Biểu hiện sinh động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc

Hoàng Ngọc thực hiện 15/04/2019 09:52

Trao đổi nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam NGUYỄN TÚC hồi nhớ về tinh thần đoàn kết dân tộc trong thời kỳ dựng nước và giữ nước của cha ông. Nhân tố quyết định sức mạnh của dân tộc chính là tinh thần cấu kết cộng đồng. Tình đồng chí, đồng bào ta cũng là tình đoàn kết giữa những người con Lạc, cháu Hồng, con Rồng, cháu Tiên. Việc công nhận là quốc giỗ và tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm chính là biểu hiện sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các vua Hùng đã có công dựng nước…

- Thưa ông, xuyên suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có thể thấy, đại đoàn kết luôn là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng. Như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ông suy nghĩ như thế nào về lời dạy này của Người?

- Dân tộc ta vốn có tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống đoàn kết. Đây là sản phẩm của lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Có thể thấy, đoàn kết dân tộc xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước. Nhân tố quyết định sức mạnh của dân tộc ta chính là tinh thần cấu kết cộng đồng. Tình đồng chí, tình đồng bào là tình đoàn kết giữa những người con Lạc, cháu Hồng, con Rồng, cháu Tiên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 
Ảnh: Trí Dũng

Trải qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam đều toát lên tinh thần đoàn kết, đoàn kết là chiến thắng. Khác với đoàn kết từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết trước đó khá đa dạng và phong phú, yêu nước gắn với độc lập dân tộc. Sau khi có Đảng, đoàn kết gắn với chủ nghĩa xã hội, đoàn kết lúc này có chất lượng và gắn kết hơn.

- Như ông chia sẻ, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, nhưng trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, tinh thần này đều có sự kế thừa, phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thì đoàn kết có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Bước sang thời kỳ đổi mới, yêu nước đồng nghĩa với yêu chủ nghĩa xã hội (Nghị quyết Đại hội IV của Đảng). Và, qua thời gian kiểm nghiệm, phương châm này có sự kế thừa, phát triển.

Một dấu mốc, đó là sau Đại hội VI của Đảng, nhất là khi có Nghị quyết 07 ngày 17.11.1993 về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất, chúng ta đặt ra cơ sở đoàn kết là: “Đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới vì mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Mẫu số chung này ai cũng muốn cả, đồng thời bám sát tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, dân tộc ta được sống trong độc lập, tự do”. Hay trong Di chúc của mình, Bác nói: “Mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh”.

Tôi vẫn nhớ câu chuyện, khi tiến hành Đại hội VI, Đảng ta xây dựng Nghị quyết 07 ngày 17.11.1993, đồng chí Hoàng Tùng lúc đó làm Tổng Biên tập Báo Nhân dân đã được Bác gọi lên nhắc nhở: “Chú viết về chủ nghĩa xã hội nhiều quá, nhưng dân chẳng biết chủ nghĩa xã hội là gì cả… Bác thì ít chữ, Bác nói chủ nghĩa xã hội là có cơm ăn, áo mặc, được học hành…”. Qua đấy, mới thấy rằng, nội hàm và cốt lõi của chủ nghĩa xã hội không ở đâu xa xôi cả mà rất thiết thực, gần gũi với nhân dân. Cho đến nay, trong Cương lĩnh của Đảng khẳng định: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh - đoàn kết nhờ đó bền chặt, rộng rãi hơn. Trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay có sự tham gia đầy đủ của mọi thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư nước ngoài; chúng ta đã khép lại quá khứ, mở ra tương lai, không phân biệt giai cấp, tất cả đều tiến bước trên con đường độc lập, tự do.

