Hơi thở làng quê

Thảo Nguyên thực hiện 13/09/2018 08:29

Sáng tạo các tác phẩm mang đậm dấu ấn với chất liệu ít người theo đuổi là bút sắt, họa sĩ Lê Mai đã đưa người xem qua từng miền quê, từ phố núi Hà Giang tới nhà rông Tây Nguyên; từ phong cảnh đồng bằng Bắc Bộ thanh bình với cổng làng, chùa chiền, đến miền biển hoang sơ thuyền bè xếp lối...

- Trong triển lãm “Mảnh hồn làng” đang diễn ra tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội (đến ngày 14.9), người ta có thể thấy rõ hai mảng lớn trong các tác phẩm của ông…?

Hơi thở làng quê ảnh 1
“4 lần triển lãm “Mảnh hồn làng”, tôi vẽ bút sắt trên giấy, triển lãm lần thứ 5 tôi giới thiệu các tác phẩm thử nghiệm vẽ bút sắt trên toan - chất liệu hay dùng vẽ sơn dầu. Vẽ xong tôi từng nhúng tranh vào nước và thấy nó có khả năng giữ màu rất tốt. Bút sắt vẽ trên toan có sức bền và biểu hiện mạnh hơn, cho phép người vẽ dùng những nét phác mạnh mà không bị rách như giấy. Tuy nhiên, cái khó là toan có sợi vải đan nhau, không phẳng như giấy, nếu người vẽ không điều chỉnh cây bút thì chỗ đậm chỗ nhạt...”.

Làng quê thân yêu gắn bó với tôi từ thời thơ bé, trở thành máu thịt theo tôi đi suốt cuộc đời. Tôi rời làng, ra đi theo lời bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao, được hai lần cầm súng, 6 năm ở chiến trường Quảng Trị, 4 năm chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Khi ra mặt trận, tôi nhớ quê hương; khi trở về, tôi lại nhớ đồng đội. Do đó, làng quê và chiến trường là hai đề tài cốt lõi thôi thúc tôi vẽ tranh.

- Trong số những tác phẩm về làng quê được giới thiệu tại triển lãm lần này, có bức ký họa từ những năm 1960 - 1970 khi ông còn cầm súng chiến đấu, và mới được hoàn thành gần đây. Điều gì khiến ông gắn bó với đề tài này như vậy?

- Tôi sinh ra trên những luống cày ở làng quê xứ Thanh, lớn lên từ hơi ấm ổ rơm. Hồn tôi thấm đẫm tình quê hương, chứa chan chất ngô khoai sắn nơi cầu ao của mẹ, nôn nao những cánh diều chiều hè, lao xao giếng nước ao làng... Chất làng quê căng tràn trong lồng ngực. Làng quê là nơi tôi gửi gắm ký ức đời mình, với tôi, không có gì đẹp hơn phong cảnh làng quê.

Quan niệm của riêng tôi, làng quê có trước, đô thành có sau; không có làng quê, không có lương thực nuôi sống con người; không có làng quê là không có gì cả. Quê hương như chiếc bát pha lê, chiến tranh làm vỡ tung ngàn mảnh, tôi thấy mình là một trong muôn ngàn mảnh ấy của hồn quê, văng ra khắp nẻo đất trời. Đó là lý do tôi chỉ vẽ về làng quê, dù sống nhiều năm ở đô thành. Những bức tranh của tôi không chỉ là tranh, mà có lẽ đó là lời tâm tình đối với quê hương và công chúng thì đúng hơn.

- Từ làng quê xứ Thanh, trong các bức tranh của ông, người ta còn nhìn thấy nhiều làng quê ở mọi miền đất nước?

- Lúc đầu tôi chỉ quan tâm vẽ làng quê của riêng mình, nhưng sau khi rời quân ngũ, tôi có thời gian đi đến nhiều vùng đất nước từ Bắc chí Nam để vẽ. Đặc biệt 5 năm vừa rồi, tôi tập trung về đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông, Tây Nam Bộ, và có triển lãm lần thứ 5 mang tên “Mảnh hồn làng”... Càng đi tôi càng thấy phong cảnh làng quê Việt Nam vô cùng tươi đẹp. Rõ ràng một họa sĩ không thể vẽ hết được phong cảnh non sông đất nước, tôi chỉ có một số tranh phong cảnh đại diện cho các vùng miền mà thôi.

Các tác phẩm về làng quê của họa sĩ Lê Mai thu hút khách tham quan Ảnh: Th. Nguyên
Các tác phẩm về làng quê của họa sĩ Lê Mai thu hút khách tham quan 
Ảnh: Th. Nguyên

- Nét quê nào được ông chú ý, đưa vào tranh?

- Tôi quan tâm những gì làng quê đã, đang và sẽ mất đi như nhà rông, cảnh giã gạo, lễ đâm trâu, nhà tranh gốc mít, đống rơm, chum nước, con trâu...; rồi những thứ liên quan đến sinh kế của nông dân một thời như cái cày, cái bừa, cái nơm... Tôi thấy hai mảng đó mất dần theo thời gian, vì kinh tế - xã hội có sự bứt phá không ngờ.

- Trong các tác phẩm, người xem có thể tìm thấy một làng quê yên bình, cổ xưa. Còn với làng quê Việt Nam hiện nay thì sao, thưa ông?

- Thăm làng quê hôm nay, tôi rất ngạc nhiên. Có những vùng cách đây 2 năm tôi đến chưa có gì, nhưng nay trở lại đã thấy sự đổi khác nhanh chóng. Tôi luôn đau đáu khi chứng kiến làng quê thay đổi chóng mặt, dần chuyển sang đô thành, những gì xưa cũ, đơn sơ đang mất dần. Đó là quy luật chung, nhưng tôi muốn níu kéo hình ảnh xưa cũ, muốn giữ mãi hơi thở và sắc thái của làng quê vào tranh của mình. Tôi nghĩ rằng, mặc dù tiến xa đến đâu, con người cũng không nên lãng quên cái cũ, đó là nơi chốn cho con người tìm về quá khứ.

- Từng vẽ với chất liệu sơn dầu, lý do nào khiến hàng chục năm trở lại đây ông gắn bó với bút sắt, chất liệu vốn rất ít họa sĩ theo đuổi, dù nó rất phổ cập, tiện dụng và dễ kiếm?

- Tôi chọn bút sắt bởi với tôi, bút sắt là phương tiện biểu hiện mạnh nhất, chỉ màu đen mà phải diễn tả được nhiều màu, được hết tâm trạng của người sáng tác với chủ thể định vẽ, màu đen vừa là có vừa là không, nên rất lý thú.

- Xin cảm ơn họa sĩ!

Thảo Nguyên thực hiện