Thêm chính sách hỗ trợ đầu ra

Hồng Hà 28/11/2018 08:44

Bảo tàng Quân sự Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức trại sáng tác tranh lụa, tranh đồ họa đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (LLVT - CTCM). Điều đáng mừng là nhiều tác phẩm có chất lượng cao. Tuy nhiên, các nghệ sĩ mong muốn có chính sách hỗ trợ để đưa tác phẩm đến với công chúng, tạo thêm động lực cho lực lượng sáng tác.

Đội ngũ ít, kinh phí thiếu

Cuộc vận động sáng tác Văn học nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2020 đã đi qua chặng đường thứ 5. Năm nay, 36 tác phẩm tranh lụa, đồ họa của 20 họa sĩ trong và ngoài quân đội được hoàn thành trong 15 ngày phản ánh năng lực các tác giả tham gia trại, đồng thời cũng thể hiện đề tài LLVT - CTCM còn nhiều sức hấp dẫn.
Tuy nhiên, nhìn vào lực lượng tham gia trại sáng tác lần này, họa sĩ Bùi Quang Đức, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, không khỏi day dứt trước thực trạng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ họa sĩ kế cận. Chính sự hẫng hụt này nên nhiều năm nay, ở triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài LLVT - CTCM tổ chức định kỳ 5 năm 1 lần, sân chơi quốc gia dành cho các họa sĩ khoe bày sáng tác mới, ngày một vắng vẻ.

Họa sĩ Đỗ Đức Khải bên tác phẩm “Nắng Trường Sa” và “Thời gian trôi qua”
Họa sĩ Đỗ Đức Khải bên tác phẩm “Nắng Trường Sa” và “Thời gian trôi qua” 

Cũng không quá khó hiểu nếu biết rằng, theo quy luật thời gian, lớp họa sĩ sáng tác quân đội thời kỳ chống Pháp về cơ bản đã không còn sức sáng tạo. Lớp họa sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ với nhiều tên tuổi lớn thì tuy vẫn còn cảm xúc, nhiều kinh nghiệm, nhưng nay tuổi đã cao, tay cọ nhiều lúc đã không chiều theo lòng người. Bên cạnh sự vắng bóng của đội ngũ họa sĩ sáng tác về đề tài LLVT - CTCM thì việc đầu tư cho các sáng tác này dù đã được các cơ quan chức năng quan tâm nhưng vẫn còn nhiều điều đáng bàn, nhất là đầu ra cho những tác phẩm mỹ thuật đề tài này.

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương, sau các đợt triển lãm lớn, ngoài một số ít tác phẩm có chất lượng tốt được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hỗ trợ bổ sung nhằm phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu… thì hầu hết tác phẩm sau trưng bày lại trở về với chủ nhân của chúng mà ít được tập thể, cá nhân quan tâm, mua lại. Chính thực tế này đã tác động không nhỏ đến nhiệt tình, suy nghĩ cũng như quyết tâm của nhiều họa sĩ sáng tác, thay vì chọn đề tài LLVT - CTCM đã tìm đến những chủ đề ít phức tạp hơn, có đầu ra, để một mặt đỡ tốn sức lao động và có thêm kinh phí tiếp tục đeo đuổi nghề.

Soi chiếu ở góc nhìn khác

 “Đề tài LLVT - CTCM có sức hấp dẫn đặc biệt đối với một bộ phận không nhỏ người Việt từng chứng kiến các cuộc chiến tranh của dân tộc. Song, để duy trì và phát triển đội ngũ sáng tác đề tài này là nỗ lực của nhiều cấp, ngành liên quan. Trong khi đó, khó khăn của các họa sĩ hiện nay là tác phẩm khi hoàn thành sẽ chỉ gửi trưng bày triển lãm, sau đó gần như chỉ cất trong kho và rất khó mang ra thị trường. Chính vì vậy, việc tái sáng tạo sức lao động cho nghệ thuật như có vật cản, khi nhu cầu vật chất đòi hỏi ngày một cao. Tôi nghĩ cần có chính sách đặc biệt đối với các tác phẩm đề tài này, các cơ quan và đơn vị cũng nên đặt hàng các tác phẩm để ghi lại dấu ấn lịch sử hoặc truyền tình yêu đối với đề tài LLVT - CTCM”.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp

Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến các họa sĩ băn khoăn khi lựa chọn chủ đề LLVT - CTCM, trong đó có sự thiếu hụt trải nghiệm thực tế quân ngũ và nhiệt huyết, tinh thần của cuộc chiến. Tham gia trại sáng tác về đề tài LLVT - CTCM lần thứ 5, họa sĩ Đỗ Đức Khải cho biết, anh thuộc thế hệ sinh ra trong thời bình, chính vì vậy khi tiếp cận đề tài này phải tìm hiểu thêm sách sử, phim tài liệu, tư liệu chiến tranh, đặc biệt là phải có cảm nhận riêng cùng tình yêu, niềm tin đối với người lính và cuộc chiến của dân tộc.

“Thế hệ đã qua chiến tranh vẽ rất tốt, do vậy mà tôi luôn trăn trở phải vẽ như thế nào để thể hiện được đầy đủ tinh thần của cuộc chiến qua cái nhìn mới. Do vậy, ở một quan điểm khác, cái nhìn khác, soi chiếu dưới góc độ khác, tôi muốn người xem tranh thấy được, dù là vinh quang hay đau buồn, nhưng cái nhìn của con người mỗi thời đại một khác. Chính từ sự khác biệt trong lối nhìn ấy, tôi cố gắng thổi hồn vào tác phẩm, để có được cảm quan nghệ thuật phù hợp hơn. Ngôn ngữ nghệ thuật cũng làm sao để vừa đại chúng vừa thể hiện được bản sắc riêng”, họa sĩ Đỗ Đức Khải nói. Như ở tác phẩm Thời gian trôi qua, họa sĩ Đỗ Đức Khải mượn câu chuyện chiếc lược làm từ vỏ máy bay Mỹ gửi gắm thông điệp về thời gian, về tình cảm của người lính với hậu phương, sâu xa hơn là ký ức chiến tranh, là cảm nhận nghệ thuật của nghệ sĩ thời bình đối với niềm vui, hạnh phúc và vinh quang của con người thời chiến…

Sáng tác mỹ thuật đề tài LLVT - CTCM rõ ràng vẫn được họa sĩ trong và ngoài quân đội quan tâm, hưởng ứng, như chia sẻ của họa sĩ Trần Hải Anh (Thanh Hóa), họa sĩ Hà Huy Chương (Hải Dương)… Tuy vậy, nhìn vào thực trạng đội ngũ kế cận sáng tác mỹ thuật quân đội, nhìn vào số lượng, chất lượng tác phẩm đề tài LLVT - CTCM tại các triển lãm mỹ thuật cấp quốc gia và cái nhìn xa hơn trong tương lai, cần những cú hích mạnh mẽ, thiết thực hơn để đội ngũ sáng tác ngày một đông về số lượng, trình độ chuyên môn cao, làm nòng cốt để mỹ thuật đề tài LLVT - CTCM luôn có chỗ đứng bền vững trong lòng công chúng…

Hồng Hà