Kỳ vọng chuyển biến mới

Hồng Loan 25/07/2018 09:03

Giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại” do Bộ Tài chính tổ chức sáng 24.7. “Tôi kỳ vọng sau hội nghị sẽ có chuyển biến mới”, Thủ tướng nói.

“Doanh nghiệp mừng rơi nước mắt”

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau hơn 3 năm triển khai, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 11 bộ, ngành kết nối, thực hiện 53 thủ tục hành chính và xử lý gần 1,26 triệu hồ sơ của 22 nghìn doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Công thương đã thực hiện 6/17 thủ tục, đạt 35,3%; Bộ NN - PTNT thực hiện 13/23 thủ tục, đạt 56,5%; Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện 4/6 thủ tục, đạt 66,7%... Đây cũng là những đơn vị được Thủ tướng “ghi nhận và biểu dương sự quyết tâm trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại”.

Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các bộ, ngành.

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành cũng có bước chuyển tích cực. Một số bộ quản lý chuyên ngành đã bắt đầu thay đổi phương pháp quản lý và kiểm tra; chuyển thời điểm kiểm tra từ trước sang sau thông quan. Nếu như quý II.2015 có hơn 82,7 nghìn mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành thì đến quý I.2018 còn hơn 78,3 nghìn mặt hàng, giảm 4.403 mặt hàng. Đây là một con số lớn, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét. Ông Cung đánh giá cao những cải cách mà ngành tài chính nói riêng và các bộ, ngành khác nói chung đã làm được trong việc thúc đẩy thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và chia sẻ thêm rằng: Trên thực tế đã có một số cải cách khiến doanh nghiệp “mừng rơi nước mắt” bởi sau nhiều năm khổ cực, cuối cùng đã thay đổi nên cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Để minh họa và định lượng về những lợi ích mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh năm 2017. Theo đó, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ, xuống còn 55 giờ; đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ xuống còn 56 giờ. Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Không làm khó doanh nghiệp

 Về Cơ chế một cửa ASEAN, từ đầu năm nay, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 15.7, Việt Nam đã nhận từ 4 nước này trên trên 32,9 nghìn C/O và gửi tới hơn 16,2 nghìn C/O.

Tuy vậy, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Ủy Ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại, việc triển khai NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế. Cụ thể, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn; hiệu lực kiểm tra thấp, tỷ lệ phát hiện sai phạm thấp (tính tới cuối năm 2017 là dưới 1%); việc chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn phổ biến.

Bên cạnh đó, “vẫn còn tình trạng một số nơi chỉ cắt giảm số nhóm thủ tục có ít mặt hàng, còn một số nhóm có nhiều mặt hàng thì không cắt giảm. Từ đó, dù các bộ báo cáo đã cắt giảm phần lớn các mặt hàng nhưng thực chất chưa chắc đạt mục tiêu vì số mặt hàng trong nhóm đó rất ít”, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nói. Một vấn đề khác là có đến hơn 50% số mặt hàng vẫn phải chịu sự kiểm tra của 2 - 3 bộ. Trong mỗi bộ, một số mặt hàng lại phải chịu sự kiểm tra của 2 - 3 cục, chứ không chỉ dừng lại ở một đơn vị. Việc kết nối cơ chế một cửa, theo ông Cung, đang theo hướng những thủ tục nào mất ít quyền lợi thì kết nối, còn những thủ tục nào mất nhiều quyền lợi thì không kết nối.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tập trung khắc phục những bất cập mà hội nghị nêu ra. Thủ tướng nhấn mạnh, không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa; phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%. Đồng thời, vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể là phải rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra, trừ trường hợp hàng hóa đặc thù. Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động nêu trên để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Không ôm giữ ở bộ, ngành mình những điều kiện không cần thiết, để giải phóng sức sản xuất. 

Thủ tướng kỳ vọng sau hội nghị này sẽ có chuyển biến mới về thực hiện NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại để doanh nghiệp nước ngoài và khách du lịch đến với Việt Nam có được môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất, và cảm thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà của mình.

Hồng Loan