Lối mở cho kẻ độc hành

Thái Minh 05/09/2018 08:21

Sau thời gian ngắn ra rạp bị cắt suất chiếu do người xem thưa thớt, nhưng Song lang vẫn nhận được nhiều quan tâm của giới làm phim, nhà phê bình và người yêu điện ảnh. Thậm chí có hẳn chiến dịch kêu gọi “Cho “Song lang” thêm một tuần nữa” hay “Yêu “Song lang” thêm lần nữa”. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, những ai lên tiếng cổ vũ “Song lang” không phải đang kêu gọi ủng hộ cho một phim nghệ thuật, mà bởi đó thực sự là bộ phim làm cho khán giả.

Yêu “Song lang” thêm lần nữa

“Tôi làm “Song lang” cho mình, cho khán giả và cho cải lương. Đây là món quà mà tôi hứa với cải lương bao nhiêu năm nay, giờ đã làm được. Ngược lại, “Song lang” cũng cho tôi thấy tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình có được sự đồng cảm”.

Đạo diễn Leon Lê

Tối 30.8, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tổ chức một buổi gặp mặt khán giả ở Hà Nội để chia sẻ cảm nhận về bộ phim. Cuộc giao lưu chật kín khán giả, trong đó không ít người đã xem phim nhiều hơn một lần. Cũng đúng hôm đó, nhiều rạp như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, BHD, CGV… đã chiếu “Song lang” suất cuối cùng, tức là bộ phim chỉ trụ rạp vẻn vẹn 13 ngày. Trong thời gian ít ỏi đó, không ít khán giả có ý định xem phim nhưng đến giờ thì bị hủy chiếu vì chưa ai mua vé, một số suất chiếu được coi là đông khi có 15 - 20 người xem…

Nhiều người sau khi xem phim tỏ ra ngạc nhiên, bởi phim không quá kén khán giả và đáng ra phải là phim ăn khách. Hơn thế, bộ phim cũng được truyền thông mạnh mẽ trên báo chí và mạng xã hội… Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, lý do chị đi xem “Song lang” để ủng hộ đồng nghiệp là chính. Suất chiếu ở TP Hồ Chí Minh hôm ấy chỉ có 3 khán giả, đúng như chị dự đoán cho một bộ phim “kiểu như vậy”. Thế nhưng, khi bước ra khỏi rạp, chị thấy thực sự sốc, vì rõ ràng đó là một bộ phim khác hẳn những gì suy đoán từ luồng thông tin trước đó.

Cải lương được Leon Lê đưa vào phim khá dày nhưng không phải là đối tượng chính để khai thác. Tình cảm giữa hai nhân vật là hai con người cô đơn tìm thấy nhau, chung nỗi niềm thầm kín, đồng điệu tâm hồn. Và rất nhiều yếu tố khác, từ diễn viên, bối cảnh đến những nét phác cho thấy một thời đã xa, nghệ thuật và gánh mưu sinh nhọc nhằn của nghệ sĩ… Bộ phim kết thúc trong khi khán giả đầy hy vọng muốn biết nhiều hơn về tâm tư nhân vật, đem đến cảm giác đột ngột, lửng lơ và bối rối, bên cạnh những nuối tiếc, băn khoăn.

Hóa ra, “Song lang” mang lại cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh thực sự và có dư âm, khác hẳn những gì được truyền thông. Bởi vậy, Nguyễn Hoàng Điệp quyết định gửi thông điệp kêu gọi để “Song lang” có thêm thời gian đến gần khán giả, để phim được chiếu ở nhiều rạp hơn và mọi người được tiếp cận bộ phim theo cách khác. “Tôi muốn cho mọi người thấy phim không như những gì họ đã đọc, đã nghe. Đó không phải một bộ phim cải lương hay phục hồi nghệ thuật truyền thống. Đó cũng không phải phim về tình yêu đam mỹ và hoàn toàn không phải là bản copy của “Bá vương biệt cơ” hay gì đó… Giống như tưởng tượng nó là màu đen, cuối cùng nó là màu trắng hoặc ngược lại. Đó là lý do tôi bắt đầu ủng hộ nhà làm phim trong việc đòi lại màu sắc cho bộ phim”.

