Bài 1: Đêm thâu, túi khót, rừng già

Nguyên Anh - Lê Thư 26/06/2018 08:50

Bầu trời cửa ngõ Tây Bắc nguyên sơ và xanh thẳm. Ẩn dưới tán rừng già, trong nếp nhà sàn là những sinh hoạt bình dị bao bọc đời sống tâm linh người dân nơi đây. Trong không khí trang nghiêm thành khẩn, nghi lễ, lời mo chẳng khác con suối hiền hòa, chảy lan từ mạch ngầm mường bản.

Thẳm sâu tiềm thức

Điểm mặt, chỉ danh đặc sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam, nói cái nào quý hơn cái nào chẳng khác gì so sánh vẻ đẹp của các thiếu nữ. Đẹp xinh tùy mắt mỗi người nhưng lẽ thường cái gì càng khó nắm bắt lại càng cuốn hút. Bởi vậy, xứ mo Mường (Hòa Bình) vẫn không ngừng lôi cuốn những bước chân lãng du. Đến để thấy sắc màu huyền bí trong sinh hoạt đời thường, là triết lý sống thấm nhuần và những gì đọng lại đến nay đều là tài sản vô giá.

Về Hòa Bình, qua 4 vùng: Bi, Vang, Thàng, Động, dễ dàng bắt gặp những người đang ngày đêm thắp lửa giữ mo Mường. Chẳng thế mà suốt hành trình, chúng tôi đến bản nào chỉ cần nhắc “thầy mo…” là y như rằng bà con đều biết khách đang tìm gặp ai, chỉ dẫn đường đi, lối lại. May mắn thì được tham gia một buổi mo Mường, nếu không, chỉ ngồi trò chuyện với thầy mo cũng đủ mở ra kho báu của núi rừng. Mới hay, chính yếu tố thiêng liêng, huyền bí, áng mo Mường với khúc thức và ngôn ngữ cổ đầy sự hồn nhiên lại phản chiếu những gì thật nhất, “đời” nhất của đồng bào Mường nơi đây.

Theo con đường vòng vèo dưới chân núi, chúng tôi đến xóm Bầu, xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn. Khác hai bên trục đường chính, khung cảnh khá hoang sơ với những ô thửa đồng ruộng, nếp nhà sàn nằm khép mình dưới bóng cây. Mời khách ngồi vào gian chính giữa nhà sàn, nhấp ngụm trà nóng, ông Bùi Văn Hải, 57 tuổi, thủng thẳng kể chuyện mo. Quá nửa đời làm nghề, ông không nhớ đã đi mo bao nhiêu đám nhưng các thủ tục nghi lễ, lời mo thì đã ăn sâu vào trí nhớ. Ông bảo, văn hóa người Mường đặc sắc, đa dạng lắm, nhưng riêng mo là độc đáo, lâu đời. Nhà nào có đám, việc đầu tiên là mời thầy mo đến.

Theo lối cổ, trước hết là quét thăng (làm sạch) quan tài, làm kẹ (tra thuốc) để xua đi mọi bệnh tật cho người mới qua đời. Rồi thầy mời quan Thiên Thư, Đại Thánh về phù hộ, mới thắp hương, thắp đèn chuẩn bị vào mo. Thâu đêm suốt sáng, thầy mo ngồi đọc sử thi đẻ đất đẻ nước rồi đến đẻ loài người, đẻ vật… “Hệ tâm linh ấy không rõ có tự lúc nào, chỉ biết từ xưa ông bà Mường mình đã theo thì con cháu cũng cứ thế mà tiếp nối”, mo Hải nói.

Thầy mo Bùi Văn Hải giới thiệu các nghi thức của mo Mường Ảnh: Nhật Linh
Thầy mo Bùi Văn Hải giới thiệu các nghi thức của mo Mường
Ảnh: Nhật Linh

Huyền hoặc sử thi

Mo là một từ gốc Mường, theo cách gọi thông thường là các bài ca được sử dụng khi tiến hành nghi lễ. Hàng chục nghìn câu thơ, câu văn vần qua các bài mo, cát mo, roóng mo được sáng tác theo vần điệu, nghệ thuật và tuân thủ nguyên tắc diễn xướng nhất định. Có thể loại mo dùng cho nghi lễ, mo kể chuyện và mo nhòm phục vụ lễ, Tết Nguyên đán, thanh minh, lễ cơm mới, lễ mụ sinh, lễ cưới hỏi đến trừ tà ma, cầu yên, cầu sức... Trong đó, đặc biệt là tang lễ, cả cộng đồng cùng nghe.

