Cái rương cũ

Trần Nhã Thụy 03/03/2019 08:11

Cái rương như một “kho báu” của hai vợ chồng.  Trong rương, còn có một cuốn “Nhật ký sinh con đầu lòng” mà hai vợ chồng cùng làm để thương và nhớ những ngày đầu làm cha làm mẹ...

Sửa cái nhà, có nhiều thứ phải thay đi, bỏ ra. Nhưng bữa vợ dọn hết đồ trong cái rương ra, rồi kêu ve chai bán thì tôi la, không cho. Nhưng kể cũng khó, bán thì tiếc vật kỷ niệm, mà giữ lại thì nhà chật, không có chỗ để.

Đó là cái rương của vợ, đã mang nó từ vùng quê miền Trung nghèo vào Sài Gòn ngày vào đại học. Hồi đó, tôi cũng có một cái rương, nhưng bằng gỗ tạp, bị mối mọt ăn hư mất. Chỉ còn cái rương gò bằng tôn của vợ là còn nguyên vẹn. Cái rương theo vợ suốt bao nhiêu năm ở trọ đại học, rồi khi cưới nhau, ra riêng, cái rương có khi là cái... bàn viết của tôi. Nhớ hồi đó, toàn viết tay, và mỗi lần viết phải kê mấy cuốn sách lên cái rương ngồi khòm lưng xuống, cặm cụi. Về sau không còn làm bàn viết nữa thì nó được dùng để đựng đủ thứ, chủ yếu thư từ, giấy tờ, album... Nói chung cái rương này như một cái “kho báu” của hai vợ chồng. Trong đó, ngoài thư từ, hình ảnh, còn có những bài báo, truyện ngắn đầu tiên mà tôi cắt ra từ những trang báo làm kỷ niệm. Trong rương, còn có một cuốn “Nhật ký sinh con đầu lòng” mà hai vợ chồng cùng làm để thương và nhớ những ngày đầu làm cha làm mẹ.

Khi bà ve chai chở chiếc rương đi rồi thì tôi nhớ đã biết bao lần mình ràng nó lên yên xe đạp, đạp đi tìm nhà trọ. Tôi nhớ những đêm khuya lén vợ mở rương để đọc lại những... bức thư tình vụng dại (gởi cho chính cô ấy) ngày xưa. Giờ đọc lại thấy mắc cỡ quá chừng. Tôi cũng nhớ trong rương còn vương mùi của hoa lá khô thời đại học. Nhà vợ tôi đông anh em, nên từ nhỏ được dì và ngoại xin làm con nuôi. Nhưng khi học đại học thì ngoại và dì không cho, muốn ở nhà làm thợ may, lấy chồng... Không muốn an phận, quyết tâm vào đại học nên vợ phải về phía ba má ruột xin tiền. Ngoài số tiền cho con, ông già vợ còn đặt làm một cái rương để vợ “hành Phương Nam”. Cho nên mỗi khi nhìn cái rương, tôi lại nhớ tới ông già vợ. Ông rất hiền và rất thương chàng rể nghèo là tôi. 

Mấy năm trước, khi bệnh nặng, vào Sài Gòn chạy chữa, thì tôi là người thường chở ông đi tới các bệnh viện để khám bệnh, làm các xét nghiệm, điều trị. Nhớ lần đó, ông rất yếu, ngồi sau xe máy tôi sợ ông té, nên đang đi, tôi đưa tay nắm lấy tay ông quàng trước bụng mình giữ chặt. Rồi, chặp sau, lúc qua phố đông người, tôi phải thả tay ông ra. Thật cảm động khi thấy ông vẫn để yên tay ở bụng mình.

Ba vợ của tôi giờ chắc đang ngồi một góc nào đó ở Thiên Đường. Còn cái rương thì bắt đầu một cuộc lưu lạc. Hoặc đã kết thúc một đời rương. 

Thế gian, mọi sự vô thường. Biết thế nhưng vẫn thấy cái gì đó bùi ngùi, cay cay nơi khoé mắt...

Trần Nhã Thụy