Phát triển chưa tương xứng

NHẬT ANH 07/09/2018 09:08

Vì sao kinh tế hợp tác, hợp tác xã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhưng phát triển chưa tương xứng? Có những yếu tố nào thuộc về cơ chế, chính sách hay tổ chức thực hiện chưa tạo điều kiện phát triển khu vực này? Đây là một trong những vấn đề mà Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt ra tại Hội thảo “Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn vùng Tây Bắc - Tiềm năng, thách thức và giải pháp” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức ngày 6.9.

Tăng về số lượng

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, sau 6 năm triển khai Luật Hợp tác xã (HTX), đến nay kinh tế hợp tác, HTX vùng Tây Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng HTX hoạt động có hiệu quả không ngừng tăng lên. Tính đến 30.6.2018, vùng Tây Bắc có 2.463 HTX, chiếm 11,7% tổng số HTX toàn quốc, tăng 562 HTX so với năm 2013. Đặc biệt, nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên. Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền của các địa phương quan tâm phát triển kinh tế hợp tác, HTX, chú trọng tổ chức sản xuất, khuyến khích liên kết, hình thành các HTX, bước đầu mang lại hiệu quả, tiêu biểu như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết, Sơn La có 514 HTX và 4 Liên hợp HTX. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành các kết luận, nghị quyết và quyết định chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; thành lập các đoàn công tác chủ động tìm kiếm thị trường, xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm… Các HTX đã và đang tiếp cận thị trường xuất khẩu; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Hiện, đã hình thành 57 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định và 11 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, tỉnh hiện có 199 HTX với 15.450 thành viên, tổng số vốn điều lệ 412,051 tỷ đồng. Trong đó, số HTX đang hoạt động là 141 HTX (tăng 3% so với cuối năm 2017) với 8.080 thành viên, tổng vốn điều lệ gần 353 tỷ đồng; doanh thu bình quân 1 HTX ước đạt 756 triệu đồng, lợi nhuận bình quân ước đạt 62 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động thường xuyên ước đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng. “Thành công của Điện Biên do chú trọng công tác hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, điều hành HTX về kỹ năng quản lý, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tổ chức sản xuất, tham gia chuỗi giá trị nông sản,… nhằm tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững cho các HTX”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì hội thảo Ảnh: Chí Tuấn
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì hội thảo
Ảnh: Chí Tuấn

Không thể không trăn trở...

Lạc quan về những kết quả đạt được, song một số đại biểu cũng cho rằng kinh tế hợp tác, HTX thời gian qua vẫn còn những “điểm nghẽn” chưa được khắc phục. Đó là hoạt động của một số HTX hiệu quả còn thấp, chưa tuân thủ Luật HTX. Các HTX còn hạn chế và yếu trên nhiều phương diện như vốn đầu tư, ứng dụng công nghệ, trình độ, kỹ năng quản lý, khả năng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính cho rằng, năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu kém cả về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật và trình độ quản lý, chuyên môn của đội ngũ cán bộ HTX. Hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, chưa mang lại lợi ích tương xứng cho thành viên. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên Giàng Thị Hoa nhận định: Thực tế bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX là nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển cụ thể; tổ chức quán triệt trong nội bộ, tuyên truyền, vận động thành viên, nhân dân nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, được thành viên tín nhiệm thì nơi đó kinh tế hợp tác, HTX phát triển tốt.

Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Trần Thanh Nam thừa nhận, cả nước hiện có khoảng 12.600 HTX nhưng chỉ có khoảng 30% HTX hoạt động hiệu quả, trung bình, khá. Ông Nam đề nghị, các tỉnh không nên thành lập HTX chạy theo thành tích mà không chú ý đến bản chất HTX, phải tìm cách để người dân tự nguyện tham gia.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển biểu dương, đánh giá cao những thành tích đã đạt được trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thời gian qua. Phó Chủ tịch QH khẳng định, đây là kết quả ban đầu khá tốt, góp phần phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững nhất.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng không thể không băn khoăn, trăn trở, thậm chí lo lắng trước những thách thức, khó khăn, hạn chế, yếu kém, tụt hậu của kinh tế hợp tác, HTX trong những năm qua, nhất là ở vùng Tây Bắc. Phó Chủ tịch đặt ra 5 vấn đề để Liên minh HTX Việt Nam cùng các đại biểu cùng nghiên cứu: 

Thứ nhất, vì sao kinh tế hợp tác, HTX được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhưng sự phát triển chưa tương xứng, có những yếu tố nào thuộc về cơ chế, chính sách, nhất là Luật Hợp tác xã năm 2012, các nghị quyết của Quốc hội, các chính sách khác có liên quan của Chính phủ, chưa tạo điều kiện để HTX phát triển.

Thứ hai, các tỉnh Tây Bắc có đặc điểm và điều kiện địa lý, đặc tính dân cư, trình độ phát triển, cùng với các yếu tố về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, chúng ta phải xây dựng khu vực kinh tế hợp tác, HTX thế nào cho phù hợp để phát huy được lợi thế so sánh nhằm phát triển kinh tế hợp tác, HTX một cách hiệu quả nhất.

Thứ ba, giải pháp nào để tạo sự kết nối, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, xanh, sạch trong các HTX sản xuất nông nghiệp ở miền núi.

Thứ tư, các giải pháp phát huy kinh tế hợp tác, HTX trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ vận tải, du lịch, các quỹ tín dụng nhân dân ở các tỉnh miền núi Tây Bắc.

Thứ năm, chúng ta vẫn nói có Nghị quyết đúng đắn, nhưng công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, vậy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các đoàn thể quần chúng trong xây dựng kinh tế hợp tác, hợp tác xã như thế nào để góp phần phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở vùng Tây Bắc theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

NHẬT ANH