Đường đến hòa bình
Việt Nam là trung tâm trong từng góc máy, nhân vật trả lời chất vấn đanh thép, các cuộc tranh biện mạnh mẽ về chân lý hòa bình cho dân tộc… Với giá trị đặc biệt ấy, những thước phim của Pháp mang đến một hình dung khách quan về con đường Việt Nam giành độc lập.
Mặt trận “bên kia”
Ngày 20.4 vừa qua, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Lễ công bố, giới thiệu một số bộ phim sưu tầm ở Pháp theo “Đề án Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam”. Ba bộ phim đã được phát sóng trên đài truyền hình Pháp lần đầu vào những năm 1970 -1973, trong đó hai phim ghi lại cuộc tranh biện về chiến tranh ở Việt Nam. Cách kể khác nhau nhưng các thước phim đều tập trung vào quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris. Trong từng thước phim, quá trình đấu tranh của dân tộc Việt Nam được khắc họa chân thực và sinh động, ở “mặt trận” không trực diện song sôi nổi và mạnh mẽ.
Đó là hình ảnh về cuộc tranh biện ôn hòa nhưng quyết liệt trong “Việt Nam” và “Hòa bình cho Việt Nam?”. Được phát sóng lần đầu ngày 17.11.1970, phim “Việt Nam” dài 66 phút, là cuộc tranh biện giữa 6 người, trong đó có bà Nguyễn Thị Bình trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bấy giờ, cuộc đàm phán ở Paris mới được bắt đầu lại, trên cơ sở các đề xuất mới của Hoa Kỳ về ngừng bắn và thỏa hiệp một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh. Giọng điệu nhẹ nhàng nhưng đanh thép, câu trả lời chất vấn của bà Nguyễn Thị Bình xoay quanh vấn đề về các vụ ném bom, diễn tiến của Hội nghị Paris… khẳng định một Việt Nam kiên cường. Cuộc tranh biện kết thúc bằng mong muốn giải pháp hòa bình cho Việt Nam.
![]() Câu hỏi về một nền hòa bình mở đầu cho cuộc tranh biện trong phim “Hòa bình cho Việt Nam?” |
Phim tài liệu “Hòa bình cho Việt Nam?” phát sóng ngày 27.1.1972 trong chuyên mục Sự kiện nổi bật, bắt đầu bằng câu hỏi tiêu đề, phim để mở ra cuộc tranh biện với các phóng viên Mỹ về chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Đông Dương. Trong phim, ông Pierre Mendès France, người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng đàm phán về độc lập ở Đông Dương tranh biện với 4 phóng viên, trong đó có Pierre Salinger - cựu phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Kennedy về đề nghị 10 điểm của Richard Nixon bị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bác bỏ.
Hơn 1 giờ đồng hồ, những lập luận là cái nhìn về tinh thần và ý chí của một dân tộc dám đương đầu với sức mạnh quân sự hùng mạnh nhất. Cuộc tranh biện kết thúc bằng nhận định thẳng thắn của Pierre Mendès France: “Hiện nay không ai có thể nghi ngờ ý chí của dân tộc Việt Nam và không ai có thể làm được gì để chống lại ý chí đó cả”.
Tư liệu khách quan và quý hiếm
Ba bộ phim do Viện phim Quốc gia Pháp lưu trữ, được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước mua bản quyền sử dụng bản sao và khai thác trong thời hạn 5 năm. Các bộ phim sẽ được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và một số đài truyền hình trong dịp kỷ niệm ngày 30.4 năm nay, cũng như phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của công chúng. Trước đó, năm 2015 Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã sưu tầm bản sao và bản quyền sử dụng 2 bộ phim tư liệu “Hồ Chí Minh trên đất nước Lênin (Viện Lưu trữ Tài liệu Phim ảnh Quốc gia Nga) và “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” (Viện Phim Quốc gia Pháp). |
Hiệp định Paris là một dấu mốc trong lịch sử đấu tranh giành hòa bình của dân tộc Việt Nam nhưng đi đến đó là hành trình dài. Những người làm phim Pháp tái hiện hành trình đó trong phim tài liệu 100 phút “Việt Nam: Cuộc trường chinh tới hòa bình”. Từng thước phim, cả màu và đen trắng, vẽ nên bức tranh Việt Nam trải dài từ những năm 1900 đến khi ấn định thời điểm chính thức ký kết Hiệp định Paris. Trong phim còn có nhiều hình ảnh về hai nhân vật trọng yếu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn. Hình ảnh hiếm có về Tướng Navarre, cuộc gặp giữa Henry Kissinger (cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ) và Nguyễn Xuân Thủy (đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) cho đến ký kết Hiệp định ngừng bắn và cái bắt tay của Lê Đức Thọ và Kissinger trước sự chứng kiến của Nguyễn Xuân Thủy…
“Sau bao thảm kịch, tang thương, sợ hãi; sau bao thăng trầm và những cơ hội tuột khỏi tay, chúng ta hy vọng sự ngừng bắn này sẽ khởi đầu cho một nền hòa bình lâu dài và hòa giải thực sự đối với tất cả các dân tộc Đông Dương”. Hình ảnh chiếc bàn tròn trước ngày diễn ra lễ ký kết chính thức Hiệp định Paris (27.1.1973) làm nền cho lời dẫn khép lại thước phim của các nhà làm phim Pháp về “cuộc trường chinh” của một dân tộc đi tới hòa bình. Các thước phim, bởi vậy, không chỉ cung cấp cái nhìn về sự kiện thời sự bấy giờ mà còn có giá trị lịch sử sâu sắc.
Vào những năm 1970, ở Việt Nam, do nhiều yếu tố, hầu như rất ít thước phim giàu tính tư liệu như vậy. Chính vì lý do đó, cuộc sưu tầm tư liệu ở các nước về Việt Nam về giai đoạn này có nhiều ý nghĩa. Ba bộ phim được phát sóng tại Việt Nam dịp này được cho là “tài sản” lịch sử đáng giá. Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga cho biết, các thước phim có giá trị cao ở tính sinh động và chưa từng được trình chiếu ở Việt Nam. Càng giá trị hơn khi sự kiện lịch sử nổi bật cách đây 50 năm được ghi dấu tại Pháp, lại được thực hiện bởi chính các nhà làm phim Pháp. Việc sưu tầm, phát huy giá trị tư liệu đó chính là cung cấp cho công chúng một góc tiếp cận lịch sử, một cái nhìn toàn vẹn, đầy đủ hơn về con đường Việt Nam đi tới hòa bình.