Nghị định 09/2018 về bán lẻ không trái cam kết hội nhập

Vũ Thủy 04/07/2018 15:03

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2018 với chủ đề Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung, diễn ra sáng ngày 4.7 tại Hà Nội, khi phản hồi về ý kiến cho rằng Nghị định 09/2018 đang cản trở doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Cản trở doanh nghiệp gia nhập thị trường?

Dẫn quy định tại Nghị định số 09/2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định 09), đại diện Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại VBF, bà Orsolya Grove cho rằng nhiều quy định trong Nghị định đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà phân tích, theo quy định, bất kỳ doanh nghiệp trong nước nào chỉ nhận 1% góp vốn từ nhà đầu tư nước ngoài đều phải tuân thủ yêu cầu xin Giấy phép kinh doanh và giấy phép lập cơ sở bán kẻ cho từng cơ sở bán lẻ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Sở Công thương và Bộ Công thương được quyền quyết định có cho phép hoặc từ chối một cơ sở bán lẻ tiếp tục hoạt động  hay không thông qua  việc cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. “Như vậy, toàn bộ hoạt động kinh doanh và sự an toàn của người lao động làm việc tại các cửa hàng này đều bị đặt vào hoàn cảnh rủi ro”, bà Orsolya Grove nói.

Bên cạnh đó, theo đại diện Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, Nghị định 09 cũng tăng thêm gánh nặng hành chính lên các doanh nghiệp bằng việc quy định Giấy phép kinh doanh không còn là Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho cơ sở bán lẻ thứ nhất. Theo đó, những doanh nghiệp chỉ mở một cơ sở bán lẻ vẫn phải nộp đơn xin cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ - điều mà Nghị định 23/2007 trước đó không quy định.

Siêu thị Metro đã được Tập đoàn TCC Holding (Thái Lan) mua lại vào năm 2016. Nguồn news.zing.vn
Siêu thị Metro đã được Tập đoàn TCC Holding (Thái Lan) mua lại vào năm 2016. 
Nguồn news.zing.vn

Cũng theo Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, Nghị định 09 tiếp tục áp dụng về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), đồng thời mở rộng phạm vi các cơ sở bán lẻ phải thực hiện ENT. “Mặc dù chúng tôi liên tục mang vấn đề này ra thảo luận tại VBF nhưng tình hình không những chưa được cải thiện mà còn tồi tệ hơn. Chúng tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi tại sao lại đặt ra quy định ENT nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Không có bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào cho việc áp dụng ENT và tất cả những gì ENT đem lại là gây trở ngại cho các nhà bán lẻ nước ngoài muốn phát triển thị trường. ENT lẽ ra phải được loại bỏ trong bòng 5 năm theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU”, bà Orsolya Grove nhấn mạnh.

Cam kết Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam nêu rõ, “việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất) sẽ được cho phép trên cơ sở ENT. Các đơn xin thành lập nhiều hơn một cửa hàng được xem xét theo các thủ tục có sẵn được công bố công khai, và việc cấp phép phải dựa trên các tiêu chí khách quan. Các tiêu chí chính của ENT bao gồm số lượng các nhà cung cấp dịch vụ hiện có trong một khu vực địa lý cụ thể, sự ổn định của thị trường và quy mô địa lý”. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải chịu ENT nếu thành lập cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi, nếu cơ sở có diện tích từ 500 m2 và/hoặc không nằm trong khu vực bán lẻ, như trung tâm mua sắm hoặc trung tâm thương mại. Hội đồng ENT được thành lập ở cấp tỉnh, bao gồm đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương và các quận huyện có liên quan để xem xét và đưa ra ý kiến về từng cơ sở, dựa trên tiêu chí ENT được quy định tại Nghị định 09.

“Vấn đề mà doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt hiện nay là Bộ Công thương không chấp nhận kết quả xem xét về ENT của Hội đồng ENT theo ý kiến chủ quan của mình, ngay cả khi Hội đồng ENT đã đưa ra các ý kiến ủng hộ. Bộ Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các số liệu về số lượng cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư và quy mô của các địa phương cấp huyện nơi dự kiến thành lập cơ sở bán lẻ, từ đó làm cơ sở để Hội đồng ENT đánh giá xem doanh nghiệp có liên quan đáp ứng được không. Yêu cầu này không tuân thủ Nghị định 09. Theo đó, ý kiến của Hội đồng ENT  chỉ được yêu cầu 1 lần. Hơn nữa, doanh nghiệp không có nghĩa vụ hay nguồn lực để có được dữ liệu kinh tế vĩ mô và quy hoạch để cung cấp cho các cơ quan chức năng để thỗ trợ cho từng đơn xin thành lập cơ sở bán lẻ. Điều này đã gây ra những khoản phí không chính thức to lớn cho doanh nghiệp”, đại diện nhóm công tác phát biểu.

Phù hợp với mục tiêu bảo vệ nhà bán lẻ trong nước

Phản hồi về ý kiến của Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nói: “Chúng tôi rất hiểu sự thất vọng của Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại do đã không có nhiều thay đổi liên quan đến Nghị định 09”. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, vấn đề ở đây là nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn có được sự tự do tuyệt đối trong thiết lập hệ thống bán lẻ của mình tại Việt Nam, trong khi đó Việt Nam có nhu cầu bảo vệ các nhà bán lẻ vốn nhỏ bé trước những nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính khổng lồ. “Đó là một nhu cầu chính đáng và được WTO thừa nhận”, ông Khánh nói.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công thương, Nghị định 09 “không trái với các cam kết WTO. Vì vậy, “chúng tôi không trông đợi có sự thay đổi nội dung của Nghị định 09”.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định “về thủ tục hành chính sẽ khác”. Theo đó, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ Công thương sẽ nghiêm túc ghi nhận các ý kiến đóng góp của nhóm công tác, Bộ sẽ sớm chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc xem xét kiến nghị để làm sao ngày càng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Vũ Thủy