, thì năm sau lại vươn lên ở top đầu. Không hiểu vì muốn có những con số đẹp để “ăn nói” với “nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội” địa phương, hay vì chưa thật nỗ lực trong quản lý dạy và học để phải đối phó bằng những số liệu không có thật?

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Viết Chức từng nhấn mạnh rằng: “Chỉ pha một chút giả dối cũng có thể làm nền giáo dục sụp đổ”. Mọi sự gian dối sẽ làm mất đi tính công bằng trong thi cử, làm mất đi ý nghĩa của những kỳ thi nhằm sàng lọc người thực sự có năng lực. Nếu những tiêu cực trong thi cử cũng như sự thiếu trung thực còn tiếp diễn, e sẽ khó lấy lại được niềm tin của người học, của dư luận xã hội trước những nỗ lực đổi mới và chấn hưng giáo dục. 

Chi An