Chất lượng là “chìa khóa”

Đức Hiệp 23/09/2018 08:19

Hiện nay, nông sản sạch là xu thế tất yếu của thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông sản sạch ở nước ta còn khá manh mún, hạn chế. Các kênh phân phối vẫn chật vật để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng…

Nhiều hạn chế

Theo thống kê của Bộ NN - PTNT, hiện cả nước có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh thành phố trên cả nước với sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè, thịt và thủy sản các loại… Khả năng cung ứng của ngành nông nghiệp rất lớn nhưng trên thực tế, nông sản, thực phẩm an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại, còn thiếu các địa chỉ cung ứng tin cậy khiến người tiêu dùng ít cơ hội tiếp cận. Bên cạnh đó, việc thiếu ổn định về nguồn cung, chất lượng các mặt hàng, liên kết lỏng lẻo giữa người sản xuất với doanh nghiệp phân phối, cùng với việc sản xuất tự phát không tính tới nhu cầu thị trường đang là những vướng mắc khiến cho việc tiêu thụ nông sản nói chung và nông sản sạch nói riêng những năm qua chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, hiện nay, một số trang trại, nông hộ, doanh nghiệp lựa chọn con đường canh tác theo phương pháp hữu cơ hoặc sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn quy định. Mặc dù vậy, hiện nay việc phát triển sản xuất nông sản sạch vẫn khá manh mún, nhỏ lẻ, hạn chế ở tất các khâu từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ.

Mặt khác, chủ yếu lượng nông sản sạch đang được tiêu thụ trên thị trường đều do tiểu thương mua trực tiếp của người sản xuất theo giá thỏa thuận, tỷ lệ giao dịch mua bán qua hợp đồng hoặc cam kết tiêu thụ sản phẩm rất thấp, tính pháp lý không cao và dễ bị vi phạm. Điều này cho thấy, nông sản đang bị phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Người sản xuất thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị tư thương ép giá hoặc rơi vào tình trạng được mùa - mất giá, cung vượt cầu dẫn đến không tiêu thụ được, tồn đọng kéo dài làm giảm chất lượng của nông sản sạch. Thực trạng trên ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả sản xuất, tâm lý của nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp… những yếu tố ấy khiến ngành nông nghiệp sạch của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Theo chuyên gia nông nghiệp Từ Thị Tuyết Nhung, phần lớn người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại về tính minh bạch của các sản phẩm được giới thiệu là thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ. Khi người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng về tính minh bạch về nguồn gốc của sản phẩm và các kết quả về chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch… thì sẽ quay lại tiêu thụ những nông sản được trồng theo cách thông thường, bày bán nhiều ở các chợ truyền thống, do có giá cả cạnh tranh hơn.

Cần giải pháp đồng bộ

Thực tế cho thấy, nhu cầu về các mặt hàng nông sản sạch hàng năm luôn gia tăng. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản sạch của nước ta vẫn đang lép vế và thiếu sức cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu. Vì thế, để giành được niềm tin của khách hàng và mở rộng thị trường, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị nông sản sạch, an toàn phải được đầu tư bài bản và có chiến lược xây dựng thị trường hiệu quả.

Điều đầu tiên cần làm để giải quyết bất cập, khơi thông điểm nghẽn là phải lấy tiêu chuẩn thị trường làm thước đo, từ đó nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của các sản phẩm. Nói về vấn đề này, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Chất lượng cao chính là “chìa khóa” phát triển thị trường cho nông sản sạch Việt Nam. Bởi chất lượng sản phẩm chính là giá trị cốt lõi, cùng với sự rõ ràng minh bạch về nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn các loại nông sản.

Tuy nhiên, làm gì để có thể nâng cao, kiểm soát quá trình sản xuất sạch một cách chặt chẽ và đánh giá đúng giá trị của nông sản sạch so với các nông sản thông thường khác vẫn là vấn đề cần được bàn đến. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai kết nối cung ứng nông sản sạch từ các nông hộ đến tay khách hàng có ý nghĩa rất quan trọng trong mở rộng thị trường. Điều này giúp gia tăng niềm tin của người tiêu dùng với mặt hàng nông sản sạch, mặt khác đảm bảo quyền lợi của người dân tiêu dùng thực phẩm, nông sản sạch. Trong thực tế, có lẽ điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào tạo lập, duy trì liên kết giữa nông hộ với các kênh phân phối một cách bền vững để đưa nông sản chất lượng đến tay người tiêu dùng. Tránh hiện tượng phá vỡ hợp đồng hay bán ra các nông sản bẩn, kém chất lượng… 

Đặc biệt, muốn phát triển nền nông nghiệp sạch một cách quy mô, thị trường lớn và bền vững, không thể thiếu vai trò kiến tạo của Nhà nước thông qua việc ban hành các chính sách mang tính tổng hợp. Theo nhiều chuyên gia, để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông sản sạch, Nhà nước, các bộ, ngành chức năng cần gia tăng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân, nhà sản xuất tham gia vào sản xuất nông sản sạch. Theo đó, cần có gói chính sách hỗ trợ tài chính để cải thiện năng lực sản xuất của nông hộ và doanh nghiệp sản xuất cũng như thu mua sản phẩm. Hay như cần cải cách các hiệp hội ngành hàng; thúc đẩy mối quan hệ hợp tác công - tư trong liên kết chuỗi. Quy hoạch vùng sản xuất nông sản theo hướng tập trung, hiện đại. Đồng thời tăng cường liên kết các viện, trường với doanh nghiệp tạo điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất mới cho người dân.

Đức Hiệp