Hội thảo về nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Chiều 20.6, tại trụ sở VPQH, Viện Nghiên cứu lập pháp - UBTVQH phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2018 - 2019 của UBTVQH về “Nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” đã tổ chức hội thảo về chủ đề này.
Theo Ủy viên Hội đồng khoa học của UBTVQH nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ nhiệm đề tài, GS.TS Trần Ngọc Đường, hội thảo nhằm mục đích làm rõ bản chất cốt lõi, nội hàm, vai trò, nguyên tắc của pháp quyền. Thực hiện nguyên tắc pháp quyền là gì? Bản chất, vai trò và nội dung thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong các nhánh quyền lực nhà nước lập pháp, hành pháp và tư pháp như thế nào?
Được biết, cả trong và ngoài nước đều chưa có khái niệm thống nhất về nội hàm của nguyên tắc pháp quyền. Trong tiếng Anh, pháp quyền là “the rule of law”. Có ý kiến cho rằng, “the rude of law” là tinh thần thượng tôn pháp luật. Ý kiến khác lại nhấn mạnh khía cạnh pháp quyền là quyền bình đẳng trước pháp luật và tòa án; pháp quyền là pháp luật bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người… Ở các góc độ khác nhau thì pháp quyền được nhấn mạnh khác nhau.
![]() Hội thảo về nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa |
Do vậy, một số đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, pháp quyền là thuật ngữ có nội hàm rất rộng, trừu tượng, không được xác định một cách cụ thể như khái niệm Nhà nước pháp quyền với những đặc trưng đã được chỉ ra. Ví dụ như, Nhà nước pháp quyền là Nhà nước mà Hiến pháp và Luật giữ ở vị trí tối cao; là phương tiện quyền giới hiện quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp…
Với câu hỏi pháp quyền có phải là một nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hay không, có quan điểm cho rằng, pháp quyền là một nguyên tắc quản trị nhà nước và xã hội; là một nguyên tắc trong mối quan hệ giữa các quốc gia. Bởi, thượng tôn pháp luật là nội dung cơ bản của nguyên tắc này.
Ngược lại, cũng có ý kiến phản bác rằng, pháp quyền không phải là một nguyên tắc mà các yếu tố cấu thành pháp quyền mới là các nguyên tắc. Ví dụ, theo Dự án công lý quốc tế thì có 4 nguyên tắc đánh giá mức độ pháp quyền và cũng là 4 nguyên tắc pháp quyền; đó là: Trách nhiệm giải trình của Nhà nước; pháp luật phải công bằng; chính quyền mở và cơ chế giải quyết xung đột vô tư, có thể tiếp cận. Cũng có những người quan niệm các yếu tố cấu thành pháp quyền phong phú hơn thì pháp quyền gồm nhiều nguyên tắc hơn như nguyên tắc Nhà nước bị ràng buộc bởi pháp luật; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; tư pháp độc lập và công khai; quyền con người, quyền công dân được pháp luật bảo vệ…
Với những cách hiểu khác nhau, Ban Chủ nhiệm đề tài mong muốn các đại biểu đóng góp tích cực để Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2018 - 2019 của UBTVQH về “Nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - cơ sở lý luận, thực tiễn” thực sự có chất lượng.