Kỳ vọng lớn lao

Ngọc Minh 27/02/2019 08:12

Hôm nay, 27.2, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 bắt đầu ngày làm việc đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội. Tiếp nối những tín hiệu khả quan của Hội nghị lần thứ nhất tháng 6 năm ngoái tại đảo quốc Singapore, sự kiện quốc tế nổi bật này nhận được rất nhiều sự quan tâm cùng kỳ vọng lớn lao của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế, vì một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định.

Hàn Quốc: Hy vọng một bước tiến cụ thể

Trong thông điệp đặc biệt ngày 25.2 trước các thành viên Nội các, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi sự đồng lòng của người dân Hàn Quốc ủng hộ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội. Ông nói: “Chúng ta cầu chúc cho thành công của Hội nghị và bày tỏ sự ủng hộ với hai nhà lãnh đạo, vì đây sẽ là cơ hội quyết định để giải quyết mối đe dọa chiến tranh cũng như các lo ngại khác về an ninh trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho phép chúng ta tiến tới kỷ nguyên hòa bình và phát triển kinh tế”. Người đứng đầu Nhà Xanh khẳng định: “Chúng ta nắm trong tay vận mệnh của bán đảo Triều Tiên. Chúng ta bây giờ là những người lật sang trang sử mới”.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap đã dẫn lời kỳ vọng của ông Moon Jae In: “Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thành công trong việc xóa bỏ sự thù hằn cuối cùng này của Chiến tranh Lạnh, đó sẽ là thành tựu mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử thế giới”, bởi vì “hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đã tiến xa trên con đường mà chưa ai từng thử sức”. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng hoan nghênh quyết định sáng suốt của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, đó là lựa chọn con đường phát triển kinh tế, hướng về tương lai thay vì hạt nhân. Trước đó, người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, nước này mong muốn Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được một tuyên bố chung về kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 trong Hội nghị tại Hà Nội.

Nga: Cơ sở nối lại đàm phán 6 bên

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây đã đề nghị khôi phục cuộc đàm phán 6 bên để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội đạt tiến triển. Ông kiến nghị, Triều Tiên đã và đang thực hiện nghĩa vụ của mình là dừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo nên Hội đồng Bảo an LHQ cần xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Bản thân Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 25.2 cũng tỏ ra lạc quan và bày tỏ hy vọng, Hội nghị tại Hà Nội sẽ nhất trí được các bước cụ thể cho hòa bình và ổn định cũng như phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Trước đó, theo Reuters, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí cho phép đoàn Triều Tiên tới Việt Nam để chuẩn bị và dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2. Bởi theo lệnh cấm vận của LHQ để ngăn chặn Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, bên cạnh nhiều mặt hàng quan trọng của Triều Tiên không được phép xuất khẩu, một số quan chức nước này còn bị cấm sang quốc gia khác.

Trung Quốc: Thúc đẩy giải quyết xung đột bằng đàm phán

Ngày 26.2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ mong muốn Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có thêm những bước tiến mới. Nhà ngoại giao hàng đầu này từng nhấn mạnh, “Trung Quốc đã hỗ trợ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, xây dựng ở đó một chế độ hòa bình và giải quyết vấn đề thông qua các cuộc đàm phán và nỗ lực trong suốt hơn 20 năm qua”. Vì vậy, “Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 được kỳ vọng sẽ giúp giải trừ hạt nhân và xây dựng một nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với cả hy vọng lẫn thách thức.

Ngọc Minh