“Công thức” 1 - 3 và 3 - 9

Ts. Bùi Ngọc Thanh 10/06/2018 08:33

1 - 3 là “công thức” được áp dụng thí điểm trong hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của UBTVQH ngày 19.3.2018. Nội dung của công thức là mỗi ĐBQH chất vấn trong thời lượng 1 phút, người bị chất vấn trả lời trong thời lượng 3 phút (còn gọi là hỏi ngay, đáp liền). Sau khi thí điểm đạt kết quả khả quan, UBTVQH đã hoàn thiện thêm một bước, trong đó cần có giải pháp tránh tình trạng “đứng lên, ngồi xuống cấp tập”. Do đó ở quy mô toàn thể QH cần thiết phải áp dụng công thức 3 - 9 (3 ĐBQH chất vấn, mỗi đại biểu 1 phút và người trả lời chất vấn trả lời tối đa 9 phút), còn được gọi là hỏi nhanh, đáp gọn. Đây là một sáng kiến trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của QH và đã gặt hái được những thành công.

“Điểm huyệt” trúng bức xúc

Có vấn đề vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của thành công, đó là việc lựa chọn các nhóm vấn đề chất vấn. Cách tiến hành lựa chọn vừa dân chủ, vừa khoa học, đã hội tụ được đầy đủ ý kiến các đại biểu với độ chụm, đồng thuận khá cao (68,29% số phiếu thăm dò đại biểu nhất trí chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; 85,84% đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; 89,22% đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và 93,23% đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải).

4 nhóm vấn đề là 4 khu vực “nóng”, nhưng mỗi khu vực “nóng” lại có điểm “nóng bỏng” (BOT trong giao thông - vận tải; đất đai, bờ sông, bờ biển trong tài nguyên - môi trường; thi cử trong giáo dục; thất nghiệp, xâm hại trẻ em trong lao động và xã hội). “Điểm huyệt” trúng những vấn đề bức xúc nên đa số đại biểu đều có nhu cầu chất vấn. Không khí sẵn sàng hỏi - đáp dường như đã báo hiệu một sự thành công. Quả đúng như vậy.

Về số lượng, theo ghi chép của chúng tôi và so sánh một cách tương đối thì số lượng chất vấn đã tăng vượt trội. Tại Kỳ họp thứ Tư, mặc dù mỗi đợt có từ 6 - 8 đại biểu được chất vấn, nhưng cuối cùng cũng chỉ có 144 lượt đại biểu chất vấn được trả lời ngay và 31 lượt đại biểu được tranh luận. Cả chất vấn (được trả lời ngay) và tranh luận là 175 lượt đại biểu. Tại Kỳ họp thứ Năm, chất vấn được trả lời ngay là 198, tranh luận 70, cả hai loại là 269. So sánh giữa Kỳ họp thứ Năm và Kỳ họp thứ Tư thì chất vấn được trả lời ngay tăng 37%, các tranh luận gấp hơn 2,2 lần, cả hai loại tăng 53,7%.

Về chất lượng, vì thời lượng chất vấn chỉ 1 phút nên tuyệt đại bộ phận các câu hỏi được gọt dũa ngắn gọn, nội hàm rõ ràng, súc tích và đều ở tầm vĩ mô. Người bị chất vấn bám sát câu hỏi nên trả lời tương đối khúc chiết, rành mạch, đúng trọng tâm, thông tin phong phú, “đắt giá” và có lẽ các Bộ trưởng đã có sự chuẩn bị khá chu đáo nên có nhiều dẫn liệu định lượng làm tăng sự hấp dẫn của phần định tính. Các câu trả lời nói chung đều theo xu thế nói rõ tồn tại, trách nhiệm của bản thân, của cơ quan và giải pháp khắc phục. Có lẽ phương châm hỏi nhanh, đáp gọn được thực thi có hiệu quả rõ rệt nên cử tri cả nước rất hào hứng theo dõi, có nơi tập trung đông đảo như là hội nghị.

Về cơ bản các Bộ trưởng khắc phục được tình trạng sót câu hỏi, sót ý. Trước đây do mỗi đợt có 6 - 8 đại biểu chất vấn, mỗi đại biểu thường hỏi 2 - 3 câu, nên người trả lời chất vấn có lúc ghi chép không kịp, không đủ ý. Tất nhiên sẽ dẫn đến việc trả lời cũng không đầy đủ, không hết ý. Như thế đương nhiên người nghe, người chất vấn không thỏa mãn. Nay chỉ 3 đại biểu cũng thường mỗi người chỉ hỏi một câu nên người trả lời ghi chép kịp thời và đáp đúng trọng tâm, đủ ý làm cho người chất vấn, cử tri theo dõi khá hài lòng.

