Nguy cơ tay trắng?

Đan Thanh 08/08/2018 09:23

Lại một vụ có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến tiền ảo vừa xảy ra khi chủ mỏ đào tiền ảo Sky Mining Lê Minh Tâm đi “điều trị bệnh ở nước ngoài”, khiến hơn 5.000 nhà đầu tư hoang mang, nhiều người nộp đơn tố cáo. Đây là vụ việc liên quan đến tiền ảo bị tố lừa đảo thứ hai trong vòng hơn 3 tháng qua với hàng chục nghìn nạn nhân.

Nguy cơ mất trắng

Thông tin Tổng giám đốc Sky Mining Lê Minh Tâm “bỏ trốn” hôm 25.7 khiến hơn 5.000 người đầu tư vào hệ thống ủy thác đa cấp mô hình hợp tác xã đào tiền số (tiền ảo) này hoang mang bởi nguy cơ trắng tay. Mặc dù ông Lê Minh Tâm đã gửi thư và video clip trấn an rằng chỉ đi chữa bệnh ở Mỹ, không bỏ trốn song không xoa dịu được các nhà đầu tư. Nhiều người đã nộp đơn tố cáo tới cơ quan công an.

Sky Mining hoạt động từ tháng 3 - 7.2018, huy động khoảng 900 tỷ đồng từ 5.000 nhà đầu tư. Ban đầu, mỗi nhà đầu tư 5.000 USD sẽ nhận được một máy đào bitcoin, sau đó ủy quyền cho Sky Mining thực hiện đào tiền ảo. Sky Mining cam kết lo phần kỹ thuật, nhập máy, điều hành. Nhà đầu tư chỉ cần lôi kéo thêm nhiều người tham gia để nhận hoa hồng hoặc chờ 3 - 4 tháng để nhận 300% tiền đầu tư. Đến tháng thứ 6, số lãi này sẽ giảm còn khoảng 200%.

Bên cạnh cam kết về tiền lãi, Sky Mining còn gây dựng lòng tin với nhà đầu tư bằng cách tổ chức nhiều sự kiện tại khách sạn lớn, tặng xe ô tô cho đại lý thu hút được nhiều nhà đầu tư và những hợp đồng mua bán máy, nhà xưởng lớn. Theo đó, người đầu tư có thể đến nhận lại máy có dán bảng tên của mình bất cứ khi nào Sky Mining gặp sự cố. Vậy nhưng, từ hôm 23.7, toàn bộ máy đào tại xưởng ở Biên Hòa, Đồng Nai đã được chuyển đi trong đêm, xưởng ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) đã đóng cửa.

Đây không phải là lần đầu tiên, hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo bị tố lừa đảo diễn ra. Trước đó, hồi đầu tháng 4 vừa qua, nhiều người kéo tới trụ sở Công ty CP Modern Tech tại TP Hồ Chí Minh tố cáo công ty này và các đối tác iFan, Pincoin lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng thông qua hình thức huy động vốn để kinh doanh tiền ảo.

Một buổi lễ trao xe ô tô cho đại lý của Sky Mining Nguồn: ITN
Một buổi lễ trao xe ô tô cho đại lý của Sky Mining 
Nguồn: ITN

“Đừng đổ lỗi cho lòng tham”

Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2017 đến tháng 4.2018, cả nước đã nhập khẩu khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Mới đây, trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các bộ ngành liên quan đến việc tăng cường quản lý hoạt động liên quan đến bitcoin và tiền ảo, Bộ Tài chính đề xuất trước mắt cần tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền. Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của Bộ Công an cùng nhiều bộ, ngành có liên quan.

Câu hỏi đặt ra là vì sao sau vụ việc của Modern Tech đã có nhiều cảnh báo của cơ quan quản lý, truyền thông song các nhà đầu tư vẫn dễ dàng “sập bẫy” kinh doanh tiền ảo?

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng hơn 3 tháng) liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến tiền ảo bị tố lừa đảo thì “đừng chỉ đổ lỗi cho lòng tham của nhà đầu tư”.

Ông phân tích: “Ngay sau vụ việc của Modern Tech, nhiều ý kiến của chuyên gia, trong đó có các luật sư chỉ ra rằng chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý cho tiền ảo. Mặc dù trước đó, tháng 10.2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra văn bản không công nhận tiền ảo là tiền tệ, đồng thời không coi đó là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, vậy nhưng nó có được phép lưu hành không, có vi phạm pháp luật không thì không rõ. Chưa kể, dù NHNN không công nhận tiền ảo nhưng phía cơ quan hải quan vẫn cho nhập máy đào tiền ảo, dẫn đến sự bất nhất trong cách quản lý. Dù sau đó, NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã đưa ra những đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức. Hành lang pháp lý về tiền ảo đến giờ vẫn chưa có thì lỗi hoàn toàn không thuộc về lòng tham của các nhà đầu tư”.

Cũng theo vị luật sư này, quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. “Cách làm của cơ quan quản lý về tiền ảo hiện nay khiến người ta có cảm giác họ rất sợ trách nhiệm, bởi nếu hình sự hóa các vụ việc mà hai bên ký hợp đồng đầu tư rồi thì rất dễ bị xử lý, kỷ luật”, ông nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam Nguyễn Hoàng Hải tỏ ra khá gay gắt khi cho rằng “cơ quan quản lý dường như vẫn chưa rút ra kinh nghiệm từ sau vụ việc Modern Tech khiến 32.000 người bị lừa liên quan đến tiền ảo”. “Chưa cần bàn đến việc hành lang pháp lý cho tiền ảo đã đầy đủ chưa, chỉ cần nhìn vào cách Sky Mining mời gọi nhà đầu tư với lợi nhuận lên tới 300%  đã thấy có vấn đề nếu không muốn nói là có dấu hiệu lừa đảo, bởi ngay với đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư dù có kiến thức, kinh nghiệm cũng chỉ đạt lợi nhuận tối đa vài chục phần trăm. Tôi không tin là cơ quan quản lý các cấp không biết được chiêu thức mời gọi nhà đầu tư của Sky Mining. Vậy nhưng Sky Mining vẫn tổ chức sự kiện lớn, thu hút tới 5.000 người tham gia mà không có bất cứ cảnh báo nào của cơ quan quản lý thì thật khó chấp nhận!”, ông Hải nêu ý kiến.
Từ thực tế quản lý tiền ảo hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tiền ảo để tránh sập bẫy lừa đảo ở mức lợi nhuận rất cao, Nhà nước cần sớm tạo hành lang pháp lý cho kinh doanh tiền ảo, trong đó sớm có quyết định rõ ràng về việc khi nào dừng nhập khẩu máy đào tiền ảo vào Việt Nam.

Đan Thanh