Đất và ngân sách

Hà Lan 26/03/2019 08:19

Kể từ sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, thu từ đất trên tổng thu ngân sách nhà nước tăng đáng kể, cả về số thu lẫn tỷ lệ phần trăm.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giai đoạn 2010 - 2014 thu từ đất chỉ ở mức trên dưới 55 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong 3 năm tiếp theo, năm sau thu tăng hơn năm trước từ 30 - 40 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2017, thu ngân sách nhà nước từ đất ước đạt trên 154 nghìn tỷ đồng. Năm 2018, thu ngân sách vượt dự toán cũng chủ yếu là nhờ đất. Còn theo công bố của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hội thảo “Triển vọng Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019” sáng qua (25.3), nguồn thu từ đất chiếm tỷ lệ trung bình 9,6% tổng thu nội địa giai đoạn 2006 - 2011 đã tăng lên trung bình 11,6% giai đoạn 2012 - 2014. Tới giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ này đã lên tới 13,8%.

Trong bối cảnh thu nội địa, thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu tăng chậm hoặc sụt giảm vì nhiều lý do thì khoản thu từ đất rất có ý nghĩa ở khía cạnh giúp giảm thâm hụt ngân sách. Thu ngân sách từ đất tăng cao cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy hiệu quả của chính sách thu tài chính từ đất đai ở nước ta. Nhưng liệu nguồn thu này có bền vững và ổn định?

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra rằng, thu từ giao quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các khoản thu từ nhà, đất (8,15% tổng thu ngân sách giai đoạn 2015 - 2018). Đây là khoản thu có tính chất một lần, vì đất đã chuyển giao cho người mua rồi thì thời hạn sử dụng sẽ là ổn định lâu dài, tạm coi là vĩnh viễn. Vì thế, thu từ giao quyền sử dụng đất là khoản thu kém bền vững. Nói cách khác, khoản này nếu đời ông cha tận thu thì con cháu sẽ chẳng còn gì để thu.

Số tiền ngân sách có được từ cho thuê đất cũng chỉ là niềm vui trước mắt! Bởi lẽ, tiền thuê đất có thể trả hàng năm và trả một lần - tức là trả cho cả chu kỳ thuê. Vậy nên nếu chu kỳ thuê là 50 hoặc 70 năm thì cũng phải sau chừng đó năm ta mới lại thu được lần nữa.

Nếu thu ngân sách nhà nước phụ thuộc vào đất đai thì sẽ rất rủi ro khi nguồn nhà đất, công sản cạn kiệt hoặc thị trường bất động sản ảm đạm. Thâm hụt ngân sách có thể sẽ gia tăng dẫn đến tình cảnh phải vay nợ nhiều hơn nữa! Chưa kể việc tăng thu từ nguồn đất đai còn sẽ kéo theo những hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế - xã hội. Lợi ích từ tăng thu ngân sách có thể bị triệt tiêu nếu việc quản lý đất đai không khéo, dẫn đến hàng loạt người dân mất phương tiện sinh kế, cuộc sống xáo trộn, mọi cơ sở an sinh xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, môi trường phải làm lại từ đầu.

Mục đích tăng thu ngân sách từ đất đai và mục đích phát triển kinh tế - xã hội thật ra không đối chọi nhau, không triệt tiêu lẫn nhau, thậm chí còn hỗ trợ cho nhau. Cái khó là làm sao ngăn chặn được thất thu, sai phạm trong thực hiện giao, cho thuê đất của các địa phương; làm sao ngăn được doanh nghiệp sân sau và quan tham cấu kết, trục lợi từ đất công; làm sao để không xảy ra chuyện kiểu như hàng chục, hàng trăm hecta đất mới đổi được một kilomet đường của dự án. Và quan trọng hơn, làm sao để lãnh đạo địa phương không vì lợi ích trước mắt mà quên đi những chi phí tương lai sẽ phải gánh chịu nếu không hài hòa lợi ích của người dân bị giải tỏa, thu hồi đất với lợi ích thu ngân sách. Nếu không có câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề này thì chỉ còn cách mạnh tay cắt giảm chi ngân sách để giảm áp lực tăng thu ngân sách nói chung và tăng thu từ đất nói riêng!

Hà Lan