Khi logistics ngược với thế giới!

Thanh Hà 11/12/2018 07:42

Logistics là một ngành kinh tế mới mẻ ở Việt Nam, đang được kỳ vọng vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Logistics bao gồm các hoạt động dịch vụ chuỗi cung ứng hoàn thiện khép kín từ vận tải, kho bãi đến phân phối hàng hóa, kết nối nhà sản xuất tới người tiêu dùng.

Bên cạnh những kết quả khả quan như tăng trưởng 12 - 14% năm thì ngành logistics Việt Nam đóng góp vào GDP còn rất khiêm tốn, mới 3 - 4%, trong khi đó chi phí logistics trong chi phí của doanh nghiệp rất cao, ngược lại với thế giới. Đây cũng là điểm trăn trở mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 với chủ đề “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế” vừa diễn ra tại Quảng Ninh.

Câu hỏi đặt ra là vì sao ngành kinh tế này vẫn thiếu hiệu quả? Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới, những năm trước đây, lý do chính hoạt động logistics tại Việt Nam thiếu hiệu quả hơn so với các nước khác là do thiếu độ tin cậy xuyên suốt trong chuỗi cung ứng kết nối. Theo đó, hạn chế lớn nhất đối việc phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam ngoài kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các vấn đề liên quan như an toàn giao thông, quy định tải trọng cầu đường còn là thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hải quan.

Đánh giá mới đây của Bộ Công thương đã chỉ ra những hạn chế: Hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, 5% có mức vốn từ 20 tỷ đồng trở lên. Trong khi tính liên kết của doanh nghiệp còn thấp, đa số vẫn hoạt động đơn lẻ. Cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng về công nghệ thông tin chưa được đầu tư tương xứng. Các doanh nghiệp dịch vụ chưa có được chiến lược phát triển bài bản để mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động, đem lại dịch vụ chất lượng cao với chi phí thích hợp và nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp; công việc kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logistics, cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch các thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh dịch vụ logitsics còn chậm trễ.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là văn bản pháp lý tạo điều kiện tận dụng các lợi thế đưa lĩnh vực logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh chung của toàn nền kinh tế. Rõ ràng để tận dụng cơ hội đưa logisstics không ngược với thế giới chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trong đó có vai trò của doanh nghiệp, các tỉnh thành phố và cả bộ máy quản lý từ Trung ương.

Trước hết quy mô và chiều sâu trong tổ chức hoạt động của doanh nghiệp phải được phát triển mạnh mẽ; không phát triển manh mún, tản mạn, mạnh ai nấy làm. Đồng thời tăng tính liên kết tận dụng lợi thế kết nối, liên kết trong chuỗi vận tải, kho vận và phân phối từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, giảm mạnh chi phí dịch vụ “từ công xưởng” tới phương tiện vận chuyển và từ phương tiện vận chuyển đường dài tới người tiêu dùng (last-mile logistic).

Các tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ, thương mại xứng với vai trò để trở thành động lực khi luồng lưu thông hàng hóa được kết nối thông suốt và hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi cạnh tranh về chi phí, thời gian và độ chính xác. Các bộ ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư - kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử và triển khai dịch vụ công trực tuyến một cửa quốc gia. Việc kiểm tra chuyên ngành cải tiến theo hướng giảm bớt số lượng mặt hàng phải kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, minh bạch hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra...

Những nguyên nhân cản trở sự phát triển và hiệu quả của ngành logistics mũi nhọn đã được chỉ rõ nhưng quan trọng là thực thi thế nào. Và lộ trình để khắc phục các hạn chế ra sao. Nếu các điểm nghẽ được tháo gỡ, các doanh nghiệp lớn thực sự bắt tay vào lĩnh vực kinh tế mới mẻ, giàu tiềm năng này thì hiệu quả kinh tế của ngành logistics sẽ không còn ngược với thế giới.  

Thanh Hà