Hướng đến hiệu quả, bền vững

Bài và ảnh: Bảo Hân 24/04/2018 07:44

Để khắc phục những hệ lụy do công nghệ khai thác khoáng sản lạc hậu hiện nay ở Việt Nam gây ra, một trong những giải pháp đó là cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại hướng đến giá trị bền vững, an toàn, hiệu quả.

Hệ lụy do công nghệ lạc hậu

Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng về chủng loại. Trong những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng đóng vai trò quan trọng và tích cực trong sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam và trong nền kinh tế đất nước. Đã có hơn 5.000 điểm khoáng và mỏ đã và đang đưa vào khai thác, trong đó một số loại có trữ lượng lớn như dầu - khí (1,2 - 1,7 tỷ mét khối), than (240 tỷ tấn), titan (600 triệu tấn khoáng vật nặng)… Có nhiều loại khoáng sản được khai thác phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Mặc dù vậy, đến nay ở Việt Nam, ngoại trừ một số loại khoáng sản như dầu khí, than đá, đồng đã có công nghệ khai thác, chế biến ở trình độ tương đối hiện đại, phần lớn các khoáng sản khác công nghệ chế biến vẫn còn lạc hậu và thiếu hụt sự liên kết hợp tác của các doanh nghiệp trong nước. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực cả về tài chính, thiết bị, công nghệ lẫn kinh nghiệm nhưng vẫn được cấp mỏ. Và việc khai thác và chế biến bằng công nghệ lạc hậu, dẫn tới doanh nghiệp chế biến thô sơ.

Hướng đến hiệu quả, bền vững ảnh 1

 Theo các chuyên gia về khai khoáng, đây là cách làm không phù hợp với đặc điểm và thành phần khoáng vật của quặng nên mức độ thu hồi thấp và không thu hồi được khoáng vật có giá trị đi kèm. Không chỉ có vậy, việc khai thác khoáng sản với thiết bị máy móc lạc hậu còn dẫn đến những hệ lụy ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên… Đơn cử tại các điểm mỏ quặng Atimol ở xã Pắc Luy, huyện Yên Minh, mỏ sắt Sàng Thần ở Minh Sơn, Bắc Mê, Hà Giang, các điểm mỏ này phần lớn đều được khai thác ở dạng thô, do trữ lượng không nhiều nên việc đưa máy móc vào khâu tuyển quặng không được thực hiện tại điểm mỏ này, mà ở một địa điểm khác. Việc khai thác không đồng bộ, manh mún tại các mỏ này không chỉ gây thất thoát tài nguyên, chi phí cao mà còn khiến người dân luôn bức xúc vì cuộc sống bị đảo lộn và ảnh hưởng nặng nề; các con suối như Lũng Vầy, Khuổi Kẹn… đều bị ô nhiễm, nước đục ngầu không thể sử dụng trong sinh hoạt…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

 Đại diện Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cho biết: Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nêu rõ: Thăm dò, khai thác khoáng sản gắn với chế biến và sử dụng hiệu quả; phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh… Nhưng hiện nay, chỉ có khoảng 0,01% tổng doanh thu của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản dành cho đầu tư đổi mới công nghệ.

Trong khuôn khổ triển lãm Mining 2018 về ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, các chuyên gia trong lĩnh vực khai khoáng đến từ Mỹ, Úc, Trung Quốc, Singapore đã chia sẻ việc sử dụng, ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác khoáng sản. Phần lớn ý kiến đều cho rằng: sử dụng máy móc hiện đại, tối tân không chỉ giúp có thể đánh giá, phân tích được trữ lượng một cách chính xác, mà còn hỗ trợ rất lớn trong việc khai thác, tuyển quặng, than, đồng, niken… có hiệu quả với năng suất cao hơn rất nhiều, tiết kiệm được nhiều chi phí, giảm được nhân công… Đơn cử tại Úc - một trong những nước đứng đầu thế giới về công nghệ khoáng sản, một trong những yêu cầu bắt buộc trong khai thác mỏ đó là khai thác mỏ phải bảo đảm an toàn, đáp ứng tiêu chí về môi trường. Vì vậy, các thiết bị phục vụ trong khai thác khoáng sản, từ máy thăm dò, khoan, máy xúc đến các máy phục vụ trong chế biến sâu rất hiện đại. Các máy đều được thiết kế với cường lực mạnh, thân thiện với môi trường… nên hầu như các khoáng sản đều được khai thác một cách triệt để, không có sự lãng phí, các điểm mỏ hầu như không xảy ra ô nhiễm môi trường, có sự ủng hộ và tương tác rất lớn với người dân bản địa.

Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Trần Tú Ba cho biết: Hiện, trữ lượng khoáng sản quan trọng chưa được khai thác của Việt Nam còn khá lớn: Khoảng 8,8 tỷ tấn than trong lưu vực Đông Bắc, khoảng 29 tỷ tấn than nâu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trữ lượng bauxit hàng đầu thế giới với khoảng 5,5 tỷ tấn ở miền Trung, Tây Nguyên và các khoáng chất khác nhau như titan, quặng sắt, crom, đồng, đá vôi, vàng, đất hiếm, vonfram… Vì vậy, để bảo đảm khai thác nguồn tài nguyên có hiệu quả, một trong những vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, áp dụng máy móc kỹ thuật hiện đại nhằm tối ưu hóa hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Muốn làm điều này, đòi hỏi ngành chức năng cần có các chương trình nghiên cứu mang tính ứng dụng phù hợp nhằm khai thác an toàn, tối đa tài nguyên.

Dẫn chứng về những hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động khai thác khoáng sản than, PGS. TS Phùng Mạnh Đắc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Công nghệ Mỏ Việt Nam nêu thực tế: Các mỏ khai thác than lộ thiên của Việt Nam hiện nay đều khai thác trong điều kiện dưới mức thoát nước tự chảy, hệ số bóc lớn, cung độ vận tải ngày càng xa, điều kiện khoan - nổ mìn và xúc bốc ngày càng khó khăn. Các thiết bị sử dụng tại các mỏ chủ yếu là các thiết bị có tính cơ động cao nhưng chưa phát huy hết năng lực hiện có. Chính vì vậy, cần đề xuất định hướng lựa chọn thiết bị khai thác hiệu quả cho các mỏ này; đồng thời sử dụng các thiết bị tiên tiến trên thế giới nhằm đáp ứng sản lượng theo quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét đến triển vọng năm 2030.

Bài và ảnh: Bảo Hân