Một Việt Nam thân thuộc và hấp dẫn

Lê Thư thực hiện 13/03/2019 07:50

Khi bạn từ xa tới và thấy mảnh đất này thật gần gũi, bạn không còn là người lạ. Bỗng một ngày bạn nhận ra, hình như có sợi dây gắn kết mạnh mẽ khiến bạn muốn làm nhiều điều ý nghĩa cho nó, tự nhiên như cách Nicolas Cornet lưu giữ Việt Nam trong những bức ảnh của mình. Ông muốn khi xem ảnh, người Việt Nam sẽ cảm thấy thân thuộc, còn bạn bè quốc tế bị hấp dẫn.

Kể chuyện bằng nhiếp ảnh

- Nhiều người, kể cả nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp “ghen” với Nicolas Cornet vì ông biết cách chụp ảnh Việt Nam quá, rằng những bức hình của ông cho cái nhìn thấu thị hơn cả họ - những người sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này?

- Thực ra, tôi không chỉ chụp mà kể chuyện Việt Nam bằng nhiếp ảnh. Đã là kể chuyện, ta không chỉ bàn về đề tài, địa điểm, nhân vật, mà còn thể hiện cái tôi. Lựa chọn một đề tài vì đề tài ấy phản ánh nỗi niềm trong tâm hồn nghệ sĩ, cho phép ảnh chụp mang phong cách cá nhân hơn, đôi khi giải phóng gánh nặng cảm xúc vốn gắn với quá khứ, cuộc sống và câu chuyện riêng của mình. Để cảm xúc dẫn dắt từng bước đi nghệ thuật là cách tôi thực hiện các phóng sự để xuất bản sách và đăng tạp chí, chẳng hạn về Phật giáo ở Việt Nam, cuộc sống trong các ngôi chùa…

- Ý tưởng chụp ảnh Việt Nam của ông bắt đầu từ lúc nào?

- Tôi đến Việt Nam lần đầu năm 1987. Đó là một Việt Nam khác bây giờ (tất nhiên Việt Nam bây giờ vẫn đẹp). Tôi muốn chỉ ra cuộc sống hàng ngày của người Việt, muốn mọi người gần gũi với thực tế Việt Nam nhất có thể qua ảnh. Một nhiếp ảnh gia phải có dụng cụ gì? Người ta hay hỏi thế. Tôi nói đầu tiên là một đôi giày tốt, vì chúng tôi chẳng khác công nhân lao động ngoài đường phố. Một “đôi giày tốt” giúp tôi chụp ảnh Việt Nam mấy chục năm nay!

- Trong phóng sự ảnh của ông, khán giả bắt gặp câu chuyện thể hiện qua phong cảnh, màu sắc hoặc độ sáng - tối… Đa dạng góc nhìn như vậy có giúp bật ra nét duyên của người cầm máy?

- Nhiếp ảnh dưới dạng phóng sự có nhiều bó buộc nhưng cũng cho phép thể hiện đầy đủ trí tưởng tượng. Tôi có thể quyết định tùy theo tâm trạng ngày hôm đó, sẽ chụp nhiều chân dung, ảnh phong cảnh hơn, hay chú tâm vào các chi tiết hơn. Chẳng hạn, một bức ảnh chụp ngôi chùa của người Hoa ở Sài Gòn, tôi chọn điểm nhấn phía dưới là một ông già đang ngồi, những vòng hương cong ở trên, làm con mắt đi từ cao xuống thấp. Nếu chỉ đứng dưới chụp chắc chắn không độc đáo. Hay bức ngã tư Lương Văn Can - Hàng Gai (Hà Nội) mười mấy năm trước, ấn tượng với một ngôi nhà phẳng, mỏng, tôi sang phải sang trái xem cảm giác về nhà này có giống nhau không và chụp một bức hình cho thấy sự tương phản của nó với những gì diễn ra đông đúc dưới lòng đường. Những ý đồ như thế phần nào tạo nên phong cách cho bức ảnh.

- Hình như Nicolas chớp được rất nhiều khoảnh khắc đặc biệt, những khoảnh khắc mà có khi chỉ diễn ra một lần?

