Bài cuối: Không tinh gọn, sáp nhập cơ học

Thanh Hà 03/10/2018 17:07

“Năm 2018, Bắc Kạn rà soát lại tất cả các xã, phường, thị trấn không đủ một trong hai yếu tố là diện tích và dân số. Đồng thời rà soát cả những xã, phường đủ tiêu chí về cả dân số và diện tích mà thuận lợi về kinh tế và các yếu tố khác để nghiên cứu sáp nhập. Đấy là điểm khác biệt, là điều Bắc Kạn trăn trở, tìm tòi trong sáp nhập để tạo không gian phát triển thuận lợi. Khi đã phát triển rồi thì phải mặc bộ quần áo mới hơn để vừa vặn trong quản lý điều hành chứ không phải cứ phải thiếu cái này cái kia mới sáp nhập.”- Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu nhấn mạnh.

Bài bản, cẩn thận, chi tiết

Cán bộ không chuyên trách cấp xã trước kia khoảng 2.700 người, bây giờ chỉ còn 976 người. Vậy 976 người này phải tìm được những người thật sự năng động, sáng tạo và dày dặn trong các công tác để đảm nhận công việc. Và các công việc không chỉ dừng lại ở “ngày xưa” mà còn phải khá hơn, như thế mới đạt được mục đích. Đây là một quá trình có sự chỉ đạo và hướng dẫn một cách chi tiết thì sẽ thành công. Và Bắc Kạn cũng sẽ yêu cầu từng huyện xây dựng lại các kế hoạch, lộ trình và Sở Nội vụ sẽ trực tiếp chỉ đạo từng đơn vị để đúng theo đề án. - Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu

Khi tinh gọn bộ máy ở cấp tỉnh thì không thể làm một cách cơ học, sáp nhập các sở ngành, phòng chuyên môn cũng không phải vậy. Đây là cách nghĩ, cách làm từ thực tiễn từng địa phương. Mạnh dạn, quyết liệt, bám sát Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội nhưng không trì trệ, làm qua loa, ngại động chạm quyền lợi. Bắc Kạn nghiên cứu kỹ những sở ngành nào tương đồng về chức năng, nhiệm vụ thì xem xét sáp nhập, không phải sáp nhập để hoàn thành bộ máy nhưng biên chế không giảm. Khi sáp nhập bộ máy xong phải đi đôi xây dựng lại vị trí việc làm cho phù hợp.

Việc thực hiện Nghị quyết của HĐND Bắc Kạn về Đề án tinh gọn bộ máy những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố cũng như vậy, không thể làm một cách cơ học. Trước hết là vấn đề cán bộ không chuyên trách trước kia đông nhưng bây giờ giảm đi thì rõ ràng phải là cả một vấn đề về tổ chức giải quyết người đi, người ở như thế nào. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu, phải lựa chọn làm sao để 3 chức danh cứng về chính quyền, về đảng phải chọn được những người năng động, nhiệt tình và tâm huyết là nhân tố quyết định. Và Bắc Kạn làm hết sức bài bản, cẩn thận, chi tiết ở từng cơ sở.

Việc tinh giảm, gọn  bộ máy thì đồng thời cũng phải tinh gọn lại vị trí việc làm để có hiệu lực, hiệu quả. Đây  vừa là vấn đề khoa học về tổ chức, về sử dụng con người, vừa là vấn đề khó giải quyết ngay và tưởng như mâu thuẫn khi con người giảm, bộ máy gọn mà hiệu lực, hiệu quả lại phải cao hơn. Nếu làm bộ máy theo cơ học nhưng biên chế không giảm thì cũng không đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Nhưng cũng không thể lấy con số giảm làm thành tích, kết quả. Điều cốt lõi vẫn là hiệu quả, hiệu lực của bộ máy chính quyền phục vụ nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Bản Pác Ngòi – biểu tượng văn hóa của núi rừng Bắc Kạn. (Ảnh nguồn: ITN)
Bản Pác Ngòi – biểu tượng văn hóa của núi rừng Bắc Kạn. (Ảnh nguồn: ITN)

