Từ cây thoát nghèo thành cây làm giàu

Chi An 25/06/2018 07:33

Nếu trước đây, atiso, chè dây, đương quy, tam thất, đỗ trọng… được người dân Sa Pa coi là cây xóa đói giảm nghèo thì nay đã thành cây làm giàu, giúp đồng bào vùng cao ổn định đời sống kinh tế. Người Mông, Dao nhờ trồng dược liệu mà mua được tivi, xe máy, có tiền tiết kiệm…

Đón nhận thời cơ mới

Vài năm gần đây, tập quán canh tác của đồng bào ở Sa Pa (Lào Cai) thay đổi rõ rệt. Từ chỗ nặng về tâm lý lo dự trữ lương thực, ngại chuyển đổi cây trồng mới, người dân đã biết trồng các loại cây phi truyền thống và có tính hàng hóa cao. Năm 2001, cả huyện Sa Pa chỉ có 3 - 5ha dược liệu, năm 2015 có 80ha thì nay có tới gần 150ha.

Nhu cầu sử dụng dược liệu ngày càng cao trên thị trường và xu hướng tiêu dùng thay đổi theo hướng ưa chuộng nguồn hàng sạch, hướng nội, đặc trưng và có nguồn gốc thảo mộc mang đến cho ngành sản xuất dược liệu Sa Pa một thời cơ mới. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sa Pa cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, huyện chú trọng phát triển vùng cây dược liệu lên 200ha, đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dân trồng đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt để tiêu thụ được hết sản phẩm.

Huyện Sa Pa xác định chỉ mở rộng sản xuất một số sản phẩm dược liệu tiềm năng, mũi nhọn như atiso, đẳng sâm, đỗ trọng, đương quy, mộc hương, tam thất, xuyên khung… trong đó tập trung phát triển mạnh cây atiso (chiếm khoảng 50% diện tích). Atiso rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Sa Pa, không mất nhiều thời gian, công sức chăm bón vất vả như cây lúa. Đặc biệt, atiso mang lại giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định do được Công ty CP Traphaco cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Một hecta trồng atiso hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần trồng lúa nên người dân Sa Pa coi đây là cây xóa nghèo. Nếu atiso Đà Lạt chủ yếu lấy hoa để làm trà thì atiso Sa Pa ngoài bán lá cho TraphacoSapa để chiết xuất cao, người dân còn có cơ hội thu hoạch thêm hoa và thân cây. Những năm trước đã có hộ trồng atiso thu nhập gần 50 triệu đồng/năm; nếu thâm canh tốt, có thể cho năng suất 100 tấn/ha và thu nhập gấp đôi.

Tạo sinh kế lâu bền cho người dân

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất sản xuất, Sa Pa tạo điều kiện tốt nhất để các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào canh tác dược liệu. Đơn cử như việc hạn chế sử dụng quỹ mặt đất tự nhiên, thay vào đó sử dụng đất sinh học, trồng dược liệu trên giá treo để tạo ra sản phẩm chất lượng cao mà lại tiết kiệm được quỹ đất. Trong khai thác, việc tận dụng lợi thế nguồn dược liệu tự nhiên có kết hợp với bảo tồn, duy trì và phát triển các nguồn cây quý hiếm.

UBND huyện Sa Pa cũng có cơ chế khuyến khích việc bảo tồn các nguồn gene dược liệu đặc hữu, cây dược liệu bản địa giá trị cao và có nguy cơ tuyệt chủng thông qua các dự án, hợp phần phát triển; hoàn thiện các quy định, chính sách với danh mục dược liệu cấm khai thác, hạn chế khai thác vì mục đích thương mại. Việc quy hoạch vùng khai thác dược liệu tự nhiên cũng sẽ được tiến hành song song với công tác điều tra, đánh giá, xác định số loài, trữ lượng để có kế hoạch bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt.

Ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa nhận định: Thị trường thay đổi buộc Sa Pa phải thích ứng. Để có thể trở thành vùng dược liệu lớn mạnh và bền vững, vấn đề quy hoạch và quy hoạch lại vùng dược liệu là tất yếu. Định hướng phát triển ngành sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu của Sa Pa là khôi phục vùng trồng gắn với nhu cầu của thị trường; sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ. Trong các hoạt động thị trường, huyện khuyến khích việc đa dạng hóa các sản phẩm, phát triển nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao.

Do chưa có cơ sở nghiên cứu, chọn lọc giống hay tập đoàn giống dược liệu, việc phát triển sản xuất chủ yếu là tự phát và dựa vào tự nhiên, nên lĩnh vực này đang được Sa Pa rất quan tâm, nhằm tạo sự chuyển biến lớn trong những năm tới đối với ngành sản xuất dược liệu. Theo đó, huyện sẽ kết hợp với các đơn vị nghiên cứu uy tín để chọn lọc, lai tạo các giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

Về đầu ra cho sản phẩm, ngoài sản lượng lớn nguồn dược liệu trên địa bàn xuất bán cho Công ty Traphaco Sapa, huyện còn tạo khuyến khích gắn sản phẩm dược liệu với du lịch, đưa người dân tiếp cận với khách du lịch, bán ra thị trường. Đây cũng là hướng đi bền vững tạo thị trường xuất khẩu tại chỗ mà huyện đang hướng tới. Trong hướng đi này, có sự vào cuộc, chung tay của chính quyền địa phương để sản phẩm dược liệu mang nhãn hiệu Sa Pa tiến xa hơn tới thị trường trong nước.

Nếu như lúc đầu, cây atiso được chính quyền huyện Sa Pa xác định là “cây thoát nghèo” cho bà con dân tộc thì nay cây dược liệu quý này đã được xác định lại là “cây làm giàu”, tạo sinh kế lâu bền cho người dân.

Chi An