Một trong những cảnh đạo diễn Leon Lê tâm đắc nhất trong phim “Song lang”
Một trong những cảnh đạo diễn Leon Lê tâm đắc nhất trong phim “Song lang”

Đi tìm tri kỷ

Trong khi khán giả Hà Nội đang tận dụng cơ hội xem phim ở những điểm chiếu còn lại thì ở TP Hồ Chí Minh, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim Phạm Thị Hồng Ánh cũng đã lên kế hoạch cho một buổi nói chuyện chuyên sâu về “Song lang”. Ở thời điểm điện ảnh Việt với các nhà sản xuất chọn đề tài giải trí để đầu tư, phim giải trí thống trị phòng vé và khán giả đến rạp là người trẻ chiếm hơn 70% thì việc lựa chọn một câu chuyện để kể như “Song lang” là khác biệt và dũng cảm. Hồng Ánh chia sẻ, chị đến với “Song lang” vì chọn sự khác biệt trước. “Bản thân “Song lang” cùng tất cả diễn biến xoay quanh bộ phim này rất xứng đáng là một trường hợp để phân tích và bàn luận”.

Nguyễn Hoàng Điệp thì cho rằng, những ai lên tiếng cổ vũ “Song lang” không phải đang kêu gọi ủng hộ cho một phim nghệ thuật, cho một bộ phim kén người xem, mà bởi đó thực sự là một bộ phim làm cho khán giả. Không dễ giải thích thấu đáo vì sao bộ phim lại “hẩm hiu” đến thế, nhưng có lẽ hiểu về bộ phim cũng là một cách tìm ra câu trả lời.
Đạo diễn “Song lang” Leon Lê cho biết, suốt quá trình làm phim 2 năm qua, điều đáng sợ nhất với anh là sự cô đơn. Đó là cảm giác một mình trên hành trình chèo chống bộ phim mà từ đề tài, nội dung… đã hứa hẹn nhiều trắc trở, nếu xếp vào dòng phim nghệ thuật lại càng khó hơn. Trong tình trạng điện ảnh Việt Nam hiện giờ, không thể đòi hỏi một bộ phim vừa đạt đỉnh cao nghệ thuật, vừa đạt số lượng người xem lớn, nhất là khi mặt bằng dân trí còn thấp, kéo theo thị hiếu và văn hóa cảm nhận cũng không thể bằng ở các nước phát triển. Phân tích như vậy nhưng Leon Lê cũng nói, anh chưa bao giờ nghĩ “Song lang” là phim nghệ thuật mà chỉ không thuộc dòng phim thị trường. “Đối với tôi, phim nghệ thuật phải như của Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di… làm không bị chút gì ảnh hưởng, tiền làm phim lấy từ những người ủng hộ nghệ thuật và không quan tâm đến chuyện thu hồi vốn. Còn tôi làm phim vẫn nghĩ tới khán giả”.

Người làm phim thường chỉ quan tâm tới góc độ nghệ thuật còn nhà sản xuất lại chỉ nghĩ đến doanh thu, Leon Lê chọn cách thỏa hiệp theo nguyên tắc riêng của mình. Những chi tiết nhỏ trong cuộc đối thoại giữa hai nhân vật chính như chuyện nhặt kim sa, chuyện du hành thời gian, câu hỏi về lần đầu gặp gỡ… được đan cài với các góc quay thể hiện ý đồ sân khấu và cuộc đời hòa quyện. Với Leon Lê, đó là cách anh tìm ra tri kỷ của bộ phim, “những ai đồng cảm thì sẽ hiểu”.

Thái Minh