Đi đến tận cùng dân tộc
Cái chất dân dã mà không nôm na, giản dị mà trí tuệ, nệ cổ mà vẫn tươi mới… quyện vào từng câu thơ Nguyễn Bính. Để suốt bao nhiêu năm qua, ông vẫn được ví là người giữ phần tinh hoa nhất của làng quê Việt.
“Trầm tích” làng quê Việt
Khác cảnh quê của Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ hay nhiều nhà thơ cùng thời, khác cả bậc tiền bối Nguyễn Khuyến… các sáng tác vẫn gần hiện thực, mang hồn vía hiện thực, thơ Nguyễn Bính Cảnh là cảnh quê trong cõi mộng. Ông không tả quê theo cái nhìn của con mắt, ông nhìn bằng tâm tưởng, bằng hoài niệm về một thời xa. Những mối tình quê cũng là tình trong mộng, mang hồn vía quê hương ở phần thơ mộng nhất, duyên dáng, trong trẻo, chất phác, e lệ như trong truyện xưa, ngay cả lời ăn tiếng nói cũng được nhà thơ “nâng cấp”, trở nên duyên dáng và đậm trữ tình.
![]() Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Bính |
Theo nhận định của nhà thơ Vũ Quần Phương, “Nguyễn Bính lưu giữ phần tinh hoa nhất của quê, đáp ứng nỗi hoài niệm củata. Thời gian càng trôi xa, chúng ta càng thương nhớ”. Chân quê được chưng cất giúp từng câu chữ như gói ghém vẻ sinh động của làng Việt bao đời. Đó là dòng sông và những cánh buồm nâu, ngôi chùa và mùa lễ hội, sân đình và đêm hát chèo, dậu mùng tơi và hàng xóm, vườn chè và chiếc giếng thơi, cô gái chăn tằm, cô gái hái mơ… Đó là những sinh hoạt văn hóa làng quê như đêm hội hát chèo, ngày Tết dân tộc, hội mùa xuân, trò chơi dân gian…
Thấp thoáng hay hiện rõ trong thơ ông bức tranh với đầy đủ lịch sử, tập tục văn hóa đã trở thành trầm tích của tháng năm.Chất liệu của nông thôn Việt Nam được Nguyễn Bính sử dụng, đưa vào nhuần nhuyễn trong tác phẩm của mình, đến mức nếu không chú thích, nhiều người rất dễ nhầm đấy là ca dao, chẳng hạn: Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau (Thời trước). Vẻ đẹp ấy có sự thanh bình trong màu sắc của thiên nhiên và tình cảm chứa chan của con người.
Tô Hoài từng nhận xét: “Chỉ có quê hương mới tạo nên từng chữ từng câu thơ Nguyễn Bính”. Nhưng hình ảnh quê hương toát nên trong thơ Nguyễn Bính không chỉ thuần ở cảnh quê mà chính là ở tình quê. Tình tứ là bức tranh đời sống dân dã, mộc mạc, lúc nào cũng đằm thắm tình người, theo kiểu Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào? (Tương Tư)…
Nẻo về nguồn cội
Sáng 24.4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Bính. Nhiều nhận định về tạng thơ của ông tiếp tục được đưa ra, có những phân tích đã định hình từ lâu, có những đánh giá đã được công nhận trước đó... đều xoay quanh đề tài thôn quê trong thơ Nguyễn Bính. Có thể nói, xuyên suốt lịch sử thơ ca Việt Nam, Nguyễn Bính là thi sĩ lớn viết về tình quê, cảnh quê.Theo nhà thơ Nguyễn Đức Ngọc, cái chất dân dã, thôn quê đã đi sâu vào thơ Nguyễn Bính, dù ông cũng viết về những tình huống, tâm thế của người thành thị. Sau ngót nghét một phần ba thế kỷ ra đời và tồn tại, những câu thơ trở thành một phần trong tâm hồn người Việt.
![]() Nguyễn Bính (1918 - 1966) |
Nguyễn Bính (1918 - 1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh tại làng Thiện Vịnh, Vụ Bản, Nam Định. Ông làm thơ từ năm 13 tuổi và nổi tiếng từ những năm 1940 với số lượng thơ khá dày. Cái tình trong thơ Nguyễn Bính mặn mà, mộc mạc, sâu sắc và tế nhị hợp với phong cách, tâm hồn của người Á Đông nên được đông đảo công chúng đón nhận, đặc biệt là tầng lớp bình dân. |
Cách mạng đến, Nguyễn Bính gia nhập đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng Nam Bộ. Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông tham gia kháng chiến. Bắt rễ vào đời sống quê hương, đất nước, bắt rễ vào truyền thống văn hóa dân tộc, từ nền tảng đó, Nguyễn Bính bắt nhập với trào lưu tiến bộ của văn học hiện đại đương thời. Nhiều ý kiến nhận định, có lẽ đấy là giai đoạn đắc chí của đời ông, dấu vết còn lưu trong ca từ bài hành khúc “Tiểu đoàn 307”.
Tuy nhiên, cuộc sống của ông khi ấy hoàn toàn thay đổi, không còn mộng tưởng thuở chân quê, cũng giã từ cả bi lụy lẫn bi phẫn. Nhà thơ làm tròn trách nhiệm công dân nhưng thơ lại vơi hụt đi ít nhiều phong vị say đắm rất Nguyễn Bính trước kia. Đó cũng là thách thức của một đời thơ trước thời cuộc, cũng là điều cần được nhìn lại, đánh giá sâu sắc để có câu trả lời thấu đáo về chặng đường sáng tác của một người và văn chương một thời.
Đến nay, độc giả vẫn tìm đến Nguyễn Bính, vẫn say mê những câu thơ mang đậm hương vị làng quê Việt Nam. Nhà thơ, nhà phê bình Lê Thành Nghị so sánh, với Nguyễn Bính, cái hay đang thách thức thời gian và cũng có thể thời gian, thời cuộc đang làm thơ Nguyễn Bính hay hơn. “Ví như trong thời buổi toàn cầu hóa hiện thời, thế giới bỗng nhiên có cảm giác chỉ ngắn chẳng tày gang, thơ Nguyễn Bính là nơi con người có thể tìm về nguồn cội căn cốt của mình chăng, nếu thừa nhận đi về dân tộc cũng là đi đến nhân loại”.