Cần chặt chẽ về trình tự, thủ tục

Nhật Linh ghi 18/11/2018 08:29

Qua tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành Luật Đầu tư công, có thể nhận thấy, bên cạnh những hạn chế của các điều luật, khâu tổ chức thực hiện chưa nghiêm, trách nhiệm cá nhân trong quá trình đầu tư công chưa được đề cao, nên hiệu quả đầu tư công chưa như mong muốn. Để khắc phục thực trạng này, các đại biểu cho rằng, cần cân nhắc xem xét các điều khoản sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính chặt chẽ trong trình tự, thủ tục đầu tư công, cũng như tính khả thi và hiệu quả của các dự án.

ĐBQH NGUYỄN HỮU ĐỨC (Bình Định): Quy định chặt chẽ vốn hỗ trợ

Tại Khoản 5 và 7, Điều 5 bổ sung các nhóm đối tượng đầu tư công, thực chất không phải dự án đầu tư công mà là hoạt động sử dụng vốn đầu tư công. Với cách tiếp cận khiên cưỡng này cơ bản chấp thuận tạo căn cứ pháp lý cho khoản chi. Tôi tán thành bổ sung 2 địa chỉ chi là tại Khoản 5 theo quy định của Luật Quy hoạch và tại Khoản 7 về cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi... Song lưu ý quy định chặt chẽ vốn hỗ trợ các đối tượng chính sách khác để tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực.

Đối với vốn đầu tư công cho công tác đền bù, tái định cư giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình dự án đầu tư công, quy định tại Khoản 6, Điều 5 nếu tiếp cận đơn thuần là một thành phần của dự án đầu tư công là chưa đầy đủ. Tôi đề nghị cần quy định tiêu chí về quy mô, tổng mức đầu tư hay điều kiện đặc thù để tách riêng dự án đầu tư công độc lập để triển khai sớm trong tổng thể dự án được duyệt. Cần bổ sung trong luật quy trình đối với loại dự án này để tương ứng với các dự án đầu tư khác. Thực tế kiểm chứng khi Quốc hội ban hành nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành để tách riêng dự án độc lập để triển khai trước.

ĐBQH NGUYỄN HỒNG HẢI (Bình Thuận): Chủ động giao dự án cho cấp có năng lực thực hiện

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tại Khoản 6 và 7, Điều 17 quy định: “Trường hợp HĐND, UBND cấp huyện, xã không đủ năng lực quyết định chủ trương đầu tư thì HĐND, UBND cấp tỉnh quyết định”. Theo tôi, quy định như trên không phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phân cấp và không thực tiễn, vì hoạt động đầu tư là một quy trình gồm tập hợp các hoạt động được quy định tại Khoản 16, Điều 4 bao gồm: “Lập thẩm định quyết định chủ trương đầu tư. Lập thẩm định quyết định chủ trương dự án. Lập thẩm định phê duyệt giao nhiệm vụ, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, quản lý sử dụng vốn đầu tư công, tổ chức triển khai thực hiện nghiệm thu, quyết toán, bàn giao và thanh tra”. Có thể nói, tập hợp các hoạt động đầu tư công nêu trên có mối quan hệ biện chứng không thể tách rời, tùy thuộc quy mô, tính chất, nguồn vốn được phân cấp cho cấp có thẩm quyền thực hiện xuyên suốt. Do đó, không thể tách một khâu nào đó để giao cho cấp có thẩm quyền khác thực hiện.

Mặt khác, trong chuỗi quy trình đầu tư công, khâu quyết định chủ trương đầu tư là khâu nghiên cứu sơ bộ. Nếu cấp dưới không đủ năng lực để thực hiện khâu này thì khâu kế tiếp chắc chắn sẽ không đảm đương được. Do đó, trường hợp chương trình, dự án phức tạp dự kiến cấp dưới không bảo đảm năng lực thực hiện thì ngay từ đầu cấp có thẩm quyền chủ động xem xét, giao chương trình, dự án đó cho cấp có năng lực thực hiện và triển khai theo quy định của pháp luật.

ĐBQH NGHIÊM VŨ KHẢI (Hải Phòng): Chú trọng nghiên cứu tiền khả thi

Điều 31, nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, Khoản 1 quy định: “Nếu dự án có cấu phần xây dựng thì thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng”, nên các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A có cấu phần xây dựng thì thực hiện chỉ theo pháp luật về xây dựng. Tôi cho rằng quy định như vậy là phiến diện và có thể rất sơ hở. Ví dụ công trình thủy điện Sơn La, dự án kéo dài hơn 10 năm suốt 3 nhiệm kỳ Quốc hội Khóa X, XI và đầu Khóa XII thì hoàn thành. Dự án này có tới 5 hợp phần: Một là dự án hợp phần công trình đập và nhà máy thủy điện; hai là công trình giao thông và cầu đường tránh ngập; ba là dự án di dân tái định cư; bốn là bảo vệ di sản văn hóa; năm là bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Nếu quy định như Khoản 1, Điều 31 thì chỉ có căn cứ vào pháp luật về xây dựng, không đủ cơ sở để đánh giá, nghiên cứu tiền khả thi.

Tôi thấy có thể còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng công trình thủy điện Sơn La về cơ bản rất thành công và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tổng hợp, không những cho đất nước mà còn thúc đẩy cho phát triển của vùng Tây Bắc. Một trong những yếu tố thành công đó là việc chúng ta nghiên cứu tiền khả thi và chúng ta tôn trọng quy luật, lấy cơ sở khoa học - công nghệ làm nền tảng. Ví dụ như thời kỳ đó thảo luận về cao trình 265m hay 215m kéo dài hai nhiệm kỳ của Quốc hội, cuối cùng cùng Quốc hội quyết định 215m. Tuy hiệu quả kinh tế có thể giảm đi nhưng bảo đảm hài hòa phát triển bền vững. Đây là một bài học quý.

ĐBQH NGUYỄN TRƯỜNG GIANG (Đắk Nông): Thường trực HĐND không thể làm thay nhiệm vụ của HĐND

Theo Tờ trình của Chính phủ việc quy định HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành gây nhiều khó khăn, nhất là về thời gian, phụ thuộc nhiều vào Kỳ họp của HĐND. Theo quy định, HĐND các cấp họp một năm hai lần, làm giảm tính kịp thời và hiệu quả của công tác quyết định chủ trương đầu tư. Để khắc phục hạn chế này, dự thảo Luật bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND theo hướng Thường trực HĐND được phép thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực đầu tư công, trong thời gian giữa hai kỳ họp của HĐND. Tôi đề nghị không sửa nội dung này vì các lý do sau:

Thứ nhất, Thường trực HĐND không phải là một cấp và không thể làm thay nhiệm vụ của HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định nội dung này. Việc giao nhiệm vụ HĐND cho Thường trực HĐND thực hiện có thể gây sự lạm dụng, không bảo đảm tính chặt chẽ trong trình tự, thủ tục đầu tư công vốn đã được Luật Đầu tư công phát huy tác dụng trong thời gian qua.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 78, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND họp mỗi năm ít nhất hai kỳ, không phải mỗi năm họp hai kỳ. HĐND họp bất thường, tức là ngoài ra còn họp bất thường. Do vậy, HĐND hoàn toàn có thể họp nhiều hơn hai kỳ/năm hoặc họp bất thường để quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, trong đó có việc quyết định chủ trương đầu tư.

Nhật Linh ghi