Bước chuyển của phim tài liệu về người chuyển giới

Bảo Khánh 21/10/2018 06:55

Cả hai bộ phim đều kể về thân phận của những người đồng tính, chuyển giới của cộng đồng LGBT Việt Nam, nhưng thời điểm ra rạp tại Việt Nam cách nhau tới 4 năm. Khoảng cách 4 năm đó dù là với lý do khách quan, nhưng lại trở thành “hữu ý”, bởi xem hai bộ phim này, ta thấy được một sự thay đổi thực sự trong sự nhận thức của xã hội Việt Nam đối với cộng đồng LGBT.

Phim tài liệu của điện ảnh Việt Nam được trình chiếu tại các rạp và gây hiện tượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thập niên 80 là hai bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy là “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”. Hai bộ phim thuộc thể loại phim tài liệu “Performative documentary” (tạm dịch là dòng phim tài liệu trình diễn) mang tính luận đề, thường được kết nối từ góc nhìn, quan điểm hoặc trải nghiệm của cá nhân đạo diễn để đưa ra quan điểm về những vấn đề thời cuộc, chính trị, văn hóa hay lịch sử. Trần Văn Thủy đã đạt đến độ tài hoa và sâu sắc của thể loại này, qua đó ông trở thành một trong ít đạo diễn nổi bật của điện ảnh Việt Nam ở dòng phim tài liệu.

Phim của ông xem ở thời hiện tại vẫn đầy tính thời sự, đặc biệt là bộ phim “Chuyện tử tế” trong bối cảnh hỗn loạn, xô bồ và mất niềm tin của xã hội ngày nay, nơi mà sự tử tế đang trở thành một thứ “của hiếm”. Hai bộ phim tài liệu của Trần Văn Thủy đã từng gặp “tai nạn”, bị treo vài năm mà không có một cái lệnh nào được đưa ra, bị “xét lại” tư cách nghệ sĩ/công dân. May mắn là sau đó, hai bộ phim này đều được “thông qua” trong thời điểm “cởi trói văn nghệ” của thời đầu Đổi mới và lập tức tạo nên cơn sốt vé tại các rạp chiếu.

Bốn năm trước, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm từng tạo nên một cơn sốt nhỏ khi được phát hành độc lập, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho dòng phim tài liệu trực tiếp được du nhập từ Pháp. Tháng Mười năm nay, “Đi tìm Phong” của đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus tiếp tục tạo nên một cột mốc khi được phát hành thương mại tại các rạp chiếu trên toàn quốc.

Có khá nhiều điểm chung giữa hai bộ phim này. Cả hai bộ phim đều kể về thân phận của những người đồng tính, chuyển giới của cộng đồng LGBT Việt Nam. Cả hai bộ phim đều thuộc dòng phim tài liệu trực tiếp do Varan Việt Nam sản xuất. Cả hai đều được thực hiện khá gần nhau, nhưng thời điểm ra rạp tại Việt Nam cách nhau tới 4 năm. Khoảng cách 4 năm đó dù là với lý do khách quan, nhưng lại trở thành “hữu ý”, bởi xem hai bộ phim này, ta thấy được một sự thay đổi thực sự trong sự nhận thức của xã hội Việt Nam đối với cộng đồng LGBT.

Cá nhân tôi thích “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” hơn, đơn giản bởi nó là một bộ phim nhiều day dứt về “kiếp người” dưới ánh mặt trời trần trụi này. Và hình ảnh đoàn người của chị Phụng lầm lũi đi trong đêm trên con đường làng dưới ánh trăng mờ để lại một tiếng vang về sự buồn thảm và thân phận trôi dạt bất định của họ. Nhưng “Đi tìm Phong” lại là một cuộc cách mạng tươi sáng, một chuyến hành trình đi tìm bản dạng mà nhân vật đã hoàn toàn lột xác cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ở chặng cuối của cuộc hành trình.

“Đi tìm Phong” vì vậy mang một ý nghĩa rất tích cực về mặt xã hội và cho thấy con người Việt Nam đang dần dần cởi mở hơn, chấp nhận hơn với cộng đồng LGBT, bắt đầu từ chính gia đình của họ, “thành trì” đầu tiên nhưng cũng quan trọng nhất đối với những người chuyển giới.

Bảo Khánh