Khát vọng “bất tử”

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm 28/10/2018 07:00

Hai bộ phim vừa ra rạp, một phim Việt, một của Hollywood đều là hai bộ phim đáng xem về độ mãn nhãn hoặc hơn thế, còn gây xúc động mạnh. Điều thú vị là cả hai đều cũng ít nhiều hướng tới hành trình tìm kiếm, chinh phục và khát vọng “bất tử” ở con người...

“Người bất tử” - Mãn nhãn!

 “Có thể khẳng định, Victor Vũ là một trong hai đạo diễn làm nhiều phim ăn khách nhất 10 năm trở lại đây và là người có nhiều đóng góp tích cực cho nền điện ảnh giải trí Việt Nam cũng như thu hút khán giả quay trở lại với phim nội địa”

Có những đạo diễn mà sau một biến cố hay một thất bại nào đó mới thấy hết được nội lực của họ. Với một scandal như Giao lộ định mệnh, một đạo diễn yếu bóng vía có thể kết thúc sự nghiệp nhưng Victor Vũ đã chứng tỏ sức bật với một loạt phim giải trí thành công như Cô dâu đại chiến (đến nay vẫn là một trong vài phim rom-com (tình cảm hài), chick-lick (dòng phim “nữ quyền”) duyên dáng nhất của dòng phim giải trí khoảng 10 năm trở lại đây) và sau đó là liên tiếp bốn bộ phim thuộc bốn thể loại khác nhau là: Scandal, Thiên mệnh anh hùng, Quả tim máu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Victor Vũ là đạo diễn có thể bay nhảy giữa các thể loại và cho thấy sự chắc tay trong kỹ thuật, dàn dựng, chỉ đạo diễn xuất. Có thể khẳng định, Victor Vũ là một trong hai đạo diễn làm nhiều phim ăn khách nhất 10 năm trở lại đây và là người có nhiều đóng góp tích cực cho nền điện ảnh giải trí Việt Nam cũng như thu hút khán giả quay trở lại với phim nội địa.

Sau bộ ba phim liên tiếp “xuống tay” gần đây là Cô dâu đại chiến 2, Scandal 2Lôi Báo (2 phim trước dù dở nhưng khá ăn khách, phim sau thì thất bại), Victor Vũ trở lại ngay lập tức với một dự án thậm chí còn lớn... gấp đôi. “Người bất tử” xác lập luôn kỷ lục là bộ phim có kinh phí sản xuất lớn nhất từ trước đến nay (hơn 1,5 triệu USD). Tôi cho rằng, đây là một “phép thử” với dòng phim “bom tấn” của điện ảnh Việt, bởi hầu hết các phim có chất “bom tấn” và đầu tư kinh phí lớn trước đây đều thất bại. Nghe nói cả làng phim Việt im ắng ngồi chờ hiệu ứng của Người bất tử. Phim thành công sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư dám rót tiền cho những dạng phim kiểu này. Phim thất bại, chắc chẳng ai dám làm phim “bom tấn Việt” nữa.

Người bất tử là một bộ phim hoành tráng về bối cảnh, dàn dựng, kỹ xảo mượt mà và có tính giải trí khá cao. Tôi đi xem suất chiếu muộn 10h tối, rạp kín đến dãy ghế hàng B và cả rạp chăm chú theo dõi, hầu như không phát ra tiếng động nào. Nói như thế không có nghĩa là Người bất tử là một bộ phim tốt. Phim vẫn để lộ nhiều điểm hạn chế, đặc biệt là plot (cốt truyện), thiếu liền mạch giữa các cột mốc thời gian. Sự thiếu kết nối giữa các nhân vật, tính chặt chẽ và thuyết phục của tâm lý nhân vật, đặc biệt là Hùng (Quách Ngọc Ngoan) khiến mạch phim nhiều lúc chao đảo và một cái kết “hòa cả làng” khiến phim bị mất điểm.

Xem bộ phim này khiến tôi liên tưởng đến Venom, một phim siêu anh hùng kể về một nhân vật cũng từ “thiện” thành “ác” và bị kẻ xâm nhập chi phối hành động. Có điều Hùng trong Người bất tử là kẻ chủ động đi tìm sức mạnh bùa ngải từ bên ngoài và bị nó thao túng, còn Eddie Brock vô tình bị loài cộng sinh xâm nhập và điều khiển hành vi. Cả hai phim đều có nhiều điểm yếu về cốt truyện, nhưng cả hai đều có tính giải trí cao. Venom thì quá thành công về thương mại rồi, nên tôi cũng hy vọng Người bất tử sẽ là một cú hit của điện ảnh Việt cuối năm. Còn chất lượng thì vừa làm vừa cải thiện thôi.

“First Man” -  Gây xúc động mạnh

Sau Whiplash và La La Land, anh chàng đạo diễn trẻ tuổi nhất từng đoạt giải Oscar là Damien Chazelle (33 tuổi) đã có bộ phim thứ 3 trình làng. First Man tiếp tục là một thành công của Chazelle đối với giới phê bình phim quốc tế và dự báo có ít nhất dăm đề cử Oscar, điều hiếm thấy với một đạo diễn trẻ thuộc thế hệ anh.

Damien Chazelle có vẻ tiết chế hơn về mặt đạo diễn so với 2 phim trước, vì vậy mà phim kén khán giả hơn, nhất là khoảng một nửa thời lượng đầu phim khá mỏi mệt để chờ đợi phần bùng nổ. Nhưng ở nửa sau, với sự tỏa sáng của Claire Foy (vai Janet, vợ của Neil Armstrong), với cảnh đặt chân lên mặt trăng của Armstrong trên nền một bản nhạc giao hưởng hùng tráng (gợi nhớ đến 2001: A Space Odyssey của Stanley Kubrick), phim gây xúc động mạnh, đặc biệt là với quan tâm đến chủ đề chinh phục vũ trụ của người Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh và cột mốc vĩ đại của Neil Armstrong.

Hành trình đặt chân lên mặt trăng của Neil Armstrong được First Man mô tả là một hành trình khắc nghiệt, đòi hỏi phải có sự chính xác tuyệt đối, phải đúng tốc độ, và một sự lơ đễnh có thể dẫn đến cái kết thảm họa. Điều tôi thích nữa ở First Man đối với dòng phim tiểu sử này là Damien Chazelle không cố để hóa trang Ryan Gosling cho giống Neil Armstrong. Ryan vẫn là anh chàng diễn viên điển trai chúng ta thường thấy trong các bộ phim trước. Tức là Damien đủ dũng cảm để không nệ thực, không “nô lệ” cho hình thức bên ngoài, đấy cũng chính là lý do mà tôi đồ rằng anh dám từ bỏ chi tiết gây tranh cãi đối với những người Mỹ theo chủ nghĩa dân tộc: cảnh Neil Armstrong cắm cờ Mỹ trên mặt trăng.

First Man cũng khéo léo lồng ghép một số chi tiết mang tính chính trị vào những năm cuối thập niên 60. Cuộc chiến tranh Việt Nam đang leo thang với vụ khủng hoảng Tết Mậu Thân 1968 (trong phim có cảnh người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng và hô vang “LBJ, hôm nay ông giết bao nhiêu đứa trẻ?”); vụ ám sát Martin Luther King Jr và Bobby Kennedy; các cuộc bạo động nổ ra khắp nước Mỹ năm 1968 khiến nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng... Tuy nhiên, việc Neil Armstrong hạ cánh xuống mặt trăng đã khiến người Mỹ tạm thời ngưng tranh cãi những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc (dù trong một thời gian ngắn) để cùng ngước mắt lên nhìn bầu trời...

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm