Tìm khác biệt để thấu hiểu
Sống giữa hai nền văn hóa và thấy rõ những khác biệt trong lối sống, cách suy nghĩ của người Việt và người Pháp, nhà ngoại giao Eva Nguyen Binh muốn làm rõ những điều này trong cuốn sách “Thanh lịch như người Pháp - Hiếu khách như người Việt”, qua đó giúp người dân hai quốc gia thấu hiểu nhau hơn.
Lúng túng vì khác biệt
- Tuổi tác là chủ đề cấm kỵ với một phụ nữ phương Tây, phụ nữ Pháp không bao giờ muốn nói tuổi của mình, trong khi đó thường là câu hỏi đầu tiên người Việt đặt ra cho một người mới gặp để biết cách xưng hô.
- Người Pháp thường không đến đúng giờ khi được mời ăn tối, mà đến muộn khoảng 15 phút. Người Việt lại thường đến sớm hơn, nên đôi khi chủ nhà là người Pháp sẽ lúng túng vì khách đến sớm trước hẹn và nhiều khi chưa sẵn sàng chào đón.
![]() Bìa cuốn sách “Thanh lịch như người Pháp - Hiếu khách như người Việt” |
- Người Việt nói tương đối ít, hay cười và im lặng; trong khi người Pháp nói nhiều và thích câu trả lời rõ ràng. Với người Việt, im lặng mang nhiều nghĩa, nhưng với người Pháp, những gì không được thể hiện ra bằng lời nghĩa là nó không tồn tại.
- Khi tặng quà, người Việt không mở quà ngay mà lẳng lặng đặt vào một góc, người tặng cũng không biết món quà có được mở ra không? Người Pháp thì mở quà tặng ngay khi được nhận như một cách nói lời cảm ơn và họ nói rất nhiều về món quà...
Đó là một số trong rất nhiều điểm khác nhau trong phong tục tập quán, lối sống hàng ngày giữa người Việt Nam và Pháp. “Tôi có bố là người Việt Nam, mẹ người Pháp, sinh ra và lớn lên ở Pháp, làm việc ở Việt Nam trong 4 năm, nên thấy rõ khác biệt giữa Việt Nam và Pháp. Ngày còn nhỏ, tôi cũng ngạc nhiên từ những ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, nhưng không được ai giải thích. Đôi khi sự khác biệt ấy khiến cho chúng ta bất ngờ, và không hiểu nhau” - bà Eva Nguyen Binh chia sẻ. Bà nguyên là Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam (2013 - 2017), hiện là Đại sứ Pháp tại Campuchia.
Từng học tập và làm việc tại nhiều quốc gia trước khi đến Việt Nam, với Eva Nguyen Binh, nhà ngoại giao phải nắm bắt thói quen, lối sống, những đặc trưng văn hóa của một quốc gia rất nhanh chóng. Tìm hiểu về Việt Nam từ lâu, nhưng khi đến đây làm việc, bà thấy rằng, người Pháp và người Việt tưởng như đã rất hiểu nhau, nhưng không hoàn toàn là như vậy.
Từ trải nghiệm thực tế
Đó cũng là cảm hứng thôi thúc Eva Nguyen Binh cho ra đời cuốn sách “Thanh lịch như người Pháp - Hiếu khách như người Việt”, do Nhã Nam chuyển sang tiếng Việt và sẽ cho ra mắt độc giả vào đầu tháng 12 tới. Cuốn sách ghi lại những quan sát thú vị của tác giả, đôi khi hơi có chút châm biếm nhưng hết sức trìu mến, về những khác biệt thường thấy nhất trong các cung cách chuẩn mực, nghệ thuật sống và thói quen văn hóa giữa người Pháp và người Việt Nam. Từ cách ngồi bên bàn ăn đến cách tặng quà, cho tới các thói quen ăn mặc, có thể có rất nhiều chi tiết khiến ta ngạc nhiên, thậm chí khó hiểu hoặc gây hiểu lầm.
![]() Tác giả Eva Nguyen Binh |
“Đọc cuốn sách nhỏ gọn này thật thú vị vì tôi là người Việt đã từng sống, học tập và làm việc nhiều năm tại Pháp, cụ thể hơn là tại Thủ đô Paris. Do vậy, tôi hoàn toàn hiểu được cách nhìn “lưỡng thể” và mong muốn làm cầu nối giúp cho mỗi bên có thể hiểu cách ứng xử, tập quán sinh hoạt của bên kia, hiểu chứ không nhất thiết đồng tình hay thích thú. Hoàn toàn có thể trao đổi, bình luận, thậm chí tranh luận về cách lý giải hành vi, hiện tượng nhưng hoàn toàn không thể phủ nhận những hiện tượng, hành vi hay và không hay được tác giả nêu...”. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Tôn Nữ Thị Ninh |
Không theo góc độ nghiên cứu học thuật về văn hóa, sự khác biệt này được tác giả ghi chép từ những trải nghiệm thực tế thường gặp trong cuộc sống của mình. Eva Nguyen Binh cho biết: “Cuốn sách có các ví dụ đơn giản, mang tính hài hước để chúng ta có những thông tin cần thiết. Tôi nghĩ rằng người Việt Nam và Pháp có nhiều tố chất mà chúng ta có thể yêu quý nhau nhưng cũng cần phải biết rõ những điểm khác để hiểu nhau hơn. Người Pháp nổi tiếng bởi sự lịch thiệp, trong khi tôi thấy người Việt Nam rất hiếu khách, không biết đó có phải là những hình tượng tôi xây dựng lên về người Pháp và người Việt hay không? Tất nhiên, tôi cũng thấy phụ nữ Việt Nam rất thanh lịch, và ngược lại, có những người Pháp cũng rất hiếu khách. Phần lớn những điều trong cuốn sách là trải nghiệm bản thân, tôi cũng nói chuyện nhiều với các bạn người Pháp và người Việt và chúng tôi gặp nhau trong những ví dụ đó”.
“Người Pháp và người Việt có sự khác nhau và điều đó rất thú vị. Ví dụ, người Pháp ăn bánh mì không bao giờ ngửa bánh mì lên, cũng giống như người Việt không lật con cá lên chẳng hạn. Người Pháp ăn phở uống đến giọt cuối cùng để bày tỏ cảm kích với người nấu, trong khi người Việt không cho đó là lịch sự”. Ông Nguyễn Đình Thành, chuyên gia truyền thông văn hóa cho rằng: Thật ra nó chẳng có gì là mất lịch sự hay không, vấn đề là chúng ta không hiểu văn hóa của nhau và những cuốn sách như “Thanh lịch như người Pháp - Hiếu khách như người Việt” - dù được thể hiện qua quan sát của một cá nhân, có thể đúng với người này, không đúng với người khác - nhưng qua đó sẽ giúp người Pháp hiểu người Việt hơn, người Việt hiểu người Pháp hơn, đó cũng là mong muốn của tác giả.
Những câu chuyện nhỏ vui vẻ ấy được thể hiện qua cách viết hài hước, cách trình bày sống động với hình ảnh, hình vẽ đẹp để người đọc dễ hình dung. Sắp tới, bản tiếng Pháp cũng sẽ được tác giả cho ra mắt, với mong muốn người Pháp sẽ hiểu hơn về người Việt. Tất nhiên, Eva Nguyen Binh không tham vọng kể hết những điểm khác trong bức tranh cuộc sống tại hai quốc gia, nếu không, chắc chắn sẽ cần có thêm rất nhiều tập sách nữa.