“Từ lúc trời đất liền nhau cho đến khi tách ra, chưa có chim chóc, cây cỏ gì. Rồi một cây si mọc lên đẻ ra nhiều cành. Một cành chồi cao nhất làm thân cây đổ xuống. Lá thành đuôi con cá, cành thành thú rừng, đoạn giữa thành một đôi con chim…”. Không gian mờ ảo, lửa đỏ bập bùng, lời mo ngân lên truyền cảm và uy lực như bức tranh huyền hoặc núi rừng. Từ câu chuyện của thiên nhiên đến câu chuyện đời người, cuộc đời người mất - được tái hiện từ 9 tháng 10 ngày đến khi sinh ra, được nuôi nấng, trưởng thành… Qua lời mo Hải, trong tập tục Mường ở Hòa Bình, người chết muốn lên trời chỉ đi đường Kim Bôi, qua sông Bôi. Con đường ấy cũng có sông suối, núi đá, cũng có chỗ nghỉ, chỗ rong chơi… Xen từng đoạn kể, tiếng chuông đồng rung lên làm tỉnh thức cơn mộng mị, rồi lại ru hồn người vào cõi tâm linh, kỳ bí.

Ấn tượng nhất trong ký ức thầy mo là những đêm mo cho nhà quan lang. Mo 12 đêm với bao câu chuyện được kể, dẫn dắt đầy đủ từ nguồn gốc xuất xứ của người Mường trên vùng đất Hòa Bình, cách tạo lửa, trồng cấy, làm nhà… Mo Hải nhớ lại lúc bé được theo chân bố đi mo cho các nhà, tới khi chính ông trở thành thầy mo, đoạn mo lên trời bao giờ cũng hấp dẫn nhất, trong nhà, dưới sân chật ních, ai cũng bị cuốn theo từng lời mo. Ông rành rọt: “Lên trời chỉ có một đường, trên ấy có 3 đường rẽ. Đường thứ nhất, thầy hỏi: Người này thấy còn khỏe, sao không để nó sống lâu? Tức cho biết lý do chết đấy. Đường thứ hai, xin giấy tờ để trở lại dưới đất, cầu những điều mong ước. Đường thứ ba là cầu ông vua bụt để lúc lên đi bộ nhưng về có thêm đôi cánh, bay qua sông suối, núi đèo, nhanh chóng về nhà…”.

“Báu vật” truyền đời

- Vật quý nhất của thầy mo là gì? Mo Hải chỉ tay lên chiếc túi treo cạnh bàn thờ: “Cái đấy đã được truyền 6 đời rồi đấy, đến tôi là đời thứ 7”. Ấy là vật thiêng, là “báu vật” của thầy mo Mường, khi chưa dùng đến đều nằm im trong “túi khót”. Chúng tôi ngỏ ý muốn xem, mo Hải trầm ngâm một lúc rồi chẹp miệng: “Phải xin phép tổ tiên mới được”. Nói rồi, ông giảng giải: Túi khót đựng các vật dụng của thầy mo, chỉ truyền cho người trong họ, ai làm mo thì sử dụng và không thể tùy tiện mở ra. Riêng Tết thì được phép lấy xuống để rửa sạch, lau khô, rồi cất lại chỗ cũ. Có đám tang, thầy mo muốn sử dụng thì phải “đánh thức” chúng, để chúng nghe theo lời của mình. Như vậy, các vị tổ tiên cũng sẽ giúp sức, hộ vệ cho sức mạnh của thầy mo tăng lên gấp bội.

Sau một hồi chắp tay khấn vái, mo Hải hạ túi khót, lần lượt lấy ra từng vật như chuông đồng, quạt, nanh thú rừng… rồi vận trang phục, cầm chuông lắc lắc tái hiện khung cảnh lễ mo Mường. Chiếc áo dài rộng thắt ngang lưng tôn lên khí thế trang nghiêm, thành khẩn. Chiếc mũ mềm bằng vải đội trên đầu được khâu thuôn về phía đỉnh, hai bên chóp nhọn ở đầu, đính thêm sừng làm tăng uy lực của thầy mo. Khắp bản Mường ai không biết, tất cả đồ vật, thủ tục lễ nghi ấy đều do thần linh ban chỉ, thầy mo nào có nhiều vật dụng, càng kể chuyện được nhiều thì sức mạnh càng lớn.

Nguyên Anh - Lê Thư