Yêu nước, đoàn kết luôn tồn tại trong mỗi người Việt Nam

- Cụ thể với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, đoàn kết được thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Đã phát triển kinh tế thị trường tức là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Kinh tế là bệ đỡ để dân giàu, nước mạnh. Nhưng trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường cũng đang đặt ra những vấn đề như thu nhập khác nhau, mức sống khác nhau, sự phát triển khác nhau, suy nghĩ khác nhau. Vậy làm sao để hài hòa lợi ích của tất cả mọi người - đây là vấn đề không đơn giản. Đi đôi với phát triển kinh tế thị trường chúng ta phải gắn với xóa đói giảm nghèo, từ thiện, nhân đạo, gắn với việc hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng nay không còn sức lao động và các chính sách xã hội khác (thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội), nhằm làm cho khoảng cách giàu nghèo không cách xa đến mức dẫn đến xung đột xã hội.

Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách, pháp luật về xóa đói, giảm nghèo. UBTVQH cũng đang thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng rất tích cực triển khai các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, trẻ tàn tật, mồ côi, hỗ trợ người dân vùng thiên tai, dịch bệnh… Định hướng là gắn kết người giàu với người nghèo, góp phần giảm sự xa cách, không có sự đối lập giữa người giàu và người nghèo như đã xảy ra tại các nước tư bản.

- Tới đây, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đảng ta đang triển khai các bước chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII. Trong nhiều văn kiện của Đảng, chúng ta đều nhất quán khẳng định bài học kinh nghiệm về tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc…?

- Từ quá khứ cho thấy, mỗi khi đất nước đứng trước họa xâm lăng, nền móng yêu nước, đoàn kết luôn tồn tại trong mỗi người Việt Nam, bất kể già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo... Người người kề vai, sát cánh, không phân biệt giai cấp, tầng lớp xã hội để cùng chống kẻ thù chung. Nay, khi đất nước hòa bình, kinh tế tương đối ổn định, thành tích đạt được sau hơn 30 năm đổi mới là vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử, nhưng rõ ràng, vẫn còn đây đó vấn đề về khoảng cách giàu nghèo. Điều này đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách xã hội hỗ trợ cho người yếu thế; thực hiện gắn bó giữa các giai cấp, tầng lớp nhân dân trên địa bàn dân cư. Và, sáng kiến tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân cũng xuất phát từ đây, nhằm xóa đi cách biệt giữa các tầng lớp nhân dân. Đến nay, sự kiện này đã trở thành ngày hội truyền thống hàng năm, là nét văn hóa đẹp của dân tộc. Chúng ta phải cố gắng duy trì việc tổ chức ngày hội này, như việc chúng ta tổ chức Ngày Quốc giỗ - Giỗ tổ Hùng Vương vậy. Tôi cho rằng, việc công nhận Giỗ tổ Hùng Vương là quốc giỗ và tổ chức hoạt động này hàng năm chính là biểu hiện sinh động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố và làm cho khối đại đoàn kết này ngày càng rắn chắc.

- Theo ông, có bài học nào cần được rút ra trong suốt quá trình xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân này?

- Bài học lớn nhất vẫn là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Bài học này khởi nguồn từ cha ông ta và được Bác Hồ đúc kết. Rõ ràng, khi nào dân ta đoàn kết, nước ta được độc lập, khi nào dân ta chia rẽ thì dễ bị xâm lược. Các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là người đứng đầu các ngành, các cấp cần thấu suốt và thuộc lòng như cẩm nang, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước và nhân dân giao phó.

Hiện nay, không phải nơi nào, chỗ nào cũng quán triệt được tinh thần này, không ít những người đứng đầu cấp ủy chính quyền quên lời dạy của cha ông, của Bác Hồ, cứ tưởng mình là “thầy của dân” mà quên rằng mình là “đầy tớ của nhân dân”. Đã là cán bộ phải là công bộc của nhân dân. Nhân dân trao trọng trách phụng sự, thì phải luôn đi đầu, nêu gương, thực hiện gắn kết, đoàn kết ngay trong cơ quan, đoàn thể, nơi cư trú thì mới tiến tới củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc được. Được vậy, tôi tin, tinh thần đại đoàn kết sẽ được nối dài, xứng với công lao dựng nước của các vua Hùng.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện