Từ “Sing My Song” đến “Alo Song”
Khép lại game show đình đám “Sing My Song - Bài hát hay nhất” mùa 2 với chiến thắng chung cuộc thuộc về đội mình (Lộn Xộn Band), tác giả “Ôi quê tôi” nhanh chóng bắt tay vào một dự án âm nhạc thú vị khác có tên “Alo Song”, ở vị trí giám đốc nghệ thuật.
Không ít “nhân tố bí ẩn” thật ra là nhẵn mặt
- Mỗi một mùa game show khép lại, thấy nổi lên một vài nhân tố mới rồi lại nhanh chóng bị nhấn chìm bởi những con sóng mới. Là người thường xuyên ngồi ghế giám khảo các cuộc thi hát, anh thấy điều cần lưu tâm nhất ở đây là gì?
“Không phải cứ viết, hay hát được đôi ba bài hit là đã trở thành tác giả, nghệ sĩ. Một nút bấm, một chiếc gạt cần có thể giúp làm nóng cái tên của bạn, trong khuôn khổ một cuộc thi, nhưng để đi đường dài, cái gạt cần đó, nút bấm đó chắc chắn phải nằm trong chính tay bạn, mà không phải là nhà tổ chức game show”. |
- Hàng loạt cuộc thi hát mở ra, thi nhau lên sóng, không ít “nhân tố bí ẩn” thật ra là nhẵn mặt qua các cuộc thi, trượt chỗ này thì chạy qua chỗ kia. Vậy vấn đề là đầu vào ở đâu để “đủ cung” cho các cuộc thi ấy, nếu như chúng ta chỉ chăm chăm hớt váng, gặt lúa non mà coi nhẹ khâu chăm bẵm, đào tạo. Các nhân tố tiềm năng, sau khi đã lộ diện, vẫn cần và càng cần được uốn nắn, định hướng tiếp. Không phải cứ viết, hay hát được đôi ba bài hit là đã trở thành tác giả, nghệ sĩ. Một nút bấm, một chiếc gạt cần có thể giúp làm nóng cái tên của bạn trong khuôn khổ một cuộc thi, nhưng để đi đường dài, cái gạt cần đó, nút bấm đó chắc chắn phải nằm trong chính tay bạn, mà không phải là nhà tổ chức game show.
Cần lắm những “lãnh tụ tinh thần” cho các bạn trẻ, khi họ vừa bước ra từ ánh hào quang của các cuộc thi, mà như ai đó đã nói: “Vòng nguyệt quế đôi khi là cái dây thòng lọng”. Bệ phóng rất cần, nhưng cũng chỉ mới là bệ phóng. Để đi đường dài, đó là câu chuyện của tài năng, bản lĩnh và nhiệt thành tiếp lửa từ các nghệ sĩ đi trước. Nhưng một mặt, công chúng và truyền thông cũng xin đừng quá sốt ruột, vô hình trung gây sức ép không đáng có lên những hạt mầm.
- Càng ngày anh càng trở nên có duyên trên hàng “ghế nóng”. Thế nhưng một Lê Minh Sơn - nhạc sĩ của những “Ôi quê tôi”, “Đá trông chồng”… thì lại đang như bị mờ đi; những giọng ca “ruột” đình đám, từng một thời gắn bó với âm nhạc Lê Minh Sơn như Thanh Lam, Tùng Dương… cũng lần lượt rời khỏi anh. Vậy liệu anh lấy gì để thu phục người trẻ, như đã từng là một “thỏi nam châm”?
