Chế độ đãi ngộ cần xứng đáng

KHÁNH DUY 23/08/2018 07:28

Thành phố Hà Nội luôn đóng góp khoảng 30% vận động viên cho đoàn Việt Nam tham dự các kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á; nhiều vận động viên đã đạt thành tích cao trong thi đấu, từng bước nâng tầm thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện chế độ dành cho huấn luyện viên, vận động viên còn thấp, cần cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng để họ yên tâm thi đấu, cống hiến.

Đó là kiến nghị được đưa ra tại chuỗi khảo sát việc thực hiện cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo huấn luyện viên, vận động viên (HLV, VĐV); chế độ đặc thù đối với trọng tài, HLV, VĐV của của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội vừa qua.

Đóng góp không nhỏ

Theo Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đinh Công Luyến: Việc tuyển chọn HLV và VĐV của thành phố được thực hiện bằng nhiều hình thức. Trong đó, các HLV được tuyển chọn thông qua các kỳ thi tuyển hàng năm theo chỉ tiêu của TP; các VĐV có nhiều thành tích trong tập huyện và thi đấu, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thi đấu đỉnh cao, theo học và tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng thể dục thể thao; các HLV có thâm niên lâu năm, có thành tích trong công tác đào tạo VĐV thành tích cao. Hiện nay, việc tuyển chọn VĐV được lấy từ các lớp năng khiếu nghiệp dư tại quận, huyện, thị trên địa bàn thành phố và VĐV có năng khiếu từ các địa phương khác. Đối với VĐV, việc tuyển chọn ban đầu vô cùng quan trọng. Tuyển chọn chính xác các VĐV có năng khiếu vượt trội sẽ rút ngắn thời gian huấn luyện, bảo đảm chắc chắn thành công trong đào tạo VĐV thành tích cao. Vì vậy, Sở đã tuyển chọn từ các trường, lớp năng khiếu, nghiệp dư của 30 quận huyện, thị trên địa bàn…

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP khảo sát tại Trường phổ thông Năng khiếu thể dục - thể thao Hà Nội Ảnh: Việt Long
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP khảo sát tại Trường phổ thông Năng khiếu thể dục - thể thao Hà Nội
Ảnh: Việt Long

Điển hình trong số đó, phải kể đến Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì. Hàng năm, Trung tâm tham mưu cho huyện tổ chức từ 20 - 25 giải thể thao cho học sinh Tiểu học và THCS, qua đó, đã tuyển chọn các VĐV năng khiếu để bồi dưỡng, tập luyện. Bên cạnh tổ chức giải, Trung tâm còn tổ chức các lớp năng khiếu thu hút hàng nghìn học sinh tham gia. Nhiều em đã trưởng thành từ các giải phong trào như Nguyễn Lệ Chi (xã Tứ Hiệp) đạt 1 HCV, 1 HCĐ giải vô địch Wushu trẻ thế giới và 2 HCV, 1 HCB giải vô địch quốc gia; Nguyễn Văn Cường (xã Tân Triều) đạt HCĐ Đại hội thể thao Đông Nam Á môn bơi lội…

“Bằng những nỗ lực và kinh nghiệm được tích lũy, thành phố luôn đóng góp khoảng 30% vận động viên tham dự cho đoàn Việt Nam tại các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á. Nhiều VĐV đã đạt thành tích cao trong thi đấu, từng bước nâng tầm thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế”, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục - Thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng chia sẻ.

Chưa yên tâm thi đấu, cống hiến

Về chế độ, hiện mỗi VĐV, HLV được nhận từ 90.000 - 150.000 đồng/người/ngày đối với việc tập trung tập luyện trong nước và từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày trong thời gian tập trung thi đấu. Theo Chủ nhiệm bộ môn cầu mây Hà Nội Hà Tùng Lập: Chế độ hiện nay cho HLV, VĐV tương đối thấp, chưa bảo đảm để họ yên tâm thi đấu, cống hiến. Cũng theo ông Tùng, các địa phương khác VĐV khi được gọi lên Đội tuyển Quốc gia vẫn được hưởng chế độ của địa phương, nhưng ở Hà Nội thì không. Các bộ môn giữ được VĐV, HLV tài năng đang rất khó khăn. Ông Hà Tùng Lập kiến nghị thành phố xem xét có chế độ thỏa đáng để các VĐV, HLV yên tâm tập luyện, cống hiến cho thành tích của thể thao Thủ đô. Cùng quan điểm, Trưởng bộ môn đua thuyền thành phố Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Nên có chính sách cộng điểm cho VĐV, hiện đã có một vài địa phương như An Giang làm cách này. Theo đó, khi kết thúc sự nghiệp được bao nhiêu điểm sẽ được thưởng số tiền tương ứng, để họ có khoản kinh phí cho công tác học tập, chuyển đổi nghề nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Tài chính - Hành chính sự nghiệp, Sở Tài chính Vũ Minh Thành khẳng định: Một số chế độ cho HLV, VĐV đã được thành phố cơ bản đáp ứng. Về kiến nghị khi được gọi lên Tuyển quốc gia vẫn giữ chế độ tại địa phương, ông Thành cho biết: Vấn đề này liên quan đến quy định và thủ tục của ngành tài chính. Ông Thành đề nghị Sở VH - TT nên dành phần kinh phí hỗ trợ đối với HLV, VĐV được triệu tập lên Tuyển quốc gia. Ở góc độ khác, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Đỗ Thùy Dương đặt vấn đề, thành tích hiện nay đã đạt bao nhiêu % so với tiềm năng của thành phố hiện nay. Đại biểu cũng cho rằng, ngành thể thao vẫn chưa có đề án cụ thể để thu hút phát triển tài năng trẻ.

Phó Giám đốc Sở VH - TT Trần Thị Vân Anh cho biết: Thời gian tới, để phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, và xa hơn là SEA Games 31, cần sự ủng hộ của các ban, ngành liên quan trong duy tu, bảo dưỡng công trình phục vụ cho TDTT, danh mục đầu tư cho hoạt động phục vụ SEA Games. Bên cạnh đó, Sở sẽ đẩy mạnh xã hội hóa TDTT theo đúng quy định, hướng dẫn khai thác các công trình sau khi đầu tư. Tăng cường quản lý chuyên môn, quản lý nguồn nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất. Nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn VĐV, có chiến lược để tìm kiếm năng khiếu và nuôi dưỡng chuyên nghiệp...

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương: Để chuẩn bị cho việc đăng cai giải Thể thao toàn quốc vào tháng 10 năm nay và xa hơn nữa là SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam năm 2021, nhiệm vụ của ngành thể dục thể thao Thủ đô những năm tới hết sức nặng nề. Chia sẻ với khó khăn của ngành TDTT thành phố thời gian qua, để đạt được thành tích tốt hơn trong thi đấu, ông Trần Thế Cương đề nghị ngành cần đổi mới sáng tạo cách thức tuyển chọn để có VĐV chất lượng, có cơ chế thu hút nhân tài về thi đấu; hoàn thiện cơ sở vật chất, tăng cường giám sát quản lý trang thiết bị; nâng cao chế độ dinh dưỡng cho VĐV và HLV; có cơ chế đãi ngộ nhà ở và xây dựng quỹ phát triển TDTT…

KHÁNH DUY