Những dư âm khắc khoải

Thái Minh 16/10/2018 07:23

Trong khung cảnh huyền ảo của những bãi bom ở Quảng Trị, trong ngôi làng nằm ven con đường thông Lào từng là trận địa ác liệt, bốn con người lặp lại những nhịp điệu nhàm tẻ hàng ngày. Sợi dây mỏng manh giữa sự tồn tại và giây phút thăng hoa tâm hồn đã chắp nối thành dư âm khắc khoải về hậu chiến.

Nơi mùa cát vọng

Phố An Hưng, làng Tân Hiệp nằm không xa cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), ven con đường thông Lào từng là chiến địa ác liệt, nơi càn quét của các cuộc ném bom tạo nên những hõm sâu chưa khi nào khô cạn. Bốn người đàn ông lặp lại nhịp điệu đời sống thường ngày bằng những buổi tụ họp trong một ngôi nhà không có cửa. Họ đến, uống rượu, hút thuốc, chơi đàn và hát về tình yêu, về cuộc chiến tranh đã qua. Thanh âm như vọng ra sự hằn học, cay nghiệt đan xen với giây phút thăng hoa của tâm hồn, lấp lún trong sự lặng yên đến sững lại của không gian và thời gian. Họ chờ đợi một điều gì không thể biết. Rồi một ngày điều không thể biết đó bỗng gõ cửa, một người dừng cuộc chơi…

Mùa cát vọng lấy bối cảnh Quảng Trị, nơi còn nặng dư âm của những cuộc ném bom một thời
Mùa cát vọng lấy bối cảnh Quảng Trị, nơi còn nặng dư âm của những cuộc ném bom một thời 

Ý tưởng của phim tài liệu Mùa cát vọng bắt đầu khi Phạm Thu Hằng học ở nước ngoài, câu hỏi về bản sắc, văn hóa, lịch sử trở thành nhu cầu thiết yếu giữa cộng đồng những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhu cầu nhận diện quá khứ dân tộc qua các cuộc chiến tranh thôi thúc đạo diễn trẻ trở về vùng đất Quảng Trị một thời khắc nghiệt, làm phim về những người kiếm sống bằng nghề dò bom mìn còn sót. Mục đích ban đầu không thực hiện được vì nhiều người họ đã bỏ nghề, cơ duyên đưa Hằng tới căn nhà của người đàn ông tên Thanh và gặp các bạn của ông, sau này trở thành nhân vật trong phim. Những con người ấy như bước ra từ văn học, người có mái tóc dài, cao gầy và thường làm thơ; người hay ôm guitar cất lên những tình khúc Trịnh Công Sơn hay những bài ca về người lính; người lãng đãng mơ màng, kẻ hài hước uy mua…

40 năm sau khi chiến tranh khép lại, họ dựng lên một bức tranh cuộc sống theo cách khác. Cuộc sống vẫn tiếp diễn sau những lần họ buộc phải đổi nghề, từ hát trong các quán nhỏ đến đãi vàng, buôn gỗ, rồi trở thành như trong mắt của những người xung quanh, bê tha, nghiện rượu, nghiện thuốc, có vấn đề đầu óc… Phim ghi lại lúc họ ngồi với nhau nhưng mang tới hình ảnh khác, không phải những người đàn ông tụ tập say bét nhè mà là một không gian dung chứa phần hồn chân thực đầy thương tổn của họ. Ở không gian ngôi nhà mà chủ nhân của nó là một kẻ cô độc, không vợ, không con, họ tìm đến, dựa vào nhau mà sống. Những kẻ ai cũng coi là không bình thường, chẳng khác nào bỏ đi, ngồi hát với nhau, như rút ruột, rút gan… Nghĩ về hình ảnh đó, Phạm Thu Hằng chia sẻ, một cách vô thức, chị biết mình đã chọn đúng đường, cho cách nhìn về hậu chiến thông qua những cuộc sống nhàm chán, tù túng.

“Đôi mắt” điện ảnh về thời hậu chiến

 Phim Tài liệu Mùa cát vọng được sản xuất bởi nhà làm phim người Philippine Jewel Maranan, Công ty Cinema is incomplete, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Liên hoan phim tài liệu quốc tế DMZ, Quỹ ADN của LHP Busan, Chợ dự án dành cho phim tài liệu Docsport Incheon (Hàn Quốc), Trung tâm Hà Nội Doclab. Tháng 9 vừa qua phim được trình chiếu tại LHP DMZ, đang tìm hướng phát hành tại Việt Nam.

Thực ra, suốt 95 phút phim, chiến tranh chỉ là cái cớ cho toàn bộ câu chuyện phát triển và giãi bày. Không gian như cô đặc, thời gian như ngừng trôi, câu hỏi về chiến tranh tự nhiên lùi xa, thay vào đó là về sự tồn tại của con người trong không gian đã biết rõ lịch sử. Nói về hậu quả của chiến tranh đã có nhiều tác phẩm, kể cả điện ảnh, nhưng Mùa cát vọng đưa ra cái nhìn xoáy về dư chấn tinh thần. Những con người chưa từng cầm súng song vẫn chịu hậu quả của chiến tranh theo cách không nhìn thấy. Lẽ thường, đau đớn chỉ nhận biết thông qua cảm nhận bao giờ cũng lắt léo và dai dẳng.

Chọn lối thể hiện với tiết tấu chậm, đạo diễn muốn tái hiện chân thực đời sống thường ngày của các nhân vật. Dấu vết quá khứ dường như ngưng đọng, khiến người xem có cảm giác phần dĩ vãng của chiến tranh làm cho con người ở đó không có khao khát, không có nhu cầu hướng về tương lai. “Họ tồn tại được đến giờ, tôi cho rằng cũng vì sức sống của họ rất mạnh, có một cái gì để họ tiếp tục níu kéo, đấy là âm nhạc. Khi chơi đàn, hát là lúc duy nhất họ thực sự sống với tính người. Đó là sợi chỉ mỏng manh mà họ bám vào, để sống”, đạo diễn Phạm Thu Hằng nói.

Những tiếng cười, gây gổ, những giọt nước mắt và nỗi buồn lê thê trong từng thước phim… tạo nên cung bậc cảm xúc cho Mùa cát vọng, đồng thời cũng là thách thức ghê gớm tính kiên nhẫn của người xem. Bản thân đạo diễn phải bỏ ra không ít thời gian. Ý tưởng từ năm 2013 - 2014, tìm tài trợ rồi xen kẽ quay phim mất 4 năm, là khoảng thời gian đủ dài để hiểu và thể hiện cuộc sống ấy bằng điện ảnh tài liệu. Đến giờ, khi phim hoàn thành, hai trong số bốn người đàn ông đã rời cuộc rong chơi miệt mài, một người qua đời khi phim đang bấm máy. Kịch bản được chỉnh sửa ngay hiện trường hẳn đã kể câu chuyện theo cách riêng của nó.

Một bộ phim không trực tiếp liên quan đến quá khứ, nhưng vẫn mang bóng dáng của chiến tranh, mượn ngôn ngữ điện ảnh để nói lên những điều đáng nói.

Thái Minh