- Sao lại không là một câu hỏi ngược lại nhỉ: Biết là mấy người kia “bỏ đi”, hay ai mới là người ngưng hợp tác? Và trước khi đến với tôi, trừ Thanh Lam, liệu họ đã phải là ca sĩ thành danh chưa, hay là sau đó? Còn những người trẻ, chẳng hạn như tại Sing My Song, là do tôi ùa đến với họ đấy chứ, khác nhau hoàn toàn! Nói gì thì nói, tôi luôn tin vào người trẻ, vì không tin vào lớp trẻ thì tin ai, nhất lại là tuổi trẻ trong âm nhạc. Rõ ràng là đang có một làn gió mới trẻ trung, sung sức thổi vào âm nhạc Việt. Tôi đồ rằng chỉ khoảng 5 năm nữa thôi, nhạc nhẹ Việt sẽ khởi sắc thật sự, nhờ được bổ sung vào đội ngũ những người trẻ đa năng, phơi phới tự tin, vừa có thể sáng tác, chơi nhạc, biểu diễn, hòa âm phối khí các tác phẩm của mình và biết cách quảng bá nó trên đủ mọi kênh tương tác…
Còn nếu muốn biết Lê Minh Sơn - ca khúc ở đâu, tốt nhất bạn nên tìm nghe đĩa nhạc mới nhất tôi vừa thực hiện cho Lê Khoa - một người hát mới tinh đã đánh đường từ Mỹ về gặp tôi vì trót “phải lòng” âm nhạc Lê Minh Sơn. Trong đó, hầu hết là các sáng tác chưa từng công bố của tôi…
![]() |
“Đừng miễn phí nữa!”
- Gặp lại tuổi trẻ của mình ở Sing My Song, anh thấy sự khác nhau căn bản giữa hai thế hệ là gì?
- Các bạn trẻ ngày nay dĩ nhiên thuận lợi hơn các thế hệ đi trước rất nhiều nhờ có internet để cập nhật, cả thế giới thu nhỏ trong một cái màn hình; các game show có format hay để có được các màn trình làng ấn tượng, các ứng dụng, kênh tương tác từ chiếc điện thoại thông minh... Chẳng bù cho chúng tôi hồi ấy chỉ có dăm ba kênh truyền hình, phát sóng vẻn vẹn trong vòng mấy tiếng; sân chơi duy nhất cho giới trẻ là SV’96… Tôi mày mò viết nhạc từ năm 11 tuổi cũng chỉ vì chán quá, chả có việc gì làm (cười). Nhưng bù lại, thế hệ chúng tôi lại có sân chơi của văn học, thi ca - mảnh đất nuôi dưỡng cảm xúc và trí tưởng tượng, thứ mà giới trẻ bây giờ rất dễ đánh mất khi suốt ngày dán mắt vào màn hình điện thoại, mải mê lướt web…
- Sau Sing My Song, anh tính… đi đâu?
- Lê Minh Sơn không “thất nghiệp” đâu, bạn đừng lo! (cười). Tiếp theo sẽ là Alo Song - dự án âm nhạc mà tôi ấp ủ hai năm nay (thật ra ứng dụng đã chạy thử gần 1 năm nay), và cùng đó là cuộc thi Alo Song Star. Đây là sân chơi mà điều duy nhất bạn cần có là giọng hát và… chiếc điện thoại. Các bạn trẻ yêu thích ca hát, thay vì phải đầu tư tốn kém để góp mặt tại các game show, hay phải đi hát bar, hát tiệc… thì nay có thể đăng ký tham gia ứng dụng này để hát livestream, gửi tới Alo Song Star (giám khảo là các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn cùng một số ca sĩ tên tuổi…). Ngoài cơ hội giành giải, bạn còn có thể có thêm một công việc được trả lương định kỳ, thay vì chỉ hát livestream “tự sướng”, miễn phí trên Facebook như trước nay. Trong bối cảnh hầu hết ca sĩ không sống được bằng việc ra đĩa, chỉ một số rất ít ca sĩ là có thể sống được bằng show và không hiếm ca sĩ trẻ phải chấp nhận hát trên bàn tiệc, đối mặt với những ê chề ngả ngớn… thì Alo Song có thể nói là một gợi ý không tồi chút nào.
- Vậy những thảm họa như Lệ Rơi hay hiện tượng mạng như Hoa Vinh mới đây liệu có cơ hội được Alo Song… trả lương?
- Alo Song không đi tìm những ca sĩ chuyên nghiệp mà là sân chơi rộng rãi cho các ca sĩ không chuyên, nên ngay cả “thảm họa” cũng vẫn có thể có chỗ cho mình. Chẳng hạn như Lệ Rơi có thể được mời vào phòng… “Ai hát chán bằng tôi”, cũng là một góc thư giãn, vui mà! Chẳng phải người Việt mình vốn nổi tiếng là một dân tộc rất thích ca hát sao?
- Xin cảm ơn anh!