Đừng “kiếm củi ba năm, đốt một giờ”

Chi An 15/02/2019 07:37

Đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần; đậu Hà Lan xào tỏi 300.000 đồng/phần, 500.000 đồng/phần trứng xào cà chua hay mồng tơi xào 250.000 đồng/đĩa, su su 250.000 đồng/đĩa, cơm trắng 200.000 đồng/phần... Đó là cái giá mà du khách có thể phải trả khi đi du lịch tại bất cứ địa phương nào tại Việt Nam vào dịp lễ, Tết, không riêng ở Nha Trang. Nạn chặt chém, nâng giá vô tội vạ kéo dài dai dẳng từ năm này qua năm khác dù không có sự cải thiện tốt hơn về chất lượng, vệ sinh, an toàn... vì sao không thể xử lý triệt để? Phải chăng, có lý do khiến các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống “không sợ phạt”?

Năm 2013, khi trả lời chất vấn trước QH về nguyên nhân nạn chặt chém du khách, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh lúc đó đã cho rằng “vì việc phối hợp liên ngành chưa tốt, việc kiểm tra giám sát những điểm có nguy cơ chưa cao, hình thức xử phạt còn thấp”. Phát biểu ấy dường như vẫn còn nguyên tính thời sự, vẫn đúng tới thời điểm này bởi sự cải thiện rất chậm chạp, nếu không muốn nói là phạt chỗ này lại mọc ra chỗ kia, năm nào dư luận cũng bức xúc về nạn chặt chém, nâng giá. Đáng nói, hầu hết các vụ nhà hàng, quán ăn chặt chém khách với giá trên trời, chỉ được cơ quan có trách nhiệm biết đến qua mạng xã hội và  báo chí vào cuộc, phản ánh. Nghĩa là chỉ được phát hiện, xử lý khi nó đã được công khai, đã trở thành những ấn tượng xấu không chỉ đối với hình ảnh một địa phương.

Thực tế đang tồn tại mâu thuẫn, nghịch lý trong chế tài, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá tại các nhà hàng, quán ăn khiến các hành vi này có nguy cơ lan rộng. Một nhà hàng “chặt chém” du khách tới 16 triệu đồng với vài món ăn bình dân nhưng chỉ bị phạt 750.000 đồng do lỗi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ thì chủ nhà hàng “vui vẻ chấp hành” là việc đương nhiên. Vì mức phạt so với số lợi nhuận mà nhà hàng thu được quả thật chẳng bõ bèn gì. Trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông, các vị lãnh đạo đều nói rất cứng rắn là “sẽ xử lý nghiêm”. Nhưng “nghiêm” mà có từng ấy tiền phạt thì khác nào tạo cho các nhà hàng nhờn thuốc, tiếp tục chặt chém du khách?

Thời gian vừa qua, Việt Nam liên tiếp giành vị trí top đầu trong các bảng xếp hạng trên các trang web du lịch. Tuy nhiên, những bảng xếp hạng đánh giá của quốc tế dành cho Việt Nam từ trước đến nay vẫn chỉ là đánh giá về điểm tài nguyên. Đó chỉ là một trong những tiêu chí khác để đánh giá năng lực cạnh tranh của các điểm đến. Còn nhiều tiêu chí khác như vấn đề môi trường, hạ tầng, sản phẩm dịch vụ, giá cả... mà hiện nhiều chuyên gia đánh giá chúng ta đều làm chưa tốt. Ở nhiều điểm đến du lịch việc giữ chân du khách trong hơn 3 ngày là vấn đề cực kỳ khó khăn. Rất nhiều người rời đi và không muốn quay trở lại chỉ sau một đêm.

Theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp gia tăng tỉ trọng trong tổng cơ cấu kinh tế của Việt Nam, không chỉ riêng ngành du lịch mà các cơ quan, ban ngành phải cùng chung tay chấn chỉnh, xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp không khói này, với cam kết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách thị thực điện tử, mở rộng danh sách các quốc gia được cấp thị thực, mở cửa bầu trời và tự do hàng không, tiếp tục xây dựng nhiều cảng biển để phát triển du lịch biển và đầu tư cho quảng bá du lịch. Nhưng mọi nỗ lực của Chính phủ sẽ không mấy ý nghĩa nếu việc xử lý nạn chặt chém vẫn chỉ là khắc phục một hậu quả đã xảy ra.

Chúng ta đã mất rất nhiều công sức và tiền của để quảng bá du lịch, để đưa du khách về với Việt Nam. Năm 2018, 15,5 triệu lượt khách quốc tế và 80 triệu lượt khách nội địa đã tạo ra tổng thu 620.000 tỷ đồng cho ngành du lịch. Không thể để du khách phải đối diện với những lối ứng xử thiếu văn hóa hay trở thành nạn nhân của những kiểu làm ăn chụp giật, lừa đảo ăn tiền. Mới đây, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều đã đưa vào hoạt động tổng đài kết nối hỗ trợ khách du lịch. Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, tổng đài du lịch sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành du lịch, hạn chế và tiến dần tới dẹp bỏ nạn chặt chém du khách vẫn đang xảy ra ở nhiều điểm đến, gây ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, nhất là trong bối cảnh du lịch đang có mức tăng trưởng mạnh như hiện nay. 

Chi An