Tôn trọng lịch sử và ý nguyện của người dân

Khi triển khai đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay tới năm 2021 tại tỉnh Bắc Kạn thì yêu cầu đầu tiên là phải tôn trọng lịch sử và ý nguyện của người dân. Đây là vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn ở Bắc Kạn. Điều này được nghiên cứu, bổ sung, xin ý kiến các cấp để thực hiện thống nhất về những điểm đặc thù phát sinh. Không chỉ sắp xếp theo tiêu chí diện tích và dân số mà bỏ qua đặc thù văn hóa, lịch sử. Không thể sáp nhập các xã, thôn một cách cơ học như vậy sẽ vương mắc trong thực thi.

Đi từ thực tế cụ thể của địa phương, ông Ma Xuân Thu cho biết: thôn bản người Mông, người Dao và người Kinh thì hai dân tộc người Kinh với Dao sáp nhập thuận lợi, nhưng với người Mông thì họ có nét đặc thù là muốn sống độc lập. Mặt khác đặc thù về văn hóa, đặc biệt là về tôn giáo thì không bắt buộc phải sáp nhập cơ học. Nhưng với những thôn có đủ diện tích hoặc dân số đạt nhưng mà sáp nhập tạo thuận lợi cho phát triển và nhân dân đồng tình  thì Sở Nội vụ vẫn trình HĐND tỉnh để sáp nhập. Như thế vừa bảo đảm các yếu tố văn hóa, truyền thống và những nét dân tộc, vừa phù hợp với quy định hiện hành.

Hiện, Bắc Kạn đã rà soát khoảng 23 xã, thị trấn không đủ diện tích hoặc không đủ dân số. Ở Bắc Kạn chủ yếu là không đủ dân số, còn diện tích thì không thiếu nhiều. Khi sáp nhập 1 xã hoặc 3 xã làm một có rất nhiều bất cập. Thứ nhất, khi sáp nhập 3 xã làm một thì 2 trụ sở còn lại sẽ dư thừa, trong khi đó trụ sở mới thành lập ở 1 xã thì lại thiếu phòng làm việc. Thứ hai, đội ngũ cán bộ nếu dồn 3 xã sẽ chỉ còn 1 chủ tịch UBND, 1 chủ tịch HĐND, 1 chủ tịch Mặt trận Tổ quốc… Rõ ràng sẽ dư thừa các cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn. Mục đích của sáp nhập là vừa tinh gọn được bộ máy nhưng phải phục vụ được dân doanh. Nếu bộ máy khi sáp nhập mà phục vụ dân doanh không tốt thì có nhất thiết phải sáp nhập không? Chỉ khi nào người dân đồng tình từ 51% trở lên Bắc Kạn mới thực hiện. “Trụ sở ngày xưa rất gần, giải quyết hồ sơ rất nhanh, hộ khẩu, hộ tịch, đăng ký khai sinh, khai tử chỉ trong 30 phút – 1 giờ đổ lại, bây giờ lên đến 3-4 giờ đồng hồ chẳng hạn thì người dân không ủng hộ. Mà người dân không ủng hộ thì mình cũng chẳng dại gì ép một cách cơ học để sáp nhập.”- Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu nói.

Sự đồng thuận của người dân sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở Bắc Kạn. Đó là nguyên tắc trong vận hành, triển khai Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, HĐND tỉnh thể hiện sự tôn trọng ý nguyện của người dân, lấy dân làm gốc, làm mục tiêu phục vụ. Đây là cách làm bám sát thực tiễn ở Bắc Kạn.

>> Bài 1: Lặng lẽ đi đầu

>> Bài 2: Lấy đại sự làm thước đo phát triển

Thanh Hà