Cọ xát để hội nhập

Ngọc Phương 01/11/2018 07:25

Sau 5 ngày diễn ra, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội - HANIFF lần thứ V đã bế mạc tối 31.10, kết thúc chuỗi ngày Hà Nội ngập tràn không khí điện ảnh. Đặc sắc, mới mẻ, đa dạng là cảm nhận chung về các phim tham dự liên hoan phim (LHP) năm nay, và trong bối cảnh đó, các nghệ sĩ kỳ vọng HANIFF sẽ được biết đến rộng rãi hơn, cho thấy sự hội nhập của điện ảnh Việt Nam với thế giới.

“Khoe” thành quả phim Việt

Một trong những điểm ấn tượng của HANIFF 2018 là chương trình Phim Việt Nam đương đại. Gần 40 bộ phim của ba thể loại phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình được sản xuất từ năm 2016 đến nay đã được chọn chiếu với mong muốn giúp khán giả có cái nhìn khái quát sự phát triển của điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây. Trong đó, đáng chú ý là Chùm phim truyện Việt Nam đương đại với 21 phim truyện, quy tụ khá đẩy đủ phong cách sáng tác của từng đạo diễn, như Song Lang, Cô Ba Sài Gòn, Cô gái đến từ hôm qua, Tháng năm rực rỡ, Em chưa 18... Lựa chọn những bộ phim được sản xuất bởi các đạo diễn trẻ, các đạo diễn Việt kiều và cả những đạo diễn với phim đầu tay sánh vai cùng các tên tuổi đã có nhiều dấu ấn với điện ảnh trong nước, HANIFF lần thứ V thể hiện cái nhìn sâu rộng, khoáng đạt, tiếp cận nhiều tác phẩm ở nhiều đề tài, thể loại và hình thức thể hiện.

Có thể thấy, Chùm phim truyện Việt Nam đương đại thể hiện thành quả, diện mạo của điện ảnh nước ta 2 năm qua, khi phim đặt hàng của Nhà nước bị ngưng trệ, các nhà sản xuất tư nhân đã đầu tư và sản xuất tác phẩm đa dạng. Bà Susan Lee, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ nhận xét: “Tôi thấy các bạn ngày càng tìm được những cách sáng tạo kể câu chuyện của mình, có nhiều câu chuyện hơn để kể với thế giới, có nhiều người tài năng tham gia công việc này và thu hút thêm nhiều người đến đây...”.

Đạo diễn Rouhollah Hejazi (Iran) nhận giải Phim dài Xuất sắc nhất
Đạo diễn Rouhollah Hejazi (Iran) nhận giải Phim dài Xuất sắc nhất

Tuy các bộ phim Việt Nam có tính mới mẻ và nhiều tác phẩm thu hút khán giả khi ra rạp, nhưng theo NSND Nhuệ Giang: “Với bối cảnh không có đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh do những vướng mắc của các quy định luật, 2 năm nay, phim nghệ thuật Việt đếm trên đầu ngón tay, còn lại là phim thương mại. Trong khi đó, thế giới gửi tham dự LHP chủ yếu là phim có tìm tòi về ngôn ngữ nghệ thuật điện ảnh. Có thể thấy, phim Việt để đạt trình độ như phim thế giới thì còn là khoảng cách xa. Với không khí ít làm phim nghệ thuật như hiện nay, khi doanh nghiệp tư nhân không muốn đầu tư vào phim nghệ thuật vì biết chắc khó bán vé, nhà làm phim độc lập thì vài năm mới có đủ tiền làm phim, việc phim Việt vươn lên để có thành tích là rất khó”.

Theo các tiêu chí của HANIFF lần này, rất tiếc chỉ có 1 phim truyện dài của Việt Nam được chọn dự thi (Nhắm mắt thấy mùa hè). Diễn viên Thiện Tùng chia sẻ: Chất lượng LHP thể hiện qua những bộ phim chất lượng. Khi mình có phim chất lượng thì người làm nghề thế giới sẽ tìm đến với diễn đàn nghề nghiệp này. Người làm nghề cũng mong chờ ở LHP những quỹ với ngân sách đủ lớn để các nhà làm phim có thể tìm đến, phát triển dự án điện ảnh.

