NAFTA 2.0 - thành công thương mại hay chính trị?

Đạt Quốc 15/10/2018 08:40

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi Thỏa thuận Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) hay còn gọi là NAFTA phiên bản 2.0, là thỏa thuận tuyệt vời nhất ông từng ký kết. Tuy nhiên, văn kiện này có thực sự là thỏa thuận thương mại cho thế kỷ XXI hay chỉ là sự thỏa mãn về chính trị đối với Tổng thống Donald Trump?

Quan sát từ đầu nhiệm kỳ tới nay, người ta có thể dễ dàng nhận ra một chiến thuật của Tổng thống Donald Trump: Ánh sáng chỉ ở cuối đường hầm. Đó là cách ông đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên trở nên tồi tệ chưa từng có với lời đe dọa trút xuống Bình Nhưỡng “hỏa lực và cơn thịnh nộ”, trước khi tươi cười và bắt tay với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Những gì trước đó quá tệ đến mức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể được coi là bước đột phá vĩ đại, dù nó tạo ra ít bước ngoặt trên thực tế. Tương tự với USMCA. Như Eswar Prasad chỉ ra, ngoài việc được đặt cho một cái tên mới thì NAFTA 2.0 không có quá nhiều ý nghĩa về mặt thương mại. Tuy nhiên, một cách công bằng, văn kiện này bên cạnh một cái tên mới, cũng có 4 điểm mới so với phiên bản trước đó.

NAFTA 2.0 có gì mới?

Điểm mới đầu tiên là thỏa thuận yêu cầu 75% nội dung của bất kỳ ô tô nào được nhập khẩu vào Mỹ (thay vì 62,5% như trước) phải được thực hiện ở Bắc Mỹ. Thêm vào đó, từ 40 - 45% số phụ tùng nói trên phải do công nhân có mức lương “ít nhất là 16 USD/giờ” sản xuất, con số cao hơn mức lương trung bình ở Mexico.

Mục đích của chính quyền Trump là giúp các nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Mỹ bằng cách hạn chế phụ tùng ô tô giá rẻ từ châu Á; cũng như hạn chế việc các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng nhân công giá rẻ ở Mexico để sản xuất linh kiện. Tuy nhiên, ngoài mang lại lợi ích cho công nhân trong lĩnh vực ô tô Mỹ thì điều khoản này không thực sự tốt cho người Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn cho ô tô; nguy cơ gián đoạn các chuỗi cung ứng hiệu quả hiện tại, thậm chí có thể khiến ngành công nghiệp ô tô của Mỹ trở nên tồi tệ hơn vì nó làm suy yếu khả năng cạnh tranh quốc tế của Bắc Mỹ.

Thay đổi nổi bật thứ hai là nhượng bộ của Canada trong lĩnh vực sữa. Theo đó, Canada chấp nhận cho Mỹ tiếp cận tới 3,6% thị trường sữa của mình, với giá trị tương đương khoảng 70 triệu USD. Sự thay đổi này đáng chú ý vì cả Mỹ và Canada từ lâu đã bảo vệ nông dân chăn nuôi bò sữa khỏi sự cạnh tranh. Tuy nhiên, một cách chi tiết thì nhượng bộ này, tương đương 0,00003% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ, sẽ không có tác động nào quá rõ rệt tới cán cân thương mại của nước này. Trên thực tế, người tiền nhiệm của ông Trump là ông Obama đã có được sự nhượng bộ tương tự từ Canada vào năm 2015 khi các bên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu so sánh với TPP, Mỹ có thể đã có nhiều lợi thế hơn. Trong USMCA, Mỹ đồng ý cho Canada tiếp cận thị trường sữa của mình cũng như hai khu vực nông nghiệp được bảo vệ cao nhất là đậu phộng (bao gồm cả đậu phộng đã chế biến) và đường (bao gồm đường thành phẩm). Trong khi đó, nếu ở TPP, 9 quốc gia vùng vành đai Thái Bình Dương bao gồm cả Việt Nam đều cam kết giảm phần lớn rào cản đối với xuất khẩu của Mỹ.

Điểm mới thứ ba, cơ quan giải quyết xung đột - được thành lập trong khuôn khổ thỏa thuận NAFTA hiện hành - sẽ tiếp tục hoạt động. Washington muốn xóa cơ chế độc lập này, trong khi đó, với Ottawa, đây là điểm không thể nhân nhượng vì đó là công cụ đáng tin cậy duy nhất để phản đối các biện pháp thuế mà Mỹ áp đặt.

