Khắc phục tình trạng doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội
Để khắc phục thực trạng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ “né” tham gia BHXH, BHYT, cũng như truy thu nợ đọng BHXH, thời gian qua BHXH TP Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành quy định về bảo hiểm, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, góp phần giữ vững an sinh xã hội.
Khó khăn phát triển đối tượng tham gia BHXH
Theo báo cáo của BHXH TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31.10 có hơn 7,13 triệu người tham gia BHXH, BHYT, tăng 6,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gần 2,3 triệu người, đạt hơn 92% kế hoạch. Tuy nhiên, BHXH TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, vẫn còn thực trạng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT, BHXH bắt buộc trong khối doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ còn rất thấp, dù đây là những đối tượng rất tiềm năng. Còn đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng chậm, hiện chỉ có hơn 5.200 người tham gia, chỉ đạt hơn 31% kế hoạch.
![]() Theo thống kê của BHXH TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31.10 có hơn 7,13 triệu người tham gia BHXH, BHYT |
Xác định rõ BHYT, BHXH là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, thời gian qua cùng với đẩy mạnh mở rộng đối tượng tham gia, đôn đốc thu đúng thu đủ, BHXH TP Hồ Chí Minh tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan đến công tác BHXH, BHYT và gần đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2018 về BHYT với rất nhiều điểm mới.
BHXH TP Hồ Chí Minh tham mưu cho Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT cho từng địa phương, ngoài ra còn phối hợp với Cục Thuế TP Hồ Chí Minh thống kê số doanh nghiệp đóng thuế chưa tham gia BHXH để yêu cầu các đơn vị này thực hiện theo đúng luật định; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo cùng phòng giáo dục các quận, huyện đề nghị các trường học trên địa bàn vận động phụ huynh học sinh, học sinh, sinh viên tích cực tham gia BHYT; tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT thường xuyên và đột xuất các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT…
Triển khai nhiều giải pháp
Từ đầu năm đến nay, BHXH TP Hồ Chí Minh đã chủ động, phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 4.000 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính 93 đơn vị vi phạm quy định về bảo hiểm; qua đó các đơn vị nợ đọng kéo dài cũng đã chuyển khoảng 50% trong tổng số nợ; chủ sử dụng lao động tại các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra, đóng BHXH cho những trường hợp người lao động chưa được đóng lên đến hơn 3.100 người. |
Theo thống kê, hiện TP Hồ Chí Minh có 80.000/172.000 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm. Có thể thấy, số doanh nghiệp chưa tham gia BHXH chiếm tỷ lệ rất lớn. Chưa kể, BHXH thành phố được giao chỉ tiêu kế hoạch 60.026 tỷ đồng, nhưng tính đến thời điểm 31.10, chỉ mới thu được khoảng 47.000 tỷ đồng (đạt 78% kế hoạch). Trong khi quá trình thu BHXH cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mến, tình trạng chủ doanh nghiệp không tham gia đóng đầy đủ bảo hiểm cho người lao động xảy ra rất nhiều; tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH cũng diễn ra rất phổ biến. Tính đến thời điểm hiện tại, số nợ BHXH, BHYT, BHTN ở địa bàn TP Hồ Chí Minh lên tới khoảng 1.800 tỷ đồng, mức nợ này tương đương với một tỉnh có mức thu trung bình tất cả các khoản bảo hiểm. Tiếp đó là tình trạng các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ không tham gia BHXH, BHYT, mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc, hoặc gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; dù cơ quan BHXH đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử phạt nhiều lần nhưng vẫn không có khả năng đóng. Ngoài ra, một phần cũng do nhận thức của người lao động, không biết được quyền lợi chính đáng của mình.
Để khắc phục thực trạng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ “né” tham gia bảo hiểm cho người lao động, truy thu nợ đọng BHXH, ông Mến cho hay, BHXH thành phố đã phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp căn bản như tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành quy định về bảo hiểm cho người lao động đối với chủ sử dụng lao động, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và xử lý theo đúng quy định.
BHXH TP Hồ Chí Minh cũng tích cực phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, ngành thuế và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ khi doanh nghiệp tham gia đóng thuế, đăng ký thành lập, đồng thời cơ quan BHXH cấp mã số BHXH. Bên cạnh đó, phối hợp các cơ quan báo chí đăng tải danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên. Giải pháp cuối cùng là chuyển hồ sơ qua cơ quan công an khi các đơn vị vẫn cố tình vi phạm để tiến hành các biện pháp tố tụng, nhằm bảo đảm thu được tiền nợ bảo hiểm cho người lao động.