Điều trần ở Thượng viện và cuộc chiến tại Tối cao Pháp viện

Quốc Đạt 29/09/2018 08:32

Thượng viện Mỹ vừa chứng kiến buổi điều trần dài bất thường và đầy cảm xúc liên quan đến việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao. Tại sao vụ việc được quan tâm và có ý nghĩa đặc biệt đến thế đối với Chính quyền Tổng thống Donald Trump vào thời điểm hiện nay?

Quyền lực của Tối cao Pháp viện

Tòa án Tối cao (Tối cao Pháp viện) là tòa án liên bang cao nhất tại Hoa Kỳ, có thẩm quyền tối hậu trong giải thích Hiến pháp, và có tiếng nói quyết định trong các vụ án liên bang, cùng với quyền tài phán chung thẩm. Là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp trong chính quyền Mỹ, Tối cao Pháp viện là tòa án duy nhất được Hiến pháp Mỹ lập ra. Tất cả tòa án liên bang khác đều do Quốc hội thành lập.

Cơ quan này gồm 12 thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời. Điều đó có nghĩa là những nhân vật quyền lực này có quyền tham gia xét xử trong hàng chục năm, ảnh hưởng vô cùng lớn đến xã hội Mỹ. Đó là lý do bổ nhiệm thẩm phán mới là việc trọng đại đối với bất kỳ Tổng thống Mỹ nào. Nhưng người được Tổng thống đề cử còn phải đi qua cánh cửa hết sức ngặt nghèo: Thượng viện Mỹ.

Sau khi thẩm phán Anthony Kennedy tuyên bố nghỉ hưu cuối tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump có trách nhiệm tìm kiếm nhân vật thay thế và thẩm phán Brett Kavanaugh được chọn. Ông Kavanaugh là nhân vật có lập trường bảo thủ. Nếu ông được bổ nhiệm, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ gần như hoàn toàn thiên về cánh hữu, điều sẽ tác động tới chính trường Washington nhiều thập kỷ tới. Đó chính là lý do các thượng nghị sĩ phe Dân chủ cam kết sẽ chống lại quyết định bổ nhiệm ông. Đảng Cộng hòa đang nắm giữ 51/100 ghế tại Thượng viện, có nghĩa chỉ cần 2 nghị sĩ đảng này “đào ngũ” cũng đủ để vô hiệu hóa quyết định bổ nhiệm thẩm phán Brett Kavanaugh.

Ông Kavanaugh thể hiện sự quyết liệt trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm 27.9
Ông Kavanaugh thể hiện sự quyết liệt trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm 27.9

Bê bối hay chiêu bài chính trị?

Tuy nhiên, ngay trước thời điểm diễn ra các cuộc điều trần quan trọng tại Thượng viện, ông Kavanaugh bị cáo buộc từng tấn công tình dục một nữ sinh cách đây 36 năm. Nạn nhân là bà Christine Blasey Ford, 51 tuổi, hiện là giáo sư ngành tâm lý học lâm sàng tại ĐH Palo Alto, bang California. Ngày 27.9 (giờ Mỹ), cả bà Ford và ông Kavanaugh đã có cuộc điều trần trước Thượng viện về vụ việc này.

Với giọng nói đôi lúc nấc nghẹn đầy cảm xúc, bà Ford lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng để tường thuật chi tiết cáo buộc chống lại ông Kavanaugh. Bà quả quyết 100% rằng ông Brett Kavanaugh đã tấn công tình dục bà tại một trại thanh thiếu niên ở Maryland khi ông 17 tuổi và bà chỉ 15 tuổi, vào năm 1982 .

Trong khi đó, tự nhận là nạn nhân “vụ hạ bệ rõ ràng và nực cười”, ứng viên Tòa án Tối cao Kavanaugh đã xúc động tới mức rơi nước mắt, nói rằng ông “dứt khoát và chắc chắn” bác bỏ mọi cáo buộc của bà Ford. Bên cạnh đó, ông Kavanaugh cũng từ chối các cáo buộc khác về hành vi tình dục sai trái của mình từ những năm 1980 do hai phụ nữ khác tố cáo nhưng không xuất hiện trước phiên điều trần. Ông cho rằng tất cả đều “luẩn quẩn và giả dối”. Ông ám chỉ các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, nói rằng mình là nạn nhân của “cuộc tấn công chính trị được sắp xếp và tính toán”.

Kết thúc buổi điều trần, Tổng thống Donald Trump đã đăng dòng trạng thái trên Twitter thể hiện sự ủng hộ đối với ứng cử viên mà ông đề cử. Ông viết: “Thẩm phán Kavanaugh đã cho thấy lý do chính xác tại sao tôi đề cử ông ấy. Lời khai của ông hết sức mạnh mẽ, trung thực và đáng được tán dương. Chiến thuật tìm và diệt của Đảng Dân chủ thực sự đáng hổ thẹn. Quá trình này là giả mạo và là nỗ lực để trì hoãn, cản trở. Thượng viện phải bỏ phiếu”.

Chỉ còn 6 tuần nữa diễn ra bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, ngày 6.11, vì thế, vụ điều trần có ý nghĩa vô cùng quan trọng và mang tính quyết định đối với đề cử của ông Trump. Bởi nếu để đến sau cuộc bầu cử, thành phần của Thượng viện có thể thay đổi theo hướng bất lợi đối với đảng Cộng hòa.

Số phận trên bàn cân

Sau cuộc điều trần ngày 27.9, Ủy ban Tư pháp Thượng viện, nơi phe Cộng hòa nắm giữ 11/21 ghế, cũng nhóm họp ngày 28.9 để xem xét các cáo buộc. Nếu ông Kavanaugh qua được “cửa ải” này, đề cử của ông mới được giới thiệu ra phiên toàn thế của Thượng viện, dự kiến ngày 29.9 (giờ Mỹ).

Hiện có 4 thượng nghị sĩ vẫn chưa tỏ rõ lập trường và lá phiếu của họ sẽ quyết định số phận ông Kavanaugh. Ba trong số đó là thành viên Cộng hòa, trong đó có thượng nghị sĩ Jeff Flake, người sẽ không tranh cử nhiệm kỳ mới, đồng nghĩa với việc không có áp lực phải tuân theo ý chí của đảng. Hai lá phiếu quan trọng khác là của Susan Collins và Lisa Murkowski, hai nữ nghị sĩ từng có tiền lệ phá vỡ kỷ luật đảng. Nhân vật cuối cùng là thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin, đang trong chiến dịch vận động tái cử ở West Virginia, bang đã bỏ phiếu ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016.

Vụ việc lần này đã một lần nữa phơi bày tình trạng phân hóa chính trị trên chính trường Mỹ và nó càng được làm ầm ĩ trong bối cảnh cả hai đảng đang bước vào chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử giữa kỳ; cũng như trong bối cảnh phong trào Metoo chống lạm dụng và tấn công tình dục trở thành xu hướng toàn cầu. Những yếu tố này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quyết định của Thượng viện Mỹ.

Đối với phe cánh tả Mỹ, chắc chắn rằng, một khi đề cử Kavanaugh được thông qua, Tối cao Pháp viện Mỹ sẽ trở thành cơ quan thiên hữu trong nhiều năm tới, ảnh hưởng rất lớn đến những quyết định của cơ quan này về các vấn đề xã hội mà Mỹ đang phải đối mặt như nạo phá thai, nhập cư, quyền của người đồng tính…

Quốc Đạt