Bài 1: Tránh gián đoạn trong giải quyết hồ sơ

TRẦN VĂN 16/10/2018 07:20

Giám sát tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn, cụ thể là việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý vấn đề chưa thống nhất về thành phần hồ sơ đầu vào đối với một số TTHC; điều chỉnh Quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm, sớm ban hành các quy định liên quan đến chế độ, mức thu... thuộc thẩm quyền, tránh gián đoạn, ảnh hưởng đến giải quyết hồ sơ theo quy trình.

Cắt giảm thời gian thực hiện

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, nhìn chung, các danh mục TTHC về đất đai thuộc thẩm quyền đều được chuẩn hóa công bố đúng trình tự, thủ tục, kết cấu cũng như nội dung theo quy định. Việc tổ chức thực hiện các quy định trong thành phần hồ sơ, cách thức và trình tự thực hiện của từng TTHC cơ bản bảo đảm quy định. Qua rà soát, đã cắt giảm thời gian thực hiện từ 1/3 - 1/2 so với quy định của Trung ương đối với thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất lần đầu mà chủ sở hữu không đồng thời là người sử dụng đất; thủ tục đăng ký đất đai lần đầu đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý, đăng ký biến động đất đối với doanh nghiệp tư nhân.

HĐND tỉnh Khánh Hòa giám sát cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai tại huyện Khánh Vĩnh Ảnh: P. Anh
HĐND tỉnh Khánh Hòa giám sát cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai tại huyện Khánh Vĩnh
Ảnh: P. Anh

Thực hiện liên thông, ghép nối 19 TTHC về đất đai có mối liên hệ chặt chẽ với nhau để giải quyết trong một quy trình cho phép cá nhân, tổ chức chỉ nộp hồ sơ một lần để giải quyết đồng thời nhiều yêu cầu công việc. Sở TN - MT đã xây dựng 38 quy trình mẫu giải quyết TTHC về đất đai theo cơ chế một cửa liên thông để UBND các huyện, thị, thành phố cập nhật, áp dụng thống nhất, đồng bộ.

Xử lý việc chưa thống nhất về hồ sơ đầu vào

Đoàn giám sát nhận thấy, các tờ khai thuế về đất đai có nhiều thông tin, thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, hoặc thông tin không cần thiết; có nhiều mẫu đơn trùng lặp. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có yếu tố nước ngoài trong một số trường hợp chưa thực hiện việc hợp thức hóa lãnh sự; chưa thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế để xác định người thừa kế hợp pháp.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhận dư thành phần hồ sơ so với quy định tại các địa phương. Theo phản ánh của các địa phương, đơn vị, do sự không thống nhất về thành phần hồ sơ đầu vào đối với TTHC liên quan đến cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (giữa Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19.5.2014 của Bộ trưởng Bộ TN - MT, với Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT-BTC-BTNMT ngày 22.6.2016 của Bộ Tài chính, Bộ TN - MT). Vì vậy, khi hồ sơ chuyển qua, cơ quan thuế chuyển trả lại và yêu cầu bổ sung.

Thông tư của Bộ TN - MT không yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp các tờ khai thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch lại quy định các tờ khai thuế vẫn là một giấy tờ phải nộp trong thành phần hồ sơ đất đai theo quy định của liên ngành tài chính - tài nguyên và môi trường.

Đoàn giám sát nhận thấy, Khoản 2, Điều 156, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực, thông tư liên tịch giữa bộ, cơ quan ngang bộ không nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 172, của Luật này cũng quy định: Thông tư liên tịch giữa bộ, cơ quan ngang bộ là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày 1.7.2016 thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ, hoặc được thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác. Đây cũng là bất cập cho các cơ quan triển khai áp dụng pháp luật trên thực tế.

Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý vấn đề chưa thống nhất về thành phần hồ sơ đầu vào đối với TTHC liên quan đến cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất để tạo thuận lợi cho người dân.

Không để ảnh hưởng đến giải quyết hồ sơ

Theo phản ánh của các địa phương, đơn vị qua giám sát, Quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm của UBND tỉnh Khánh Hòa thời gian qua thường ban hành chậm (khoảng 3 tháng so với quy định là ngày 1.1 hàng năm), dẫn đến khó khăn trong giải quyết các hồ sơ nhà đất trong khoảng thời gian từ ngày 1.1 của năm đến ngày các đơn vị nhận được quyết định điều chỉnh hệ số giá đất, vì không có cơ sở để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Theo quy định, trong khoảng thời gian UBND tỉnh chưa ban hành Quyết định điều chỉnh hệ số giá đất hàng năm, các địa phương, đơn vị vẫn áp dụng hệ số giá đã ban hành của năm trước đó. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 76/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất UBND cấp tỉnh ban hành sau khi xin ý kiến của Thường trực HĐND cùng cấp”. Đối với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018, ngày 30.3.2018, tại Công văn số 87/HĐND, Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến thống nhất. Tuy nhiên, Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND lấy ngày ký là ngày 21.12.2017 - trước thời điểm Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến là không phù hợp.

Bên cạnh đó, Khoản 1, Điều 4, Quyết định số 29 quy định: “Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 đến hết ngày 31.12.2018”. Xét về hình thức của văn bản là phù hợp, vì ngày ký là ngày 21.12.2017, nhưng trên thực tế, Quyết định này ban hành sau ngày 30.3.2018 - sau thời điểm Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến. Quy định này dẫn đến hệ lụy, các địa phương, đơn vị phải truy thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2018 đến ngày nhận được Quyết định này; Quyết định số 29 đã vi phạm Khoản 3, Điều 152, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thuộc trường hợp không được quy định hiệu lực về trước của văn bản quy phạm pháp luật.

Vì vậy, Đoàn giám sát đã đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét điều chỉnh các nội dung trong quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm, sớm ban hành các quy định liên quan đến chế độ, mức thu... thuộc thẩm quyền, tránh gián đoạn, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ theo quy trình.

TRẦN VĂN