Thuế tăng nhưng ô nhiễm môi trường không giảm

Hồng Loan 17/05/2018 07:25

Bộ Tài chính vừa gửi tới UBTVQH Tờ trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó đề xuất tăng kịch khung thuế đối với nhiều mặt hàng để có thể áp dụng ngay trong năm nay. Dự thảo này trong quá trình lấy ý kiến đã vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận trên nhiều phương diện. Điều đáng nói là số thu thuế môi trường tăng lên từng năm nhưng ô nhiễm môi trường lại không suy giảm.

Tăng thuế kịch trần nhiều mặt hàng

Các mức thuế trong dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính gửi tới UBTVQH hầu như giữ nguyên như trong dự thảo đã đưa ra lấy ý kiến trước đó. Theo đó, mỗi lít xăng sẽ phải chịu 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, tăng 1.000 đồng so với hiện tại và kịch khung thuế bảo vệ môi trường hiện hành. Tương tự, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng dầu (trừ dầu hỏa) và túi nilon tăng kịch trần lên lần lượt 2.000 đồng/lít hoặc kg và 50.000 đồng/kg, riêng nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng/tấn than đá tùy loại, và tăng 1.000 đồng đối với mỗi kg dung dịch HCFC.

“Các nghiên cứu cho thấy hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, túi nilon… trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Và cũng theo tính toán của các nhà khoa học, để trả lại môi trường thì thuế đối với các mặt hàng kể trên phải được điều chỉnh cao hơn rất nhiều”, Bộ Tài chính nêu trong Tờ trình.

Thuế tăng nhưng ô nhiễm môi trường không giảm ảnh 1

Riêng về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, dòng thuế này đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2012 - 2017, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường vào khoảng trên 150 nghìn tỷ đồng, bình quân hơn 25 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong bối cảnh KT - XH hiện nay, “nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức phù hợp”, Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm. Bởi, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. Hiện, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít.

Khó thuyết phục người dân

Trong Tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho biết, số thu thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016. Cụ thể, tổng số thu giai đoạn 2012-2016 khoảng 105.985 tỷ đồng, bình quân khoảng 21.197 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 1,48% - 4,27% trên tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 0,34% - 0,98% trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm. Trong đó, năm 2012 thu 11.160 tỷ đồng; năm 2013 là 11.512 tỷ đồng; năm 2014 là 11.970 tỷ đồng; năm 2015 là 27.020 tỷ đồng ; năm 2016 khoảng 44.323 tỷ đồng.

Dự kiến UBTVQH sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường vào phiên họp tháng 7.2018, sau khi QH kết thúc Kỳ họp thứ Năm. Theo Bộ Tài chính, nếu phương án được thông qua, tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ đạt hơn 57,6 nghìn tỷ đồng/năm, tăng gần 15,2 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, chủ yếu là thu từ xăng dầu, với khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14,4 nghìn tỷ đồng/năm. Còn lại, thu từ than đá khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm; túi nilon 67,5 tỷ đồng/năm, tăng 13,5 tỷ đồng; mặt hàng dung dịch 63,5 tỷ đồng/năm, tăng 12,7 tỷ đồng.

Có thể dự đoán đề xuất của Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bị phản đối, mà nguyên nhân không chỉ bởi việc tăng thuế liên quan mật thiết đến túi tiền của người dân.

Khi thẩm tra sơ bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (tháng 9.2017), Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ ra một điểm bất hợp lý đó là xăng dầu mặc dù không phải là đối tượng gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trong các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nhưng thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng, dầu lại chiếm tới 93,4% tổng số thu suốt giai đoạn 2012 - 2016. Tương tự, theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nghiên cứu từ mô hình cân đối liên ngành cho thấy lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam thực sự đáng báo động, đặc biệt ở 2 lĩnh vực mà nền kinh tế lấy làm tự hào là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu hàng hóa. Điều này có nghĩa, vấn đề phát thải nhà kính không phải do hoạt động vận tải và người tiêu dùng sử dụng các phương tiện giao thông như thường bị “đổ lỗi” lâu nay. Như vậy thì bắt xăng dầu phải gánh vác phần lớn trọng trách bảo vệ môi trường liệu có hợp lý hay không?

Thuế tăng nhưng ô nhiễm môi trường không giảm ảnh 2

Quan trọng hơn, người dân khó lòng ủng hộ tăng thuế bảo vệ môi trường khi mà cảm nhận của họ là môi trường ngày càng tệ đi và ô nhiễm hơn. Kết quả công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (Đại học Yale và Columbia của Mỹ) tháng 11.2017 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 123/132 nước về chất lượng không khí. Trong số 10 bệnh gây chết người cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan tới không khí: Trong đó bao gồm các bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư phổi phế quản... Còn theo báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường, hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Riêng chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhiều lần vượt ngưỡng nguy hiểm ở mức gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng.

Một trong những lập luận không đồng tình với đề xuất tăng khung thuế môi trường cho xăng là thu nhiều nhưng không biết Bộ Tài chính đã chi cho việc gì, bao nhiêu... để bảo vệ môi trường. Năm ngoái, Bộ Tài chính công bố tổng mức chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 - 2016 là hơn 131,8 nghìn tỷ đồng, trong khi mức thuế môi trường thu được là hơn 105,9 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng với thực trạng về chất lượng môi trường hiện nay thì dù Bộ Tài chính có lập luận thế nào cũng rất khó thuyết phục được người dân tin tưởng và ủng hộ. 

Hồng Loan