Xứng đáng được biết đến nhiều hơn

Sau 5 năm tổ chức, tuy còn non trẻ nhưng HANIFF đã dần thu hút nhiều tác phẩm điện ảnh, nhiều đoàn phim quốc tế tham gia. Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc HANIFF Ngô Phương Lan: Nếu như LHP thứ nhất chỉ có 59 phim đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ được lựa chọn trình chiếu và dự thi, thì 2 năm sau đã có 116 phim, LHP thứ III là 130 phim đến từ hơn 30 nền điện ảnh, LPH thứ IV có 146 phim từ 43 quốc gia, và năm nay có 147 phim từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự các hạng mục. Điều này thể hiện sự phát triển không ngừng về quy mô của LHP. Đây cũng là cơ hội trao đổi, giao lưu học tập giữa các nền điện ảnh các nước, tạo hưng phấn cho những người làm điện ảnh. Đạo diễn Phước Sang ví von: “Điện ảnh cũng như đá bóng, trên sân nhà thì không biết mình ra sao, nhưng khi có quốc tế vào thì cơ hội cọ xát, giúp mình biết đang đứng ở đâu, thiếu cái gì, tầm nhìn quốc tế như thế nào”.

Nhiều người làm nghề thấy rằng, HANIFF giúp họ được tiếp xúc với điện ảnh thế giới vô cùng rộng mở và hưởng thụ nghệ thuật trong điều kiện tốt nhất. Ngoài hạng mục Toàn cảnh thế giới quy tụ các bộ phim đặc sắc, LHP còn có 2 tiêu điểm giới thiệu các nền điện ảnh nghệ thuật là Iran và Ba Lan. Tại HANIFF lần thứ V, nhiều tác phẩm được đánh giá là “hàng khủng”, có lẽ không bao giờ gặp được ở Việt Nam, thì cuối cùng, Ban tổ chức LHP đã đưa về giới thiệu tới khán giả nước nhà, mà chắc chắn, để có được những bộ phim như thế này hoàn toàn không hề dễ dàng. Diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, thành viên Ban giám khảo Phim dài chia sẻ: “Phim tham gia LHP năm nay rất đặc sắc. Đây là cơ hội để tôi xem nhiều tác phẩm của nhiều nền văn hóa khác nhau qua những câu chuyện kể của các nhà làm phim, từ đó có thể đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm hơn cho các dự án sắp tới của mình”.

Chính vì tầm vóc như vậy, nhiều nhà làm phim Việt cho rằng LHP Quốc tế Hà Nội xứng đáng được biết đến nhiều hơn. Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “HANIFF tổ chức 2 năm 1 lần, nên thời gian chuẩn bị tổ chức không ngắn. Dù thấy rõ nỗ lực của Ban tổ chức, nhưng tôi vẫn có cảm giác hiệu quả của HANIFF chưa đạt đúng kỳ vọng. Tôi chưa thấy có sự truyền thông xứng đáng, để công sức mọi người bỏ ra được ghi nhận. Công chúng, khi tiếp cận thông tin không đủ, khó có cơ hội đi xem đầy đủ các phim. Và tại Hà Nội số lượng rạp có tăng nhưng vẫn ít so với các thành phố khác. Một liên hoan phim quốc tế như HANIFF, trình chiếu nhiều bộ phim lớn của thế giới như vậy cần phải được tăng cường quảng bá, và tăng cả về số lượng phòng chiếu, phủ kín các khung giờ”.

 Các phim được trao giải tại HANIFF V:

Phim dài Xuất sắc nhất: “Buồng tối” (đạo diễn Rouhollah Hejazi), Iran

Đạo diễn phim dài Xuất sắc nhất: Piotr Domalewski (Phim “Đêm yên lặng”), Ba Lan

Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim dài: “Dân quê” (đạo diễn Vladimir Todorovic), Serbia

Giải bình chọn phim Việt Nam được khán giả yêu thích trong Chương trình phim Việt Nam

đương đại: “Chàng vợ của em” (đạo diễn Charlie Nguyễn), Việt Nam

Giải Mạng lưới khuyến khích Điện ảnh châu Á: “Nữ sinh A” (đạo diễn Lee Kyung-sub), Hàn Quốc

Diễn viên nam chính Xuất sắc nhất: Christian Bables (Phim “Tín hiệu trên đỉnh núi”), Philippines

Diễn viên nữ chính Xuất sắc nhất: Đào Phương Anh Đào (Phim “Nhắm mắt thấy mùa hè”), Việt Nam

Đạo diễn trẻ phim ngắn Xuất sắc nhất: Nguyễn Lê Hoàng Việt (phim “Bạn cùng phòng”), Việt Nam

Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim ngắn: “Hai đứa trẻ” (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư), Việt Nam

Phim ngắn xuất sắc nhất: “Su” (đạo diễn Aizhana Kassymbek), Kazakhstan

Ngọc Phương