Tối ưu hóa lợi ích

Ý Nhi 02/06/2018 07:29

Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về quy hoạch tại 13 luật được các ĐBQH đánh giá là cần thiết, góp phần bảo đảm sự vận hành không bị trùng lặp, mâu thuẫn và chồng chéo. Đặc biệt, dự thảo Luật phải thực sự tối ưu hóa được lợi ích, chứ không điều chỉnh theo những giải pháp tình thế, hoặc những áp lực nhất định.

Không điều chỉnh theo giải pháp tình thế

Mục tiêu xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất; Luật Điện lực; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học và công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị nhằm bảo đảm tính đồng bộ với Luật Quy hoạch. Về cơ bản, các ĐBQH đều cho rằng, nội dung dự thảo Luật đã đạt được mục tiêu này, với việc loại bỏ quy hoạch sản phẩm không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường như quy hoạch công nghiệp hóa chất, quy hoạch phát triển công nghiệp dược… Với sửa đổi này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) chỉ rõ, việc xem xét, thông qua dự thảo Luật sẽ góp phần bảo đảm sự vận hành không bị trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn nhau giữa các luật.

ĐBQH Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường Ảnh: Lâm Hiển

Căn cứ vào tính chất quan trọng của quy hoạch, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng: Chúng ta thành công hay thất bại phụ thuộc vào quy hoạch. Quy hoạch đúng sẽ tạo điều kiện cho các ngành nghề phát triển. Ví dụ quy hoạch hàng không, quy hoạch công nghệ thông tin ở nước ta đang đi đúng hướng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Ngược lại, quy hoạch cũng là “nguồn cơn” của tiêu cực, gây ra thiệt hại. Có trường hợp, quy hoạch quy ra luật là đúng, nhưng sau đó lại bị phá hỏng, làm méo mó, bị điều chỉnh một cách tùy tiện theo lợi ích nhất thời hoặc theo tác động của nhóm lợi ích. Chính vì thế, dự án Luật phải bám sát quan điểm tối ưu hóa lợi ích, chứ không điều chỉnh theo những giải pháp tình thế hoặc những áp lực nhất định.

Đơn cử như, quy định về bỏ quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng quy định trong dự thảo Luật, nhiều ĐBQH còn tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, bỏ quy định này là phù hợp với thực tiễn. Song, cũng có ý kiến chỉ ra rằng, việc bỏ quy định này đem lại không ít rủi ro, nhất là khi các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành nghề công chứng của công chứng viên và văn phòng công chứng ngày càng tăng. Dự thảo Luật sẽ làm thế nào để tối ưu hóa lợi ích của người dân và doanh nghiệp?

Không cản trở phát triển KT - XH

Ở góc nhìn khác, ĐBQH Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, việc bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng là phù hợp với Luật Quy hoạch. Vì quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng không có trong danh mục quy hoạch kèm theo Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, văn phòng công chứng là tổ chức bổ trợ tư pháp được điều chỉnh theo luật chuyên ngành là Luật Công chứng, không phải theo Luật Doanh nghiệp. Công chứng trước đây là dịch vụ công do Nhà nước thực hiện, nay Nhà nước ủy quyền cho tư nhân làm. Với tính chất đặc thù như vậy, hoạt động công chứng cần được quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng khi cho phép thành lập.

Đáng lưu ý hơn, việc thành lập văn phòng công chứng đang tương đối dễ dàng, số lượng văn phòng công chứng tăng lên rất nhanh, kéo theo đó là sự cạnh tranh khốc liệt để tranh giành khách hàng. ĐB Võ Thị Như Hoa nêu rõ, nhiều tổ chức công chứng chấp nhận rủi ro, bỏ qua nguy cơ về pháp lý để linh động khi ký kết hợp đồng giao dịch dân sự cho người dân và doanh nghiệp. Khi đó, rủi ro về mặt pháp lý rất lớn, không chỉ với tổ chức công chứng mà còn với người yêu cầu công chứng.

Cùng quan điểm, ĐBQH Lê Thành Long (Kiên Giang) cho biết thêm, công chứng là nghề tư pháp, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích thiết thân của người dân, doanh nghiệp, cho nên phải được kiểm soát chặt. “Chúng ta có thể nhất trí về chủ trương bỏ quy hoạch tổng thể quốc gia về hành nghề công chứng, nhưng bỏ quy hoạch thì phải tăng cường các điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề để tránh rủi ro xảy ra”, ĐB Lê Thành Long nói. Thực tế, khi rà soát các quy định, điều kiện hành nghề công chứng trong luật, có thể thấy rõ là chưa bảo đảm vai trò quản lý nhà nước. Ví dụ, tiêu chuẩn về nhân sự đối với công chứng viên, trưởng văn phòng công chứng, nhân viên nghiệp vụ, tiêu chuẩn về tài chính, bảo đảm các hoạt động của văn phòng công chứng, nghĩa vụ bồi thường, xử lý rủi ro phát sinh trong quá trình hành nghề, giải thể, chấm dứt hoạt động của văn phòng công chứng, điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ, bảo mật, kiểm soát thông tin, hợp đồng, giao dịch đã công chứng… Những điều này đều chưa được quy định đầy đủ ở trong Luật Công chứng. Vì thế, trong trường hợp bỏ quy hoạch tổng thể quốc gia về công chứng, nên chăng giao Chính phủ quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện đối với công chứng viên, điều kiện thành lập tổ chức hoạt động, các quyền, nghĩa vụ pháp lý của tổ chức hành nghề công chứng; quy định công khai, minh bạch trách nhiệm của Nhà nước.

Nhấn mạnh quan điểm về phạm vi của dự thảo Luật, chỉ điều chỉnh vấn đề liên quan đến quy hoạch, còn những gì liên quan đến cơ chế, chính sách phải có phân tích, tổng kết rõ ràng, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) lưu ý, bỏ quy hoạch phát triển hành nghề công chứng, nhưng lại giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện hành nghề của tổ chức công chứng, tức là đã phát sinh vấn đề về cơ chế, chính sách. Trong trường hợp thực sự cần thiết phải sửa các điều kiện liên quan đến tổ chức hành nghề công chứng, thì có nên rút Luật Công chứng ra để phân tích, đánh giá hồ sơ đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không?

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, đã là cơ chế, chính sách liên quan đến điều kiện thành lập tiêu chuẩn, công chứng viên thì phải có tổng kết và báo cáo với QH tại kỳ họp sau, chứ không nên quy định ngay trong dự thảo Luật.

Quyết tâm của QH và Chính phủ là hoàn thiện các thể chế liên quan đến quy hoạch. Theo đó, dự thảo Luật định hướng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định hiện hành không còn phù hợp, không đồng bộ với Luật Quy hoạch đã được ban hành; nhanh chóng đưa Luật Quy hoạch vào thực thi. Nhưng dù khẩn trương, việc sửa đổi, ban hành Luật vẫn phải bảo đảm chất lượng, không gây chồng chéo với luật khác, hoặc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp cũng như quá trình phát triển KT - XH của đất nước.

Ý Nhi