Phải hành động chứ không thể “hứa suông”
ĐBQH VĂN THỊ BẠCH TUYẾT (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ ấn tượng đặc biệt với tinh thần dân chủ tại Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV. Có thể cảm nhận rất rõ tinh thần này qua các cuộc tranh luận sôi nổi giữa chính các ĐBQH với nhau và giữa các ĐBQH với các bộ trưởng, thành viên Chính phủ trong tất cả các nội dung từ kinh tế - xã hội, ngân sách đến các dự án luật. Cùng với đó là một đổi mới rất hiệu quả khi QH tiến hành chất vấn tất cả thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của QH từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ Tư, khiến bộ trưởng, trưởng ngành phải hành động chứ không thể hứa suông.
Tranh luận đến cùng nhưng không áp đặt
Nhìn lại Kỳ họp thứ Sáu, bà có ấn tượng như thế nào?
- Tôi thấy cách bố trí chương trình, nội dung kỳ họp này hợp lý. Trong thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường và chất vấn tại kỳ họp, thời gian bố trí tương đối thỏa đáng để đại biểu trình bày được ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, những vấn đề mà ĐBQH quan tâm.
![]() Ảnh: Hà An |
Đối với các dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau, QH đã bố trí thời gian nhiều hơn để tạo điều kiện cho các ĐBQH thảo luận và làm rõ những vấn đề mà ban soạn thảo chưa đề cập tới, hoặc có đề cập nhưng chưa đủ sâu, chưa đủ thuyết phục. Thông tin về các dự án luật trình QH lần này đầy đủ hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các ĐBQH có cơ sở nghiên cứu, tham gia đóng góp sâu hơn vào các nội dung cụ thể của dự thảo luật.
- Cử tri đánh giá rất cao tính tranh luận, phản biện dân chủ tại kỳ họp này. Nhìn nhận của bà về vấn đề này như thế nào?
- Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này. Tính tranh luận, dân chủ trong sinh hoạt nghị trường ngày càng được nâng lên, thể hiện rất rõ thông qua các cuộc tranh luận của ĐBQH, sự trao đi đổi lại thông tin giữa các ĐBQH, giữa các ĐQBH với các bộ trưởng, trưởng ngành. Các ĐBQH đã mạnh dạn đánh giá, trao đổi, tranh luận làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau, những vấn đề các bộ trưởng trả lời nhưng chưa thỏa đáng hoặc chưa thấy hết trách nhiệm của mình. Cách thức tranh luận, trao đổi, chất vấn đến cùng như vậy, theo tôi là rất hiệu quả. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, mà cũng sẽ góp phần tạo nên sự chuyển động, chuyển biến tích cực trong hoạt động của các cơ quan hành pháp và tư pháp.
- Như bà nhận xét, tranh luận đến cùng nhưng không áp đặt. Có lẽ đó cũng là một nét văn hóa nghị trường rất cần được phát huy?
- Diễn đàn của QH là dân chủ, đó là nơi các ĐBQH, các bên liên quan được bày tỏ quan điểm của mình. Cơ quan thẩm tra có quyền được đánh giá về kết quả hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp trên cơ sở các báo cáo hoạt động của các cơ quan này. Tuy nhiên, bản thân các cơ quan được đánh giá cũng có quyền được trao đổi lại thông tin về những đánh giá của cơ quan thẩm tra. Việc trao đổi này thể hiện sự dân chủ trong sinh hoạt nghị trường, tạo nên sự tương tác 2 chiều trong quá trình hoạt động của các cơ quan của QH với các cơ quan hành pháp, tư pháp. Cơ quan thẩm tra thể hiện rõ quan điểm, đánh giá một cách khách quan, công tâm thông qua các số liệu, lý lẽ thuyết phục. Việc trao đổi ý kiến 2 chiều góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng của các báo cáo thẩm tra, cũng như giúp cơ quan được đánh giá thấy được lĩnh vực nào mình làm tốt, lĩnh vực nào làm chưa tốt để từ đó có hướng khắc phục, nâng cao chất lượng hoạt động của mình.
Không thể “hứa suông”
- Kỳ họp này QH đã tiến hành chất vấn tất cả thành viên Chính phủ có liên quan về việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của QH từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ Tư. Việc thực hiện theo hình thức này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
“Tôi đánh giá cao các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của QH. Các báo cáo càng ngày càng sâu sắc, giúp cho đại biểu có nhiều thông tin trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến vào các báo cáo cũng như trong quá trình thảo luận về các dự án Luật.” ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) |
- Tôi đánh giá cao hoạt động này của QH. Hình thức chất vấn này là cách chúng ta rà soát lại những gì bộ trưởng, trưởng ngành đã thực hiện và những gì chưa thực hiện được theo yêu cầu mà nghị quyết giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn đã đặt ra.
Đây không chỉ là cơ hội để bộ trưởng, trưởng ngành tự nhìn nhận lại chính mình mà cũng là cơ hội để ĐBQH thấy được trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành trước QH, trước ĐBQH và cử tri. Bởi những vấn đề ĐBQH đặt ra là những vấn đề mà cử tri rất quan tâm, thực tiễn đang đòi hỏi, rất cần sự vào cuộc của bộ trưởng, trưởng ngành một cách quyết liệt mới giải quyết được rốt ráo những tồn tại. Bộ trưởng, trưởng ngành đã hứa thì phải thực hiện, chứ không phải là hứa cho xong. Cử tri và ĐBQH sẽ giám sát những gì mà bộ trưởng, trưởng ngành đã hứa trước QH.
Tôi cho rằng, việc chất vấn như vậy sẽ tạo điều kiện để các ĐBQH đi đến cùng vấn đề đã giám sát, chất vấn; đồng thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành trước QH, trước cử tri. Chính việc thực hiện chất vấn này, buộc bộ trưởng, trưởng ngành phải hành động, chứ không thể là những lời hứa suông
- Ở góc nhìn của ĐBQH, bà đánh giá như thế nào về vai trò của Chủ tọa điều hành tại kỳ họp này, thưa bà?
- Tôi cho rằng, sự điều hành linh hoạt của Chủ tọa các phiên họp tại kỳ họp này đã góp phần quan trọng tạo nên sự trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở giữa các ĐBQH với nhau và giữa các ĐBQH với các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các cơ quan tư pháp... Trong đó, không chỉ tôi mà nhiều ĐBQH đều rất ấn tượng với sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chính cách điều hành linh hoạt đã tạo điều kiện cho các ĐBQH được thảo luận, được tranh luận và chất vấn đến cùng làm sáng rõ vấn đề hơn. Tôi cho rằng, đây là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của kỳ họp này.
- Xin cảm ơn bà!