Giải trình và trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Chính phủ: Ấn tượng sâu sắc đối với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có lẽ ngoài việc giải trình ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm là việc thực thụ chất và vấn (không phải chỉ vài ba câu “màu mè” hình thức). Cái khó “dồn đến” cho Phó Thủ tướng là không có giới hạn nhóm vấn đề, mà là toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của Chính phủ. Nhiều chất vấn có tầm rộng lớn, độ phức tạp cao, không dễ gì trong 3 phút mà nói cho rành rọt (như tính đúng, tính đủ năng suất lao động; xu thế sử dụng tiền ảo; quy mô và độ mở của nền kinh tế; liên kết vùng; tích tụ ruộng đất; các vấn đề xã hội phải ngang tầm với kinh tế...). Tuy vậy, Phó Thủ tướng đã trình bày từng vấn đề khá cô đọng nhưng rõ ràng, mạch lạc, thẳng thắn cả lý luận và thực tiễn, có liên hệ giữa các thời kỳ, giữa trong và ngoài nước... Thời lượng trả lời chất vấn chỉ bằng khoảng 40% so với các Bộ trưởng, nhưng Phó Thủ tướng đã trực tiếp trả lời tới 33 chất vấn (gần bằng Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, 36 chất vấn) mà nhiều vấn đề có “hướng ra, đi lên” khá rõ... Đại biểu và cử tri khá hài lòng.

Sự quyết đoán của Chủ tọa

Cách thức điều hành của Chủ tọa hợp lý, hiệu quả: Theo dõi liên tục cho thấy, có những quyết đoán kịp thời của Chủ tọa mà giải quyết ngay được công việc, không phải qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian (Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải dự định chỉ đạo nghiên cứu thuật ngữ thu phí thu giá, trình Bộ, rồi Bộ trình Chính phủ quyết định, nhưng Chủ tọa “quyết” ngay: Không phải nghiên cứu đổi tên, lâu nay nói là “thu phí” thì nay trả lại “thu phí” là ổn). Khi tranh luận lên đến “cao trào” thì Chủ tọa có ngay giải pháp kết hợp hợp lý giữa chất vấn và tranh luận để bảo đảm quyền được chất vấn của đại biểu (mỗi vấn đề, đại biểu chỉ nên tranh luận không quá 2 lần). Mỗi khi có đại biểu “lấn sân” sử dụng tranh luận để chất vấn thì đều được Chủ tọa “nhắc khéo” để không tái diễn. Những chất vấn “ngoài đường biên” của nhóm vấn đề hoặc những chất vấn đòi hỏi phải tính toán cụ thể (như số lượng tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư của các trường, các lĩnh vực...) Chủ tọa cho phép trả lời bằng văn bản... Tất cả những quyết đoán đó đã tiết kiệm được thời gian và cũng góp phần lý giải được vì sao “năng suất” của hoạt động chất vấn kỳ này tăng gấp rưỡi kỳ trước... Bởi vậy ý kiến của cử tri trong Nam, ngoài Bắc nói rằng, “Chủ tọa trí tuệ, điều hành nhạy bén, năng động và kiên quyết”, nhận xét đó là đúng đắn và thỏa đáng.

Sự việc, sự vật thường mang tính hai mặt ưu, khuyết; “công thức” 3 - 9 cũng không phải là ngoại lệ. Song mới được áp dụng trong một kỳ họp nên chưa thấy có vấn đề gì lớn xuất hiện, mà chỉ là sự tuân thủ nghiêm ngặt hơn nữa các quy định của công thức này. Đó là: Chỉ chất vấn trong nhóm vấn đề đã được xác định. Đại biểu được quyền chất vấn nhiều lần, do đó không nên ham nói dài, hỏi nhiều câu, đọc quá nhanh cho kịp 1 phút. Không nên hòa lẫn chất vấn và tranh luận. Cũng không nhất thiết cứ đăng ký là phải được chất vấn hết, nên chăng về cuối chỉ chất vấn những vấn đề, những khía cạnh mới, giảm bớt trùng lặp.

Dù còn một vài khiếm khuyết nhưng hỏi nhanh, đáp gọn theo “công thức” 3 - 9 là một bước đổi mới thực sự có hiệu quả. Bản thân sự đổi mới này đã phát huy mạnh mẽ hơn nữa tính dân chủ, tinh thần trách nhiệm của các bên, cùng giải quyết công việc của đất nước tốt hơn, phục vụ nhân dân đắc lực hơn.

Ts. Bùi Ngọc Thanh