Điểm cuối cùng liên quan đến điều khoản hết hiệu lực, theo đó, cứ 6 năm (thay vì 5 năm như yêu cầu của Tổng thống Trump), 3 nước sẽ họp bàn về tương lai của thỏa thuận thương mại. Thỏa thuận này sẽ mất hiệu lực sau 16 năm, nếu không được thương lượng lại hoặc không tiếp tục triển khai.

Vũ khí trong cuộc chiến thương mại

Tổng thống Trump gọi USMCA là thỏa thuận tuyệt vời nhất được ký kết. Đây sẽ là một tuyên bố tự phụ nếu nhìn ở góc độ thương mại, nhưng ở góc độ chính trị thì không. Bởi thực tế, đây là một trong những vũ khí quan trọng trong cuộc so găng với Trung Quốc.

Bằng chứng là, chỉ trong vài tuần qua, Tổng thống Trump đã nhanh chóng giải quyết khá ổn thỏa tranh chấp với những đối thủ cạnh tranh thương mại lớn, bao gồm: Ký thỏa thuận vào phút chót với Canada và Mexico, ký thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và thuyết phục Nhật Bản bắt đầu các cuộc đàm phán kinh tế song phương. Giới chuyên gia nhận định, điều này khắc họa rõ nét hơn chính sách thương mại cứng rắn của Washington với Bắc Kinh, để đòi lại công bằng.

Trong nội dung USMCA có một điều khoản đặc biệt cho phép Washington phủ quyết đối với bất kỳ nỗ lực nào của Canada hoặc Mexico có thỏa thuận thương mại tự do với một nền kinh tế phi thị trường. Nếu 1 trong 3 nước tham gia ký FTA với một quốc gia “phi thị trường”, một trong hai thành viên còn lại có quyền chấm dứt USMCA.

Như vậy, rõ ràng Washington đã luôn nghĩ đến Trung Quốc khi họ đàm phán thỏa thuận thương mại mới với Mexico và Canada. Mặc dù quy định này không nêu tên quốc gia cụ thể nào, nhưng người ta dễ dàng hiểu rằng, Trung Quốc đang là mục tiêu bị nhắm tới. Tờ SCMP nhận định, điều khoản này đã tạo ra mối đe dọa lớn đến vị trí của Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó, Mỹ còn đưa vào những điều khoản để chặn các sản phẩm từ Bắc Kinh muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ thông qua các nước láng giềng, đặc biệt là điều khoản yêu cầu 75% nội dung của ô tô nhập khẩu vào Mỹ phải có xuất xứ từ Bắc Mỹ hoặc các nước có nhân công cao hơn 16 USD/giờ.

Những nội dung này có thể còn làm giảm đáng kể sức mạnh đàm phán của Bắc Kinh với các hiệp định thương mại trong tương lai. Nếu Mỹ đưa điều khoản tương tự vào FTA đang đàm phán với EU và Nhật Bản, thì Trung Quốc gần như sẽ rơi vào trạng thái bị cô lập về kinh tế, khi đây là những đối tác thương mại lớn với Bắc Kinh, cũng là những tia hy vọng bù đắp tổn thương thương mại khi đối đầu với Mỹ.

Lá bài chính trị

Với cá nhân Tổng thống Trump, thỏa thuận là một chiến thắng quan trọng củng cố vị thế của chính quyền đương nhiệm trong thời khắc then chốt khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ đang cận kề. Nó như “tấm vé bảo đảm” cho thấy hiệu quả của chiến lược thương mại mà ông Trump đang theo đuổi trong khu vực, hứa hẹn sẽ lôi kéo sự ủng hộ của cử tri đối với đảng Cộng hòa. Mục tiêu tối cao của ông Trump khi yêu cầu đàm phán sửa đổi NAFTA là cắt giảm thâm hụt thương mại Mỹ và thực thi chủ trương “Nước Mỹ trên hết”. Bên cạnh đó, việc bảo toàn được NAFTA cũng giúp Tổng thống Trump tránh được sự phản đối từ Quốc hội Mỹ, vốn sẽ không ủng hộ bất kỳ thỏa thuận thương mại nào không có đủ ba thành viên khu vực là Mỹ, Canada và Mexico. 

Đạt Quốc