Thiếu đạo đức kinh doanh?
Một loạt dấu hiệu vi phạm của các doanh nghiệp lớn như chuỗi siêu thị mẹ và bé Con Cưng hay Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam vừa được cơ quan quản lý chỉ ra, khiến nhiều chuyên gia cho rằng điều đó thể hiện sự coi thường pháp luật của doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại như vậy và liệu có trường hợp nào tương tự nhưng chưa bị phát giác?
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, việc doanh nghiệp coi thường pháp luật, không tín nhiệm hệ thống pháp luật có một phần do chính cách thực thi pháp luật, nói cách khác là đạo đức, trách nhiệm công vụ của người thực thi pháp luật không gương mẫu. Bởi đâu đó vẫn có trường hợp tiêu cực của cán bộ như nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm cho doanh nghiệp khiến người ta nghĩ rằng dù có làm thật, làm tốt cũng không bằng những người làm ăn gian dối song lại giỏi trong các mối quan hệ với cán bộ nhà nước. |
“Coi thường pháp luật”
Tại cuộc họp báo chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín công bố 7 hành vi vi phạm của chuỗi siêu thị mẹ và bé Con Cưng (hiện có khoảng 350 siêu thị trên toàn quốc). Cụ thể, các hành vi vi phạm gồm: Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước Made in Vietnam nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latin; có giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hóa; bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức; bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; kinh doanh hàng hóa mang nhãn không đủ quy định bắt buộc.
Trước đó, ngày 22.7, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương kiểm tra hàng hóa, chứng từ của 3 siêu thị Con Cưng trên địa bàn thành phố. Kết quả bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ của nhiều sản phẩm như chiếc áo có nhãn “Made in Thailand” nhưng trên áo không có bất cứ tem nhãn nào khác để chứng minh nguồn gốc…
![]() | |
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm của siêu thị Con Cưng | Nguồn: Báo Lao động |
Cách đó không lâu, ngày 13.7, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đã ra thông báo về kết quả kiểm tra tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam. Theo đó, có tới 99,3% loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước song được quảng bá là sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc! Theo website của công ty, hiện có 32 cửa hàng trên cả nước.
Xa hơn, hồi tháng 10 năm ngoái, thông tin Khaisilk - thương hiệu lớn bị phát hiện nhập hàng Trung Quốc về rồi gắn mác là hàng Việt Nam trong thời gian dài khiến dư luận phẫn nộ, cơ quan quản lý phải vào cuộc và chuỗi cửa hàng này phải đóng cửa.
Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Nguyễn Văn Nam cho rằng “không có gì lạ” với những vụ việc trên. “Có điều, đây đều là những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mà vẫn gian lận thì chứng tỏ họ đã quá coi thường thương hiệu của mình lẫn khách hàng”, ông Nam bình luận.
Gay gắt hơn, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, việc các doanh nghiệp lớn, có uy tín vẫn gian lận trong kinh doanh “không đơn thuần chỉ là vấn đề đạo đức hay văn hóa”, bởi hơn ai hết, họ hiểu được giá trị của đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, nếu không có những yếu tố đó sẽ không thể tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, sai phạm vẫn diễn ra thì rõ ràng “họ đã quá coi thường pháp luật”, ông Lập nhấn mạnh.
Cơ quan quản lý hãy làm gương
Thực tế, không phải đến bây giờ gian lận thương mại mới được đặt ra. Song, với việc những thương hiệu có uy tín làm ăn gian dối, câu hỏi đặt ra là: Nguyên nhân do đâu và liệu còn những trường hợp tương tự nào nhưng chưa bị phát giác?
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, sỡ dĩ có những sai phạm ở các doanh nghiệp như Con Cưng, Mumuso hay Khaisilk không chỉ liên quan đến luật pháp mà còn là đạo đức kinh doanh. Bởi lẽ, quy định của pháp luật khá đầy đủ và mức phạt cao nhất cho hành vi gian lận thương mại là tử hình - mức phạt rất nặng. Song, sẽ không một bộ máy nào đủ nhân lực để đi kiểm tra việc thực thi ở tất cả cơ sở kinh doanh trên cả nước được, mà cần đến yếu tố đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
“Việc doanh nghiệp coi thường pháp luật, không tín nhiệm hệ thống pháp luật có một phần do chính cách thực thi pháp luật, nói cách khác là đạo đức, trách nhiệm công vụ của người thực thi pháp luật không gương mẫu. Bởi đâu đó vẫn có trường hợp tiêu cực của cán bộ như nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm cho doanh nghiệp khiến người ta nghĩ rằng dù có làm thật, làm tốt cũng không bằng những người làm ăn gian dối song lại giỏi trong các mối quan hệ với cán bộ nhà nước”, ông Lập nói.
Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Nguyễn Văn Nam bổ sung, để xảy ra những vụ gian lận thương mại điển hình như Con Cưng hay Mumuso “người ta hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi cơ quan quản lý đã ở đâu? Hỏi để thấy rằng rõ ràng, những người thực thi công vụ chưa thực sự làm tròn trách nhiệm của mình nên có thể đâu đó, vẫn có trường hợp tương tự nhưng chưa bị phát giác”.
Theo các chuyên gia, để hạn chế gian lận thương mại cần sự kết hợp giữa hệ thống pháp luật gồm các quy định lẫn bộ máy thực thi như công an, quản lý thị trường, hải quan… và cả tòa án, bảo đảm khi tranh chấp xảy ra phải xử lý nghiêm minh; loại trừ những tiêu cực trong chính người thực thi công vụ. Nói cách khác, tư duy về quản lý chất lượng hàng hóa, tư duy bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tư duy thực thi pháp luật cần thay đổi tận gốc bằng cách phải có sự phối hợp liên ngành, trong đó mỗi người, mỗi bộ phận có trách nhiệm riêng và phải làm đúng trách nhiệm ấy. Phải huy động được sự tham gia giám sát của chính người tiêu dùng và người kinh doanh, bởi sẽ không ai nắm rõ chất lượng sản phẩm hơn chính những người cùng kinh doanh một mặt hàng với nhau. Đồng thời, cơ quan quản lý phải làm gương, không có những tiêu cực khi thi hành công vụ; doanh nghiệp nhà nước cũng cần làm gương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì mới mong tạo lập được đạo đức kinh doanh trong xã hội.