Thích ứng với nền kinh tế tri thức
Sự phát triển của xã hội hiện đại và kinh tế tri thức đã và đang đặt ra những đòi hỏi mới ở người lao động nói chung và nhân lực có trình độ đào tạo ở bậc đại học nói riêng. Chính bởi vậy, đội ngũ giảng viên cũng phải thay đổi để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực.
Thay đổi căn bản
Là một lĩnh vực hoạt động cơ bản của xã hội, giáo dục hình thành và phát triển trong những hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Hệ thống giáo dục vừa là sản phẩm của một thời đại kinh tế - xã hội vừa là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia.
Trong nền kinh tế tri thức, giáo dục nhà trường chỉ là một phần, một giai đoạn ngắn trong toàn bộ cuộc sống của mỗi con người. Vai trò của giáo dục ngoài nhà trường, giáo dục liên tục ngày càng lớn (gia đình, doanh nghiệp, tổ chức xã hội...) đã xuất hiện các tổ chức học tập (Learning Organization) và xã hội học tập (Learning Society).

Sự phân chia cứng nhắc giữa các loại hình giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học ngày càng thu hẹp. Người ta đã nói đến sự giao thoa của các loại hình này trong nhiều năm qua, như xu hướng phát triển giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp (POHE) do tri thức và năng lực sử dụng tri thức trở thành nhân tố quan trọng có tính quyết định đến đời sống cá nhân và lao động nghề nghiệp của họ. Cùng với phổ cập giáo dục là quá trình phổ cập nghề nghiệp, phổ cập giáo dục cao đẳng và đại học. Giáo dục phổ thông và hướng nghiệp trở thành nền tảng của quá trình phát triển nguồn nhân lực. Giáo dục đại học chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng, giáo dục phổ cập trên nền tảng khoa học và công nghệ hiện đại. Giáo dục nghề nghiệp phát triển đa dạng trên nền tảng giáo dục phổ thông và trình độ cao. Ngoài các loại hình cao đẳng nghề nghiệp đã xuất hiện loại hình trường đại học nghề nghiệp (Profesional University).
Giáo dục không chỉ là sự truyền thụ kiến thức, cung cấp thông tin mà hướng vào yêu cầu phát triển nhân cách toàn diện trên cơ sở phát triển năng lực tư duy sáng tạo và năng lực hành động, năng lực thích nghi… để người học tự tìm tri thức, vận dụng, sử dụng tri thức và trên cơ sở đó sản xuất (phát hiện) tri thức mới cho bản thân hoặc cho xã hội.
Kinh tế tri thức làm thay đổi căn bản nền giáo dục, từ quan niệm nhận thức đến hệ thống giáo dục, nhà trường, đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình giảng dạy, đặc biệt là phương pháp dạy - học và mô hình quản lý nhà trường. Có lẽ sẽ hình thành nền giáo dục dựa trên tri thức và một mô hình văn hóa nhà trường dựa trên tri thức. Những giá trị tài sản vô hình của nhà trường (danh tiếng, uy tín, vốn tri thức) sẽ không kém hơn các giá trị tài sản hữu hình (cơ sở vật chất, thiết bị dạy học...).
Tư duy sáng tạo và kỹ năng mềm
Theo quan niệm của UNESCO yêu cầu đối với sản phẩm đại học (người tốt nghiệp) trong thời đại hiện nay là: Có năng lực trí tuệ và có khả năng sáng tạo và thích ứng; Có khả năng hành động (kỹ năng sống) để có thể lập nghiệp; có năng lực tự học, tự nghiên cứu để có thể học thường xuyên, suốt đời; có năng lực quốc tế (ngoại ngữ, văn hóa toàn cầu...) để có khả năng hội nhập.
Còn theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Các trường đại học quốc tế thì sinh viên phải là những người: Có sự sáng tạo và thích ứng cao trong mọi hoàn cảnh, chứ không chỉ học để bảo đảm tính chuẩn mực, khuôn mẫu; có khả năng thích ứng với công việc mới chứ không chỉ trung thành với một chỗ làm duy nhất; biết vận dụng những tư tưởng mới chứ không chỉ biết tuân thủ những điều đó được định sẵn; biết đặt ra những câu hỏi đúng chứ không chỉ biết áp dụng những lời giải đúng; có kỹ năng làm việc theo nhóm, bình đẳng trong công việc chứ không tuân thủ theo sự phân bậc quyền uy; có hoài bão để trở thành những nhà khoa học lớn, các nhà doanh nghiệp giỏi, nhà lãnh đạo xuất sắc, chứ không chỉ trở thành những người làm công ăn lương; có năng lực tìm kiếm và sử dụng thông tin, chứ không chỉ áp dụng những kiến thức đã biết; biết kết luận, phân tích, đánh giá chứ không chỉ biết thuần túy chấp nhận; biết nhìn nhận quá khứ và hướng tới tương lai; Biết tư duy chứ không chỉ là người học thuộc; biết dự báo, thích ứng chứ không chỉ phản ứng thụ động; chấp nhận sự đa dạng chứ không chỉ tuân thủ điều đơn nhất; biết phát triển chứ không chỉ chuyển giao.
Những yêu cầu trên đặt ra yêu cầu mới về chương trình, tổ chức và phương pháp đào tạo ở bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp, trong đó việc phát triển năng lực sáng tạo, khả năng thích ứng, kỹ năng mềm trở thành nhân tố nổi bật.
Giảng viên - nhân tố quyết định
Ở bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp, cùng với các điều kiện bảo đảm chất lượng về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết đào tạo… thì đội ngũ giảng viên là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo. Theo khuyến cáo của UNESCO, yêu cầu đối với giảng viên trong thời đại hiện nay là: Hiểu biết công nghệ thông tin và có khả năng ứng dụng chúng trong dạy học; khi dạy học phải nhận thức đúng đối tượng (đối tượng dạy - người học và đối tượng dạy học - nội dung dạy học), trên cơ sở đó thao tác đúng đối tượng; khi dạy học phải biết lựa chọn phương pháp thích hợp với mục tiêu và nội dung dạy học, phù hợp với đặc thù của đối tượng; hiểu cấu trúc các phương pháp dạy học, biết triển khai đúng quy trình và biết phối hợp các phương pháp dạy học trong quá trình dạy học; thấu hiểu cách học trong môi trường thông tin và truyền thông để có thể hướng dẫn sinh viên học và có khả năng làm tốt vai trò cố vấn cho họ; có kiến thức đo lường và đánh giá trong giáo dục và dạy học để đánh giá chính xác khách quan kết quả học tập của người học góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm đào tạo của mình.
Để có thể đáp ứng yêu cầu trên đội ngũ giảng viên cần rèn luyện năng lực, phẩm chất của một nhà khoa học chân chính và một nhà sư phạm tâm huyết, nhà hoạt động văn hóa xã hội tích cực và là một nhà quản lý giáo dục tài ba.
Tóm lại, quá trình phát triển của đời sống xã hội hiện đại và nền kinh tế tri thức đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học - nghề nghiệp nói riêng. Với vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ, hệ thống giáo dục đại học và nghề nghiệp trong xã hội hiện đại đã và đang có những chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô phát triển, chất lượng đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội. Cùng với quá trình đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy và tổ chức, quản lý đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất… việc nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên là yêu cầu cấp bách.