- Chụp được bức ảnh đặc trưng cho văn hóa, con người một đất nước chẳng dễ dàng. Tôi không phải người dựng ảnh giỏi nhưng thường bắt được khoảnh khắc rất nhanh. Một lần trên đường từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, qua Thanh Hóa trời mưa tầm tã, nghĩ chắc không chụp được ảnh rồi nhưng đến gần chợ tôi vẫn bảo lái xe dừng lại, và một phép lạ xảy ra. Tôi chụp được bức ảnh tất cả nông dân ở đây đều đội nón và đang bán mua cùng một loại rau, khung cảnh đầy siêu thực. Rồi lần làm phóng sự cho một tạp chí của Đức, tôi đã ở Quảng Ninh hai tuần, do nói được tiếng Việt nên nghe được tin có đám cưới, tôi cùng mọi người dự. Chú rể sống trên khu làng nổi nhà bè, cô dâu sống ven bờ biển, họ bắt đầu cuộc sống mới không đơn giản tí nào. Tôi thấy may mắn được ghi lại khoảnh khắc đó.

Chùa Việt dưới ống kính của Nicolas Cornet
Chùa Việt dưới ống kính của Nicolas Cornet

Sẻ chia một nền văn hóa

- Thường các nhà nhiếp ảnh quốc tế lui tới một quốc gia trong thời gian ngắn, cho công việc nhất định nhưng Việt Nam với ông là sự gắn bó. So sánh thì Lào, Campuchia, Thái Lan có khá nhiều nét tương đồng, điều gì khiến ông chọn Việt Nam để xuất bản sách, không chỉ một mà rất nhiều sách ảnh...

- Có lẽ quan hệ giữa người với người cuốn hút tôi. Cơ cấu xã hội Việt Nam coi trọng giá trị gia đình, bạn bè. Tôi đã làm việc ở một số nơi và thấy không hợp, còn ở đây tôi có thể dành cả tình cảm, tâm tư truyền qua các bức ảnh. Tôi muốn chụp tất cả vùng miền ở Việt Nam và đến gần người chụp nhất có thể, để các bạn Việt Nam của tôi cảm nhận về không khí thân thuộc của đất nước mình, còn các bạn Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha… cũng bị hấp dẫn.

- Còn việc chọn chủ đề cho cuốn sách mới nhất - chùa Việt Nam, thay vì đặc trưng văn hóa khác thì sao?

- Sau nhiều năm chụp ảnh Việt Nam, tôi nhận ra bản sắc độc đáo của Việt Nam trong các ngôi chùa và tự nhủ phải làm một chuyến đi mới. Trong chuyến đi ấy, tôi nhận ra có một số chùa chưa được trùng tu đúng nghĩa mà đang bị hủy hoại. Tôi cố gắng kiểm kê lại di sản này, xem hiện trạng nó và muốn làm mọi người quan tâm đến nó hơn.

- Khán giả của ông đặc biệt ấn tượng với ảnh bìa cuốn sách, một khuôn mặt tượng Phật nếu không nhầm thì ở chùa cổ Bút Tháp (Bắc Ninh)?

- Đúng vậy, tôi cũng rất thích bức ảnh này. Đó là vị Phật từ Ấn Độ sang Việt Nam, qua Trung Quốc, khi đi thì vị Phật là nam giới nhưng sang đến Việt Nam lại trở thành Phật bà. Nét mặt của bức tượng có gì đó điển hình Việt Nam, đại diện được cho đặc sắc văn hóa cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

- Điều đó khiến ông nghĩ gì về văn hóa Việt Nam, sự liên kết giữa văn hóa Việt Nam và bức ảnh của ông những năm qua?

- Đối với tôi, văn hóa Việt Nam là một chủ đề nghiên cứu nhưng tôi cũng chưa biết mình ở đâu trong nghiên cứu này. Hàng ngày tiếp xúc, tôi đều học được những điều mới nhưng biết về nền văn hóa không đơn giản. Sau bao nhiêu năm, tôi cảm giác mình chỉ biết được một chút về Việt Nam thôi. Nhưng mọi người tìm hiểu một chủ đề văn hóa nào đó nghĩa là góp một viên gạch vào công trình văn hóa lớn của quốc gia, nhân loại, mỗi cuốn sách với tôi là một chia sẻ văn hóa như vậy.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Thư thực hiện